Sớm dựng nhà cho dân vùng núi lở Phước Sơn (Quảng Nam)

Lan Anh | 03/06/2021, 18:42

(TN&MT) - Gần 7 tháng sau sau thảm họa sạt lở, lũ quét hồi tháng 10/2020, nhiều người dân huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vẫn phải sống trong cảnh tạm bợ, chờ tái định cư trong khi mùa mưa bão lại cận kề.

Phước Thành và Phước Lộc, huyện Phước Sơn là hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của những đợt lũ quét, sạt lở đất hồi cuối năm 2020. Gần 7 tháng sau thảm hoạ, nhiều người dân ở hai địa phương này vẫn phải sống trong cảnh nhà tạm, nhà người thân. Những căn nhà tạm chật hẹp, được che chắn và lợp bằng bạt không đủ sức ngăn nổi cái nóng nắng ở miền Trung. Nỗi lo về chỗ ở vẫn canh cánh trong lòng cư dân vùng sạt lở.

Nhiều hộ dân vùng sạt lở Phước Sơn vẫn phải chật vật sống trong nhà tạm

Theo ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, hiện tiến độ xây dựng nhà ở tái định cư cho người dân bị mất nhà đang bị chậm do chưa có mặt bằng. Ngoài 14 ngôi nhà đang được xây dựng, địa phương vẫn còn khoảng 22 hộ có nhà bị trôi hoàn toàn phải sống tạm hoặc ở nhà người thân.

“Đối với những hộ này, chúng tôi hỗ trợ gạo, lương thực cho bà con. Vừa rồi chúng tôi đã làm việc kiến nghị với huyện đẩy nhanh tiến độ đến 30/6 phải bàn giao mặt bằng cho bà con, đến khoảng tháng 8, tháng 9 là có nhà ở”- ông Phức nói.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, đợt mưa lũ năm 2020 làm hư hỏng nặng gần 100 nhà dân. Thời gian qua địa phương đã ưu tiên tái định cư ổn định cho gần 30 hộ dân ở các xã Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc. Tuy nhiên, tiến độ tái định cư còn chậm do việc bố trí mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, địa phương không đưa những công trình này vào danh mục xây dựng khẩn cấp nên phải thông qua nhiều thủ tục theo đúng quy định về đầu tư công nên việc xây dựng nhà cho dân bị chậm lại. Hiện địa phương đang khẩn trương dựng nhà cho dân vùng núi lở Phước Sơn trước mùa mưa bão.

Người dân vùng lở núi Phước Sơn mong được sớm an cư

“Cuối tháng 5/2021, địa phương mới khởi công đồng loạt 4 khu tái định cư với dự kiến sẽ có khoảng 130 ngôi nhà được xây mới, trong đó thôn 6 xã Phước Lộc có 30 hộ, thôn 3 xã Phước Thành có 35 hộ, thôn 2 xã Phước Thành có 35 hộ và thôn 2 xã Phước Kim có 33 hộ. Chậm nhất đến 30/6 địa phương sẽ bàn giao mặt bằng cho người dân, cùng hệ thống điện nước, điện và các điều kiện sinh hoạt khác, để từng bước ổn định chỗ ở an toàn cho bà con.” – ông Trung cho hay.

Theo nhận định của các nhà khoa học, các tỉnh, thành miền Trung có địa hình độ dốc cao, chia cắt mạnh, kết cấu đất là bở rời, dễ sạt trượt. Ngoài ra, việc xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế, hạ tầng đã làm thay đổi dòng chảy là những nguyên nhân gây xói lở, sạt lở đất. Do vậy, để giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra, cần phải có giải pháp để vừa thích nghi với biến đổi khí hậu, vừa có các giải pháp quy hoạch, sắp xếp lại dân cư, xây dựng nhà ở hài hòa, thân thiện với thiên nhiên, môi trường.

Mới đây, trong chuyến khảo sát tình hình tái định cư tại huyện Phước Sơn, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, ưu tiên số 1 hiện nay của địa phương là dựng lại nhà cho người dân bị thiệt hại, phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa bão năm nay.

“Chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt các địa phương ngay từ sau Tết, tranh thủ mùa khô vừa khắc phục cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông và điểm bố trí dân cư mới, qui mô diện tích phải phù hợp với đặc điểm địa hình từng khu vực, đảm bảo về mặt bằng, nước, điện, điều kiện sản xuất khác cho bà con nhân dân trước mùa mưa bão 2021", ông Lê Trí Thanh nói.

Bài liên quan
  • Người dân vùng sạt lở Trà Leng vui an cư trong nhà mới
    (TN&MT) - Theo quan niệm của người Mơ Nông ở huyện Nam Trà, tỉnh Quảng Nam, Bằng La mang ý nghĩa về một ngôi làng bằng phẳng, không lo sạt lở. Cái tên được đặt cho khu tái định cư với hi vọng, người dân sẽ được sống yên ổn, quá khứ đau thương sẽ dần lùi xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng Phạm Minh Chính: 'Giữ lửa và truyền lửa' bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc
Chiều 19/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt đoàn đại biểu các già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4)-những người giữ vai trò "giữ lửa và truyền lửa" bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO