Sinh kế mới từ du lịch cộng đồng

Khánh Trang | 24/01/2020, 10:03

(TN&MT) - Sở hữu những cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ, ẩm thực đặc sắc và nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, những năm gần đây, du lịch cộng đồng đang được phát triển mạnh mẽ ở khu vực miền núi phía Bắc. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vốn có mà còn giúp người dân phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.

Du lịch cộng đồng được hình thành và phát triển từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, bắt đầu từ vùng người Thái ở Bản Lác (huyện Mai Châu, Hòa Bình). Sau hơn 20 năm phát triển, đến nay, du lịch cộng đồng đã trở thành một trong những loại hình du lịch được yêu thích nhất của du khách khi đến với các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên…

t12(1).jpg
Du lịch cộng đồng ở Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình). Ảnh: MH

Được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong hoạt động phát triển du lịch cộng đồng, tại Lào Cai hiện có trên 300 điểm lưu trú tại gia, tập trung chủ yếu ở các huyện: Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát… Người dân không chỉ được chính quyền đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất mà còn thường xuyên được tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Từ kinh doanh du lịch, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã cải thiện rõ rệt.
Theo thống kê, các điểm du lịch ở Sa Pa có tốc độ xóa đói, giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn, bản không làm du lịch, nguồn thu của các hộ làm dịch vụ du lịch cũng cao gấp từ 5 lần so với các hộ khác, đạt từ 25 - 60 triệu đồng/hộ/năm. Nhờ du lịch cộng đồng mà các ngành nghề thủ công (sản xuất thổ cẩm, chạm khắc bạc, đồ lưu niệm…) được phát triển mạnh mẽ và tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân. Ước tính ở Lào Cai, các điểm du lịch cộng đồng đã giải quyết việc làm cho hơn 2.600 lao động.
Cùng với Lào Cai, hiện nay, du lịch cộng đồng đang được nhân rộng thành công tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây cũng được coi là địa điểm lý tưởng để phát triển du lịch cộng đồng khi sở hữu những điều kiện thuận lợi thu hút du khách khám phá như cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực độc đáo và kho tàng di sản văn hóa đa dạng, đặc sắc.

t13(1).jpg
Phát triển du lịch cộng đồng giúp xóa đói, giảm nghèo. Ảnh: MH

Nếu như trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số dệt vải, làm đồ thủ công, tăng gia sản xuất để phục vụ nhu cầu gia đình thì nay, dựa trên sự chắt lọc kho tàng di sản văn hóa truyền thống đã có nhiều ngành nghề được đầu tư để trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Có thể kể đến như khôi phục nghề thủ công truyền thống ở Lào Cai, Yên Bái; khơi dậy dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao; khai thác nhà ở thành nhà nghỉ cộng đồng ở Hà Giang; gắn kết nghệ thuật biểu diễn trở thành sản phẩm du lịch ở Mai Châu, Sa Pa (múa khèn của dân tộc HMông, múa chuông của dân tộc Dao, tính tẩu của dân tộc Thái…).
Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã cải tạo, tu sửa ngôi nhà của mình thành nhà nghỉ cộng đồng phục vụ du khách (homestay). Ngoài việc giữ nguyên kiến trúc và khuôn viên của ngôi nhà truyền thống, người dân còn đầu tư trang trí nội thất và đảm bảo điều kiện vệ sinh. Nhờ vậy, loại hình lưu trú homestay đã trở nên hấp dẫn và thu hút đông du khách. Có thể kể đến điểm du lịch cộng đồng xóm Pom Coọng (Xóm Pom Coọng, thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, Hòa Bình), Cụm homestay Tả Van Giáy 1 (Làng Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa, Lào Cai), Cụm homestay xã Mai Hịch (Xóm Hịch 2, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, Hòa Bình) và Dao homestay (Thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, Hà Giang) là những đơn vị tiêu biểu đã vinh dự được nhận Giải thưởng Du lịch ASEAN năm 2017.

Du lịch cộng đồng tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc luôn có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Phát triển du lịch cộng đồng từ sản phẩm văn hóa còn góp phần bảo vệ, phát huy di sản văn hóa dân tộc, tạo nguồn lực phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Bài liên quan
  • Bến Tre: Quan tâm đồng bào DTTS xây dựng quê hương giàu mạnh
    (TN&MT) - Thời gian qua, công tác tham mưu thực hiện chính sách dân tộc luôn được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành tỉnh Bến Tre; đặc biệt trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn, góp phần cùng cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), đoàn kết gắn bó, chung tay xây dựng quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc
Đến năm 2030, phấn đấu 100% đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực về nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO