Sơn La: Giám sát chặt các dự án phát triển năng lượng

Nguyễn Nga| 15/03/2023 13:27

(TN&MT)-Là tỉnh có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió, điện mặt trời…., những năm qua, cùng với việc khai thác tiềm năng lợi thế để phát triển các dự án năng lượng, Sơn La đặc biệt quan tâm chú trọng rà soát, khắc phục các tồn tại trong thực hiện dự án, hạn chế tối đa các ảnh hưởng đến môi trường, đời sống nhân dân.

Loại bỏ các dự án gây ảnh hưởng đến môi trường

Có mạng lưới sông suối khá dày, phân bố trên địa bàn các xã, Phù Yên hiện có 8 dự án công trình, nhà máy thủy điện nhỏ. Trong đó, 3 nhà máy đã đưa vào khai thác, vận hành với tổng công suất 44,4 MW; 4 công trình đang hoàn thiện các thủ tục đầu tư, triển khai xây dựng; 1 công trình đang tạm dừng triển khai. Ngoài ra, có 11 dự án điện mặt trời áp mái nhà với tổng công suất 281 kWp thuộc thẩm quyền cấp của điện lực Phù Yên.

a2(1).jpg

Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại Nhà máy Thủy điện Suối Sập 2, huyện Phù Yên.

Chủ tịch UBND huyện Phù Yên Đặng Quang Hưng cho biết: Giai đoạn 2016-2021, Phù Yên đã thực hiện các chủ trương, chính sách, chiến lược của Trung ương, tỉnh về phát triển năng lượng phù hợp với điều kiện thực tế địa phương.

Chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các chủ đầu tư trong việc vận hành hồ chứa, bảo đảm dòng chảy tối thiểu, hỗ trợ an sinh xã hội. Chỉ đạo Chủ đầu tư các nhà máy thủy điện lập phương án ứng phó thiên tai cho công trình vùng hạ du.

Thường xuyên rà soát quy hoạch thủy điện, kiến nghị kịp thời để loại bỏ khỏi quy hoạch các dự án không đảm bảo hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng lớn đến dân cư và tác động xấu đến môi trường….

Huyện Phù Yên cũng kiến nghị các sở ngành, với các dự án thủy điện nhỏ đã có trong quy hoạch nhưng chưa đầu tư xây dựng cần tạm dừng; chỉ triển khai sau khi có kết quả đánh giá đảm bảo không tác động lớn, tiêu cực đến môi trường, có sự đồng thuận của cộng đồng dân cư.

Theo báo cáo của Sở Công thương Sơn La, giai đoạn 2016-2021, Sơn La đã triển khai quy hoạch 44 dự án thủy điện nhỏ, trong đó, 22 thủy điện đã hoàn thành, 11 thủy điện đang đầu tư xây dựng, 11 thủy điện đang lựa chọn đơn vị thực hiện.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vẫn chủ yếu ở lĩnh vực thủy điện, các lĩnh vực năng lượng tái tạo khác như điện mặt trời nối lưới, điện gió… mới dừng ở khảo sát bổ sung quy hoạch. Việc đánh giá tác động môi trường một số dự án còn hạn chế, chưa nhận diện hết một số tác động, ảnh hưởng của dự án, phải có những cam kết của nhà đầu tư khắc phục các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công, vận hành.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh, việc phát triển thủy điện còn gây ra một số bất cập như làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến nhà ở, đất sản xuất. Hện nay, quan điểm của tỉnh Sơn La là phát triển thủy điện phù hợp định hướng phát triển KT-XH của tỉnh, là kinh tế xanh – bền vững – bảo vệ môi trường; chưa xem xét bổ sung các dự án thủy điện công suất dưới 10MW, các dự án gây tác động lớn đến tài nguyên nước, môi trường, đời sống nhân dân.

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Sơn La có 3 thủy điện lớn, 54 thủy điện nhỏ đã đi vào phát điện; 1 dự án điện sinh khối; 704 hệ thống điện mặt trời mái nhà; 3 mỏ than. Tỉnh đã chấp thuận 13 nhà đầu tư nghiên cứu, đánh giá lập hồ sơ quy hoạch các dự án điện gió, tổng công suất khoảng 2.000MW. Giai đoạn 2016-2021, các cấp ngành đã chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm tổn thất điện năng từ 5,75% năm 2016 xuống 4,95% năm 2021.

2(1).jpg

Sơn La nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với các dự án thủy điện.

Đề xuất phân cấp thêm thẩm quyền cho địa phương

Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với các dự án năng lượng, từ năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Tổ Công tác tham mưu trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng, bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư, quản lý vận hành khai thác các công trình thủy điện nhỏ nhằm đảm bảo dòng chảy tối thiểu, bảo vệ môi trường, ổn định đời sống nhân dân.

UBND tỉnh đã kiểm tra, rà soát toàn bộ các hệ thống điện mặt trời, kịp thời chấn chỉnh các vi phạm; các sở ngành đã triển khai kiểm tra định kỳ với các dự án. Qua đó, đã ban hành 24 quyết định xử lý vi phạm về xây dựng, môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản.

Để tiếp tục hoàn thiện, thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, Sơn La đang tập trung hoàn thiện phương án phát triển, cập nhật đầy đủ vào quy hoạch chung tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, đảm bảo hiệu quả, bền vững, ít ảnh hưởng đến môi trường, dân sinh, xã hội.

Tập trung phát triển năng lượng tái tạo; rà soát, sửa đổi Quy chế phối hợp quản lý các công trình thủy điện nhỏ; quy chế phối hợp quản lý khoáng sản… đảm bảo phân công phân cấp rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành. Tăng cường kiểm tra, giám sát với các dự án năng lượng.

Tuy nhiên, hiện nay, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, các dự án thủy điện có công suất lắp máy từ 2MW trở lên, thẩm quyền thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường là của Bộ TN&MT. Song, việc quản lý các lĩnh vực liên quan đến dự án thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Cộng thêm, trên thực tế, nhiều dự án trong quá trình khảo sát, thiết kế hoặc theo tình hình phát triển phụ tải phải chuẩn xác lại một số thông số trong quy hoạch (tọa độ vị trí tuyến đập, nhà máy, công suất TBA 110kV…), cần trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án.

a1(2).jpg

Đoàn ĐHQH tỉnh làm việc với Sở Công Thương, Sở TN&MT, Sở Khoa học và Công nghệ và Công ty Điện lực Sơn La về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021.

Tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La về thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Phạm Thị Doan đã đề nghị Đoàn giám sát kiến nghị Bộ Công Thương xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 43/2012/TT-BCT ngày 27/12/2012 của Bộ Công Thương quy định về quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; nghiên cứu phân cấp cho địa phương cấp giấy phép hoạt động điện lực với các dự án năng lượng tái tạo quy mô nhỏ (dưới 20MW).

Các sở ngành cũng kiến nghị Đoàn giám sát kiến nghị các Bộ, ngành trung ương nghiên cứu phân cấp cho địa phương là cơ quan chủ trì thẩm định Báo cáo đánh giá tác động môi trường với các dự án năng lượng trên địa bàn 1 tỉnh, quy mô công suất dưới 50MW; ban hành quy định cụ thể về cao trình giải phóng mặt bằng hồ chứa thủy điện, việc xác định phạm vi ảnh hưởng, GPMB các tuabin điện gió....

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Giám sát chặt các dự án phát triển năng lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO