Xã hội

Sóc Trăng: Nhiều dự án hỗ trợ đồng bào Khmer

Thúy Nhi 23/08/2023 - 15:46

Xuất phát từ đặc điểm là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên trong những năm qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của Trung ương, tỉnh Sóc Trăng tập trung triển khai thực hiện hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc, đã mang lại kết quả thiết thực, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Trong đó, một số chương trình, dự án đã mang lại hiệu quả cao, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của các địa phương như: Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Sóc Trăng; xây dựng mô hình liên kết tôm-lúa; chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo... Từ sự kết hợp hiệu quả và sáng tạo các chương trình, dự án cũng như công tác giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số nên giai đoạn 2016-2020 tỉnh Sóc Trăng đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 17,89% xuống còn 2,66%, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer giảm từ 26.983 hộ xuống còn 4.140 hộ.

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021-2025, Sóc Trăng có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào DTTS (17 xã khu vực III và 46 xã khu vực I), có 128 ấp đặc biệt khó khăn (83 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III, 44 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I; 1 ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã có ấp vùng DTTS, theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT của Ủy ban Dân tộc).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, bước đầu, nhân dân rất đồng thuận và phấn khởi, luôn phát huy vai trò, trách nhiệm cùng với chính quyền địa phương trong việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp triển khai thực hiện Chương trình, thực hiện đạt các mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào DTTS. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chăm lo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, Sóc Trăng thực hiện Chương trình với 10 dự án thành phần, tổng nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021-2023 là 656,416 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 582 tỷ đồng; vốn đối ứng là gần 70 tỷ đồng; vốn huy động là 4,5 tỷ đồng...

Theo UBND tỉnh Sóc Trăng , tỉnh phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của đồng bào DTTS đạt từ 70 triệu đồng trở lên; giảm hộ nghèo trong đồng bào DTTS hàng năm từ 3-4%; 100% xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã được nâng cấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 90% đường giao thông khóm, ấp được cứng hóa; 99% số hộ vùng đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 100% đồng bào DTTS sử dụng dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin và phương tiện nghe, nhìn; giải quyết trên 90% tình trạng thiếu đất ở, nhà ở cho hộ nghèo đồng bào DTTS.

t1-3-919.jpg
Trại nuôi bò sữa của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh NGUYỄN PHONG)

Bên cạnh việc giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, Sóc Trăng xác định giáo dục là mục tiêu hàng đầu để nâng cao dân trí. Nhiều năm qua, hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên trong toàn tỉnh, nhất là vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu dạy và học. Nhờ đó chất lượng giáo dục của toàn tỉnh nói chung, vùng có đông đồng bào Khmer nói riêng không ngừng được nâng lên, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với khu vực thành thị.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2021, ngành Giáo dục tỉnh được thụ hưởng Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó có nội dung: củng cố, phát triển các trường Phổ thông Dân tộc nội trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn tỉnh có 7 trường Phổ thông Dân tộc nội trú được đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất với vốn đầu tư xây dựng cơ bản khoảng 122 tỷ đồng.

Với sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của chính quyền địa phương, về cơ bản, hệ thống trường lớp ở Sóc Trăng đã đảm bảo kiên cố; không còn trường học, lớp học tạm; chất lượng giáo dục của tỉnh, trong từng cấp học đang từng bước nâng lên. Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia của Sóc Trăng chiếm trên 82%. Chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc chuyển biến tích cực, đảm bảo duy trì sĩ số, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học; học sinh được công nhận tốt nghiệp Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông hàng năm đạt từ 99 - 100%. Kết quả này có được là nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành trong tỉnh vì sự nghiệp “trồng người”…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Trăng: Nhiều dự án hỗ trợ đồng bào Khmer
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO