Sóc Trăng: Đồng bào Khmer tích cực tham gia bảo vệ nguồn nước

Lê Hùng| 09/03/2021 07:20

(TN&MT) - Nhằm góp phần ứng phó với tình trạng suy kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, trong thời gian qua, đồng bào dân tộc Khmer ở các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, tỉnh Sóc Trăng nói riêng đang tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ nguồn nước.

Triển khai nhiều giải pháp

Những năm gần đây, tỉnh Sóc Trăng là một trong những địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long chịu nhiều ảnh hưởng do hạn hán, thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Để giảm thiểu thiệt hại, đảm bảm đời sống, sản xuất cho người dân, các Sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai các giải pháp đầu tư các cống đập ngăn mặn, nạo vét kênh, rạch để trữ nước.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị chức năng hướng dẫn người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chuyển đổi lịch mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với thời tiết, nguồn nước, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, nguồn nước.

32-1-.jpg

Nhiều hộ đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã đầu tư hệ thống tưới phun cho vườn cây, líp rau màu để tiết kiệm nước.

Thông tin với phóng viên, ông Ung Văn Đẳng, Trưởng phòng Nước - Khoáng sản và Khí tượng thủy văn, Sở TN&MT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Hàng năm, phòng Nước - Khoáng sản và Khí tượng thủy văn đều phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở TN&MT, các huyện, thị tổ chức tuyên truyền cho người dân nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng về vai trò của nguồn nước đối với đời sống, sản xuất; giải pháp bảo vệ, khai thác hợp lý nguồn nước mặt, nước ngầm; hình thức xử lý đới với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm cho nguồn nước.

Qua các buổi tuyên truyền, người dân đã hiểu rõ hơn về trách nhiệm bảo vệ nguồn nước, từ đó ý thức bảo vệ nguồn nước của người dân cũng được nâng lên thông qua việc hạn chế xả nước thải chưa qua xử lý trong chăn nuôi, rách thải sinh hoạt xuống kênh rạch. Một số người dân còn chủ động lấp các giếng khoan không còn sử dụng để bảo vệ chất lượng nguồn nước ngầm” - ông Ung Văn Đẳng cho hay.

Nâng cao trách nhiệm bảo vệ nguồn nước

Xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng có tổng cộng 4.721 hộ, 16.933 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm hơn 63% trên tổng số hộ dân toàn xã. Trong thời gian qua, ngoài việc hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, UBND xã An Hiệp cũng chú trọng công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, nguồn nước trong đồng bào dân tộc Khmer.

t9(1).jpg

Hoạt động của Tổ cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường của xã An Hiệp đang góp phần quan trọng bảo vệ môi trường, nguồn nước ở các kênh, rạch.

Ông Thái Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND xã An Hiệp chia sẻ, trước đây nguồn nước còn dồi dào quanh năm nên hầu hết người dân chưa đề cao trách nhiệm bảo vệ nguồn nước. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất xảy ra thường xuyên trên địa bàn xã; đồng thời, nguồn nước thải trong chăn nuôi, sinh hoạt cũng làm cho chất lượng nguồn nước mặt ở một số kênh, rạch suy giảm không thể dùng cho sinh hoạt. Chính từ những nguyên nhân nêu trên đã làm thay đổi ý thức của đồng bào dân tộc Khmer ở xã An Hiệp đối với việc khai thác, sử dụng nguồn nước.

Bà Sơn Thị Ba, ở ấp An Trạch, xã An Hiệp cho biết: “Hiện nay, trước thời điểm mùa khô, gia đình tôi và nhiều hộ dân đã chủ động tích trữ nước ngọt trong các lu, khạp, ao, kênh rạch để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Không chỉ vậy, một số hộ dân còn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiện nước; chuyển đổi trồng lúa sang trồng rau màu, vừa cho thu nhập cao, vừa tiết kiệm nguồn nước”.

Ngoài ra, xã An Hiệp có 2 ấp là An Trạch và Hiệp Thành tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, do đó, để tiện cho việc theo dõi và phản ánh tình hình ô nhiễm không khí, nguồn nước, năm 2017 Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành phối hợp với UBND xã An Hiệp thành lập 2 Tổ đại diện cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường tại 2 ấp này.

Ông Thái Hồng Hà cho biết thêm, sau hơn 4 năm thành lập, thành viên của 2 Tổ đại diện cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường của xã đã tích cực tham gia vào các hoạt động tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ môi trường, nguồn nước; đồng thời, tham gia thu gom rác thải, khơi thông kênh, rạch cải thiện môi trường nước; giám sát, thu thập, cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền nhiều thông tin có giá trị về công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn xã.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sóc Trăng: Đồng bào Khmer tích cực tham gia bảo vệ nguồn nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO