Xã hội

Sinh kế bền vững từ cây cam sành

Việt Anh 17/08/2023 - 16:00

(TN&MT) - Bắc Quang là thủ phủ cam sành của tỉnh Hà Giang với tổng diện tích khoảng 3.200ha. Cam sành nơi đây đã trở thành cây kinh tế mũi nhọn, giúp nhiều nông dân có kinh tế ổn định, vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Trồng cam trở thành sinh kế

Cách đây hơn chục năm, huyện Bắc Quang (Hà Giang) là một địa phương "còi cọc" về nhiều mặt. Đời sống của bà con chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, với tâm thế "trông trời, trông đất, trông mây" chứ không biết vượt lên làm chủ thiên nhiên. Quỹ đất có, nhưng một thời gian dài, người dân ở đây vẫn luôn loay hoay và bế tắc trong việc "trồng cây gì và nuôi con gì". Đây cũng là điều khiến lãnh đạo địa phương phải đau đầu khi chưa tìm được hướng đi nhằm thay đổi bộ mặt kinh tế nơi đây.

cam-sanh-bac-quang-6.jpg
 Cam sành Bắc Quang là đặc sản được ưa chuộng của vùng cực Bắc Tổ Quốc

Và rồi, "cuộc cách mạng" mang tên nông thôn mới được tiến hành đồng bộ trên địa bàn huyện Bắc Quang. Một trong những điểm nhấn thành công của chương trình nông thôn mới đó chính là phát triển kinh tế chủ lực bằng việc đưa cam sành vào sản xuất tập trung, chuyên nghiệp. Từ lợi thế và những hạn chế của vùng đất đá, người dân nơi đây đã nhận ra, muốn làm giàu phải tìm được phương hướng sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu. Qua thực tế sản xuất nhiều năm giúp người dân nhận ra đất trồng lúa ít sinh lợi và quyết định chuyển sang mô hình sản xuất cam sành truyền thống theo hướng công nghiệp.

Theo ông Phạm Xuân Tình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Quang, trước đây, bà con trên địa bàn huyện vẫn trồng cam sành nhưng theo kiểu tự cung tự cấp chứ không tập trung, chưa biết áp dụng khoa học - kỹ thuật nên năng suất và sản lượng thấp, thu nhập không đủ trang trải tiền thu gom, hái quả. Nhưng sau khi triển khai chương trình nông thôn mới, được sự hỗ trợ của Nhà nước và địa phương, người dân đã mở rộng diện tích và tích cực áp dụng công nghệ mới vào trồng cam nên thu nhập tăng đột biến.

cam-sanh-bac-quang-1.jpg
Trồng cam đã giúp nhiều hộ dân ở Bắc Quang thoát nghèo

Báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Quang cho thấy, hiện nay diện tích cam của huyện có trên 4.456,5 ha cam; sản lượng ước đạt trên 42.163 tấn/năm; có 3.307 hộ nông dân trồng cam. Trong đó, diện tích cam vàng chín được bán đầu vụ là 1.110,4 ha, sản lượng ước đạt trên 13.615 tấn, được trồng tại 17 xã, thị trấn trong huyện. Diện tích cam sành hiện nay chiếm phần lớn ở Bắc Quang và đang được trồng tại 21/23 xã, thị trấn. Còn lại một diện tích rất nhỏ là cam V2, diện tích đang cho thu hoạch khoảng 68,8 ha, sản lượng ước đạt khoảng 650,4 tấn và đã được trồng tại 8 xã. Trung bình mỗi hộ dân có từ 100-500 gốc cam, mỗi cây cho sản lượng 30kg quả, với giá bán cam dao động 10 - 15.000 đồng/kg, ước tính năm nay thu về hàng trăm triệu đồng. Nhờ thế mà đời sống của bà con đã được cải thiện rõ rệt, ổn định hơn và từng bước vươn lên thoát nghèo. Trồng cam đã trở thành sinh kế, tạo việc làm ổn định, thu nhập khá góp phần thoát nghèo cho hàng nghìn hộ dân. Nhiều nhà vườn, HTX có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng sau mỗi vụ cam.

Nhiều giải pháp để phát triển bền vững cây cam 

Xác định cam sành là cây nông nghiệp chủ lực trên địa bàn huyện Bắc Quang nói riêng và của tỉnh Hà Giang nói chung, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đã đặc biệt quan tâm đến việc khôi phục diện tích, thương hiệu bằng khuyến khích, hỗ trợ trồng mới, cải tạo vườn cũ, chuyển giao kỹ thuật canh tác, thu hoạch, tem, nhãn, quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại, công nhận quy trình sản xuất VietGAP đối với sản phẩm cam sành … Đặc biệt là sản phẩm cam sành Hà Giang đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chỉ dẫn địa lý.

08c7af1b-6ba0-457d-86ef-36150dd09cdc.jpg
Sản phẩm cam sành Hà Giang đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chỉ dẫn địa lý

Ông Giang Đức Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 04 để định hướng, tập trung lãnh, chỉ đạo phát triển bền vững cây cam Sành. Với quan điểm là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm cam sành trở thành cây ăn quả đặc trưng thương hiệu của Hà Giang; hướng tới mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, phát triển cây cam sành gắn với phát triển nông nghiệp hàng hóa đặc trưng, đáp ứng việc liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo môi trường sinh thái, nâng cao đời sống, thu nhập, tạo việc làm cho người dân.

Mục tiêu của Nghị quyết là hướng đến năm 2025 duy trì ổn định diện tích cam sành toàn tỉnh là 5.000 ha, tập trung tại 38 xã của 3 huyện Bắc Quang, Quang Bình và Vị Xuyên đã được chứng nhận chỉ dẫn địa lý; tập trung cải tạo, áp dụng đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm với diện tích 2.000 ha. Đến năm 2030, cải tạo, áp dụng đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đối với 3.000 ha còn lại, để đảm bảo toàn bộ 5.000 ha cam sành đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Đặc biệt, để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm cam sành, HĐND tỉnh Hà Giang cũng đã ban hành Nghị quyết số 58 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, người trồng cam có thể được hỗ trợ vay vốn để nâng cao chất lượng cây cam Sành với lãi suất 0%, định mức vay 60 triệu đồng/ha. Đồng thời được hỗ trợ bảo tồn gen với định mức 500.000 đồng/cây đầu dòng/năm; hỗ trợ cước vận chuyển tiêu thụ cam VietGAP, hữu cơ tiêu thụ ngoài tỉnh 100.000 đồng/tấn.

Ngoài ra các hộ trồng cam còn được hỗ trợ giống tốt, chuyển giao kỹ thuật, quảng bá sản phẩm; các tổ chức, cá nhân đầu tư nhà máy chế biến sản xuất, tiêu thụ các loại cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh cũng được hỗ trợ 100% chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng như: điện, nước, giao thông, xử lý nước thải; với định mức tối đa lên tới 2 tỷ đồng/dự án.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sinh kế bền vững từ cây cam sành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO