Sơn La: Công bố kết quả dự án lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt

15/08/2018 16:18

(TN&MT) - Ngày 15/8, UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị Công bố kết quả dự án Lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt với Nhà máy cấp nước số 1, 2 thành phố Sơn La (nguồn nước hang Thẳm Tát Tòng, suối Nậm La) và Nhà máy cấp nước Mai Sơn (nguồn nước suối Nậm Pàn).

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, đại diện Viện thủy văn môi trường và BĐKH, Trường Đại học thủy lợi (Đơn vị tư vấn lập dự án) đã trình bày tóm tắt quá trình triển khai và kết quả thực hiện Dự án. 

Trên địa bàn tỉnh Sơn La có 3 nhà máy cấp nước sinh hoạt có quy mô lớn. Nhà máy cấp nước số 1 thành phố khai thác, sử dụng nguồn nước từ hang Thẳm Tát Tòng có công suất 12.000m3/ngày đêm, phục vụ hơn 12.000 hộ dân. Nhà máy cấp nước số 2 khai thác, sử dụng nguồn nước suối Nậm La, công suất 2.500m3/ngày đêm, cung cấp nước cho 1.000 hộ dân. Nhà máy cấp nước Mai Sơn khai thác, sử dụng nguồn nước suối Nậm Pàn với công suất 4.800m3/ngày đêm, cấp nước cho 2.900 hộ dân.

Trong những năm gần đây, ô nhiễm nguồn nước cấp sinh hoạt tại nhà máy cấp nước số 1,2 do hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đầu nguồn nước diễn biến ngày càng phức tạp. Nhà máy nước Mai Sơn cũng có nhiều nguy cơ bị ô nhiễm do hoạt động sản xuất, chế biến nông sản, chăn nuôi, phế thải từ hoạt động trồng trọt, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, rác sinh hoạt. Riêng nhà máy nước số 1, năm 2017 đã ngưng sản xuất 17 lần, trong đó, 1 lần nghiêm trọng nhất kéo dài 10 ngày liên tiếp, gây bức xúc trong nhân dân.

Do đó, việc lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt là rất cấp thiết. Dự án đã sử dụng nguyên lý mô phỏng khuếch tán và phân tán các chất ô nhiễm, lan truyền ô nhiễm, từ đó, xác định phạm vi các vùng ô nhiễm nặng, vùng ô nhiễm, vùng có nguy cơ ô nhiễm và vùng không bị ô nhiễm trong vùng dự án làm căn cứ để thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước.

Qua đó, đã xác định vùng ô nhiễm nặng (vùng I) có diện tích là 128,94km2. Chiều dài đường biên vùng ô nhiễm nặng là 100,8km nằm trên địa bàn phường Chiềng An, Chiềng Cọ, Chiềng Đen, Chiềng Xôm, Chiềng Lề, Hua La (thành phố Sơn La); Bon Phặng, Muổi Nọi, Bản Lầm (Thuận Châu); Mường Bon, Hát Lót, Chiềng Mung, Mường Chanh, Chiềng Chung, thị trấn Hát Lót (Mai Sơn).

Diện tích vùng ô nhiễm (vùng II) có diện tích 118,71 km2. Chiều dài đường biên vùng ô nhiễm là 116,8km nằm trên địa bàn 9 phường của thành phố Sơn La; 4 xã huyện Thuận Châu và 8 xã, thị trấn của huyện Mai Sơn. Vùng có nguy cơ ô nhiễm (vùng III) diện tích 262,88km2. Nằm trên địa bàn 5 phường của thành phố Sơn La; 2 xã của huyện Thuận Châu và 7 xã của huyện Mai Sơn.

Trên cơ sở đó, ngày 14/8, UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định 1973/QĐ-UBND phê duyệt kết quả Dự án lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt với Nhà máy nước số 1,2 thành phố Sơn La và Nhà máy cấp nước Mai Sơn trên địa bàn 10 xã, phường thành phố Sơn La; 4 xã huyện Thuận Châu và 8 xã, thị trấn huyện Mai Sơn. Theo đó, phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt có tổng chiều dài đường biên (trùng với đường biên vùng ô nhiễm nặng và vùng ô nhiễm) là 217,6km. Tổng số mốc cần cắm cho 2 vùng (vùng I và vùng II) là 1.093 mốc.

Việc lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt nhằm phòng chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là từ các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê khu vực đầu nguồn nước
Việc lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt nhằm phòng chống các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là từ các cơ sở sơ chế, chế biến cà phê khu vực đầu nguồn nước

Tại hội nghị, ông Lê Văn Thành, Phó Giám đốc Sở NN&PTN Sơn La đã đề xuất phương án ổn định sản xuất vùng nguyên liệu cà phê 2018-2019. Theo đó, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ quả cả phê tươi. Triển khai các chương trình, dự án giảm thiểu và khống chế mức độ gia tăng ô nhiễm, với mục tiêu 100% cà phê sản xuất ra trên địa bàn các xã áp dụng quy trình sản xuất VietGap, giảm dư lượng thuốc trừ sâu, trừ cỏ và hóa chất khác trong đất, 100% bao bì đựng hóa chất bảo vệt hực vật trong vùng trồng cà phê được xử lý theo đúng quy định.

Thực hiện các chương trình, dự án nhằm khắc phục, cải tạo những khu vực bị ô nhiễm nặng, gồm Dự án xử lý nước thải và chất thải từ hoạt động sơ chế, chế biến cà phê; dự án xử lý vỏ cà phê bằn phương pháp ủ men vi sinh. Xây dựng các chương trình truyền thông, nhằm nâng cao năng lực quản lý môi trường cán bộ địa phương tại các xã vùng dự án, triển khai tuyên truyền cho người dân về bảo vệ môi trường nơi sản xuất, sinh sống.

Tiếp đó, đại diện các sở, ngành, các DN, cơ sở chế biến cà phê đã trao đổi những khó khăn của các đơn vị trong quá trình xây dựng hệ thống nước thải, đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ các đơn vị để hài hòa giữa phát triển cà phê và không gây ô nhiễm môi trường. Các giải pháp để ngăn chặn triệt để ô nhiễm môi trường khi niên vụ cà phê 2018 đã cận kề. Công nghệ chế biến cà phê để không gây ô nhiễm…

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Bùi Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Không riêng gì chế biến cà phê mà tất cả các hoạt động sản xuất chế biến khác đều phải đảm bảo công tác bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, tôi đề nghị, chủ đầu tư dự án là Sở TN&MT sớm bàn giao đầy đủ các sản phẩm dự án cho các địa phương thuộc khu vực dự án. Giao Sở TN&MT phối hợp đơn vị tư vấn xây dựng đề cương tuyên truyền cho người dân trong khu vực. Hoàn thành trước 20/8/2018 để triển khai thực hiện.

Việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước giao các huyện, xã thực hiện trong năm 2019. Đề nghị các ngành liên quan có kế hoạch triển khai cụ thể. Giao Sở TN&MT phối hợp Sở Nông nghiệp & PTNT, Khoa học Công nghệ, các huyện đề xuất xây dựng chính sách giải quyết vấn đề môi trường trong chế biến cà phê, sản xuất cà phê sạch trên địa bàn.

Chuẩn bị bước vào niên vụ cà phê 2018, tiếp tục duy trì các tổ công tác của tỉnh đã thành lập, lấy tiêu chí môi trường và các quy định pháp luật để kiểm tra, giám sát việc thực hiện trên địa bàn trong các khu vực của dự án đã khoanh định. Đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp đảm bảo môi trường. Giao các huyện tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình. Đề nghị các cơ sở sơ chế chế biến hiện nay, đặc biệt là chế biến cà phê khi chưa thực hiện các yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về công tác đảm bảo môi trường thì tiếp tục dừng sản xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơn La: Công bố kết quả dự án lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO