Phát triển bền vững

Sơn Động – Bắc Giang: Sản phẩm OCOP giúp nhiều người dân ổn định đời sống

Lê Tí 10:47 23/10/2023

Đến nay, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang có 10 sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt 4 sao. Chương trình OCOP đã tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hoá, giúp hàng chục hộ dân, trong đó có nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Hỗ trợ đối đa cho sản phẩm OCOP

Để phát triển và chuẩn hóa các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế trên địa bàn huyện gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn, Ban Thường vụ Huyện ủy Sơn Động đã ban hành Nghị quyết về xây dựng các sản phẩm đặc trưng, tiềm năng, có lợi thế và sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025.

Tiếp đó, HĐND huyện Sơn Động thông qua và ban hành Nghị quyết quy định về cơ chế hỗ trợ cho các sản phẩm đạt OCOP. Theo đó, sản phẩm OCOP đạt 3 sao được hỗ trợ tối đa không quá 100 triệu đồng/sản phẩm; sản phẩm OCOP đạt 4 sao được hỗ trợ tối đa không quá 150 triệu đồng/sản phẩm; sản phẩm OCOP đạt 5 sao được hỗ trợ tối đa không quá 250 triệu đồng/sản phẩm.

Căn cứ điều kiện tự nhiên, tiềm lực phát triển, hàng năm, 17/17 xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết của Ban Thường vụ Huyện ủy. Qua khảo sát, đăng ký có 10 sản phẩm tiềm năng, thế mạnh có thể phát triển thành sản phẩm OCOP. Cơ quan chuyên môn của huyện đã xây dựng các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất để thúc đẩy các sản phẩm tiềm năng; triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm tiềm năng, có lợi thế, sản phẩm OCOP.

anh-1-sd.jpg
Sơn Động đã có 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao

Đến nay, Sơn Động có 10 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó có sản phẩm mật ong Tây Yên Tử đạt 4 sao. Huyện có 6 sản phẩm đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ nhãn hiệu và 1 sản phẩm đang chờ quyết định công nhận. Các sản phẩm sau khi đạt OCOP đã nâng cao được giá trị và thị trường tiêu thụ cũng rộng mở hơn.

Ông Ngọc Xuân Trường, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động, cho biết, đến nay, huyện có 10 sản phẩm OCOP. Các chủ thể đầu tư rất bài bản về quy trình sản xuất, mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm được thị trường đón nhận, từ đó giá trị hàng hóa được nâng lên, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho bà con. Ví dụ như cam xoàn, trước đây giá bán 20.000-25.000 đồng/kg, khi trồng theo quy trình VietGAP, hữu cơ, đạt sản phẩm OCOP, giá lên tới 60.000 đồng/kg bán lẻ, bán buôn 40.000 đồng/kg.

Cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá vật tư đầu vào tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất của các chủ thể OCOP. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp huyện, tuy đã đạt được những kết quả tích cực nhưng nhìn chung, Sơn Động chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đến đầu tư liên doanh, liên kết với các HTX, hộ kinh doanh để bao tiêu sản phẩm; các HTX chưa tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nên sản xuất còn manh mún, không dám đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp sản phẩm.

Các chủ thể thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất và kinh doanh bán hàng, tìm kiếm thị trường, nhất là bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; còn ít các điểm trưng bày, bán sản phẩm; chưa xây dựng được website giới thiệu các sản phẩm OCOP; chưa có sản phẩm OCOP được xuất khẩu.

anh-2-sd.jpg
Sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch đang đem lại hiệu quả to lớn cho nhiều hộ gia đình

Năm 2023, Sơn Động xác định cùng với việc giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch, sẽ tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng đối với 7 sản phẩm mới, phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 20 sản phẩm OCOP.

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND huyện Sơn Động xác định triển khai đồng bộ các giải pháp, giao Phòng Nông nghiệp và PTNT tổ chức các lớp tập huấn, chương trình tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm quản lý, phát triển các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh cho các phòng chuyên môn, lãnh đạo, cán bộ phụ trách sản phẩm OCOP các xã, thị trấn.

Phối hợp với các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, chuẩn hóa các sản phẩm, tư vấn về tem, nhãn, bao bì, thiết kế, câu chuyện sản phẩm, giới thiệu các đơn vị tư vấn, in ấn uy tín đồng hành cùng các chủ thể và người dân.

Các chủ thể cần mạnh dạn đầu tư, nâng cấp bao bì, tem nhãn, chuẩn hóa sản phẩm, thiết kế nhỏ gọn, lịch sự, ưu tiên các vật liệu bảo vệ môi trường, giá thành phù hợp với người tiêu dùng. Thường xuyên tham gia các hội nghị xúc tiến thương mại, trưng bày sản phẩm, hội chợ triển lãm để tìm kiếm đối tác và thị trường tiêu thụ, tránh việc trông chờ các cơ quan Nhà nước. Lựa chọn các đối tác có đủ uy tín, năng lực tài chính, có tầm ảnh hưởng tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm bằng hợp đồng kinh tế.

Ông Lê Đức Thắng, Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Sơn Động, cho biết, bên cạnh nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm, từ đó thu hút nhiều chủ thể tham gia, huyện sẽ hướng đến các sản phẩm nhỏ, đưa vào chuỗi liên kết, nhất là sản phẩm dược liệu, gắn với phong tục tập quán, trong đó có việc gắn với phát triển du lịch địa phương.

Bài liên quan
  • Tuyên Quang: Nâng giá trị nông sản, để giảm nghèo bền vững
    Thời gian quan, Tuyên Quang đã thực hiện đồng bộ các giải pháp để cơ cấu lại sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, liên kết theo chuỗi giá trị, tập trung vào các vùng sản xuất hàng hóa, vùng nông sản chủ lực, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm giúp người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO