Chiềng Ngần là xã nằm ở phía Tây Bắc của TP. Sơn La, với 15 bản, tiểu khu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Mùa mưa năm 2020, tại bản Púng, xã Chiềng Ngần, đá lăn đã làm 1 người thiệt mạng, 1 người bị thương. Theo lời anh Lò Văn Tiến, chủ hộ gia đình, gia đình anh đã sinh sống ở đây hơn 20 năm, tảng đá đó nằm trên sườn đồi phía sau, cách nhà khoảng 50 m cũng đã ở đó từ trước đến giờ. Ngày xảy ra tai nạn, trời mưa to, đá lăn bất ngờ từ trên đồi xuống làm sập nhà, đè nát mọi thứ, bố anh Tiến vẫn ở bên trong và không thoát ra ngoài kịp nên đã bị đá đè.
Đá lăn xuống nhà dân tại bản Púng, xã Chiềng Ngần làm 2 người thương vong |
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, thành phố Sơn La đã huy động gần 1.000 nhân lực gồm công an, quân đội và các lực lượng tại chỗ để hỗ trợ khắc phục thiệt hại do đá lăn. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, khảo sát các khu vực có nguy cơ sạt lở, đá lăn tại xã Chiềng Ngần.
Ông Cà Văn Yêu, Chủ tịch UBND xã Chiềng Ngần cho biết: Qua kiểm tra, nhiều hộ gia đình nằm ở dưới chân núi có độ dốc lớn, đặc biệt kết cấu đất đá xen lẫn nên khi mưa nhiều khiến đất nhão, nguy cơ sạt lở, đá lăn rất cao. Cả bản có 23 điểm nguy cơ đá lăn, xã Chiềng Ngần đã thực hiện phương châm 4 tại chỗ, huy động lực lượng thực hiện một số biện pháp gia cố nhằm hạn chế nguy cơ sạt trượt các điểm trên, đến nay đã thực hiện phá dỡ những tảng đá có nguy cơ lăn cao.
Tại xã Chiềng Đen, đêm 7/8/2020, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài, đá lăn đã khiến tuyến đường giao thông trục xã đi qua bản Bôm Nam bị ách tắc. Tảng đá khoảng 50 m3 rơi chắn ngang đường giao thông, rất may không gây thiệt hại về người. Cũng trong tháng 8/2020, Công an TP. Sơn La đã kịp thời ngăn chặn nguy cơ đá lăn xuống khu dân cư tại khu vực tổ 3, phường Quyết Tâm.
Chính quyền đã huy động các lực lượng hỗ trợ gia đình anh Lò Văn Tiến khắc phục thiệt hại do đá lăn. |
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố, những năm qua, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến khó lường, mùa khô nơi đây nắng hạn kéo dài, mùa mưa thường xuyên xảy ra giông, lốc, mưa đá, mưa to cục bộ. Địa hình thành phố có nhiều núi cao, đất đá xen kẽ, có những tảng đá do đất bị xói mòn đã trơ trọi trên mặt đất, nên nguy cơ trượt lở rất cao.
Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 5 vụ đá lăn nghiêm trọng, làm 1 người thiệt mạng, 2 người bị thương; 5 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó có 2 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn; hư hỏng mặt đường; thiệt hại nhiều diện tích cây trồng của các hộ gia đình…
Thành phố đã hỗ trợ di dời nhà ở khẩn cấp khỏi nơi đá lăn, sạt lở đất cho 4 hộ gia đình. Chỉ đạo khắc phục nguy cơ đá lăn tại tổ 2, phường Quyết Thắng; bản Lầu, phường Chiềng Lề; bản Pọng, xã Hua La; bản Púng, xã Chiềng Ngần; tổ 2, tổ 3 phường Quyết Tâm; bản Lả Mường xã Chiềng Xôm. Tổ chức phá gần 400 m3 đá có nguy cơ lăn tại các xã, phường, trong đó: Chiềng Ngần 153,6 m3; Hua La 137,52 m3; Quyết Tâm 69,95 m3; Chiềng Lề 35,06 m3; Chiềng Xôm 1,5 m3; Quyết Thắng 2 m3.
Tuy vậy, phương án di dời nhân dân đến khu vực an toàn chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài phải có quy hoạch khu sơ tán đảm bảo ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Lãnh đạo TP. Sơn La chỉ đạo khắc phục đá lăn tại bản Bôm Nam, xã Chiềng Đen |
Ông Nguyễn Thế Phương, Phó Chủ tịch UBND TP. Sơn La cho biết: Trong năm 2020, thành phố đã kiểm tra khảo sát, thực hiện các phương án đảm bảo an toàn cho nhân dân trong vùng nguy cơ đá lăn tại xã Chiềng Ngần, phường Quyết Tâm, xã Hua La, xã Chiềng Xôm, xã Chiềng Đen, phường Quyết Thắng... Hỗ trợ kinh phí cho các địa phương triển khai phá dỡ các khối đá có nguy cơ bị lăn kịp thời; xây dựng phương án di dời dân trong trường hợp khẩn cấp.
Năm 2021, thành phố đã kiện toàn, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, ban hành Lịch trực lũ bão từ ngày 5/5 - 31/10/2021. Cắm 15 biển cảnh báo phòng chống nguy cơ sạt lở đất, đá lăn… Chủ động phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Xây dựng kế hoạch trồng rừng, bảo vệ rừng, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng nhằm hạn chế tối đa xảy ra lũ, sạt lở đất đá.
Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các xã, phường rà soát, cung cấp thông tin về các công trình trọng điểm, xung yếu trên địa bàn có nguy cơ rủi ro thiên tai cao trong năm 2021, đặc biệt ảnh hưởng đến dân cư, cở sở hạ tầng quan trọng. Tiếp tục rà soát các khu vực trọng điểm, vị trí xung yếu, để phát hiện và xử lý, khắc phục kịp thời các hiện tượng sạt lở đất, đá… đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.
Xã Chiềng Ngần huy động lực lượng thực hiện một số biện pháp gia cố nhằm hạn chế nguy cơ sạt trượt các điểm có nguy cơ cao. |
Đồng thời, đề nghị các xã, phường tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về PCTT&TKCN, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Đa dạng các hình thức tuyên truyền để người dân đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số hiểu rõ các dạng thiên tai, cách phòng chống, ứng phó để chủ động phòng tránh, nhận thức được phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai là nghĩa vụ phải thực hiện, để từ đó không chủ quan, tích cực thực hiện phòng chống thiên tai, nhất là phòng chống sạt lở đất, đá có nguy cơ lăn, phòng chống các công trình có nguy cơ bị sập, phòng chống gió lốc, cây đổ gẫy, an toàn điện, ngập lụt…
Theo thống kê từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP. Sơn La, thành phố đã triển khai Dự án đầu tư xây dựng bố trí dân cư vùng phòng tránh thiên tai sạt lở đất, lũ quét tại phường Chiềng Lề, xã Chiềng Xôm, đến nay, đã bố trí xong 51 hộ vùng sạt trượt đất tổ 10, phường Chiềng Lề. Dự kiến bố trí cho 35 hộ gia đình sạt trượt thuộc tổ 10, phường Chiềng Lề đến tái định cư tại Noong Đúc, phường Chiềng Sinh vào quý IV/2021.
Dự án đầu tư khu tái định cư sạt lở đất tại bản Ót Luông, xã Chiềng Cọ có quy mô 1 ha, tiếp nhận 27 hộ gia đình. Tuy nhiên, đến nay chưa triển khai thực hiện được do thành phố chưa cân đối được nguồn vốn đầu tư xây dựng, các hộ gia đình chưa nhất trí đơn giá bồi thường. Hiện, UBND thành phố đang thực hiện rà soát, điều chỉnh lại Dự án.