Sinh kế bền vững cho người dân vùng đất ngập nước Cần Giờ

Nguyễn Thanh| 16/03/2023 16:49

(TN&MT) - Thời gian qua, việc tạo sinh kế bền vững cho người dân xung quanh khu vực rừng ngập mặn Cần Giờ không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người dân mà còn thúc đẩy công tác bảo vệ, phát triển khu rừng ngập mặn vốn được ví như "lá phồi xanh” của TP.HCM.

a1-rung-can-gio.jpg
Rừng ngập mặn Cần Giờ được ví như là “lá phổi xanh” của TP.HCM

Chung tay bảo vệ “lá phổi xanh”

Hiện nay, tổng diện tích rừng ngập mặn (RNM) Cần Giờ rộng khoảng 34.672,79ha. Đây là khu rừng có điều kiện môi trường rất đặc biệt, là hệ sinh thái trung gian giữa hệ sinh thái thủy vực với hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái nước ngọt và hệ sinh thái nước mặn. Tại đây, có trên 150 loài thực vật; hệ động vật thủy sinh không xương sống với trên 700 loài, khu hệ cá trên 130 loài, khu hệ động vật có xương sống có 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát, 4 loài có vú.

Rừng ngập mặn Cần Giờ còn là nơi sinh sống của nhiều loại động thực vật quý hiếm thuộc Danh mục Sách đỏ Việt Nam. Với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo và phong phú, điển hình cho khu dự trữ rừng ngập mặn, đây là địa điểm lý tưởng để phục vụ nghiên cứu khoa học, đồng thời là khu du lịch trọng điểm của cả nước.

Theo các chuyên gia, RNM Cần Giờ có vai trò đặc biệt quan trọng trọng, trở thành “lá phổi xanh” có chức năng điều hòa không khí, giảm ô nhiễm môi trường cho TP.HCM. Ngoài ra, RNM Cần Giờ còn có vai trò quan trọng trong việc hạn chế thiệt hại do bão lũ, giảm thiểu đến 50% năng lượng tác động từ sóng biển; ngăn ngừa nước biển dâng cao cũng như góp phần bảo vệ dân cư và cơ sở hạ tầng ven biển.

Ngày 21/1/2000, Tổ chức Văn hóa Giáo dục và Khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận RNM Cần Giờ là Khu dự trữ sinh quyển RNM Cần Giờ. Đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên của Việt Nam, mở đầu cho việc đề cử và công nhận 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới sau này.

Chung sức bảo tồn và phát triển Khu dự trữ sinh quyển RNM Cần Giờ trước các tác động của đô thị hóa và biến đổi khí hậu, qua đó thiết lập một “bức tường xanh” vững chắc để bảo vệ môi trường TP.HCM là nhiệm vụ được đặt ra cho các cơ quan chức năng TP.HCM.

Ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ cho biết: Thời gian qua, Ban đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu, quan trắc theo dõi diễn biến tài nguyên rừng nhằm định hướng công tác quản lý tài nguyên rừng, hướng đến phát triển bền vững, gia tăng diện tích rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; phối hợp với Viện Sinh thái học miền Nam điều tra thành phần các loài chim trong rừng phòng hộ,...

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM cho biết, TP.HCM đang hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý và quy hoạch Khu dự trữ sinh quyển RNM Cần Giờ; huy động sự tham gia và đóng góp của cộng đồng dân cư và các bên liên quan vào công tác quản lý và khai thác sử dụng các loại tài nguyên rừng; thực hiện tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; nghiên cứu sinh kế cộng đồng cho cư dân quanh vùng đệm.

a2.-nuoi-hao.jpg
Người nhận giao khoán bảo vệ rừng được hỗ trợ vay vốn nuôi hào, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững

Đảm bảo sinh kế cho người dân yên tâm giữ rừng

Bí thư huyện ủy Cần Giờ Lê Minh Dũng cho rằng: thành quả phục hồi, bảo vệ và phát triển RNM Cần Giờ từ giai đoạn sau chiến tranh đến ngày nay là nhờ đóng góp quan trọng của cộng đồng dân cư địa phương. Vì vậy, việc tạo sinh kế cho người dân, giúp họ thoát nghèo và có thu nhập ổn định gắn với bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền huyện Cần Giờ.

Từ năm 1990 đến nay, Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đã tiến hành giao khoán bảo vệ rừng cho 144 hộ gia đình tại địa phương và 12 cơ quan, đơn vị. Mô hình này đã mang lại hiệu quả tốt khi các hộ giữ rừng đã yên tâm gắn bó và tích cực tham gia công tác bảo vệ rừng. Các hộ nhận khoán được tổ chức thành những tổ tự quản, mỗi tổ có từ 5 đến 6 chốt, cùng tuần tra bảo vệ trên toàn bộ khu vực rừng của các thành viên. Vì vậy, nhiều năm nay không xảy ra các hành vi xâm phạm tài nguyên rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép…

Ông Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Cần Giờ cho biết: Đối với hộ dân nhận khoán giữ rừng, bên cạnh mức thu nhập từ tiền công nhận khoán bảo vệ rừng, Ban Quản lý cũng đã tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn sản xuất phụ dưới tán rừng như: nuôi cua, hào, sò huyết, cá… Đồng thời, Ban Quản lý cũng đã tổ chức mua bảo hiểm cho hộ giữ rừng, đảm bảo toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình được mua bảo hiểm y tế hộ gia đình; đồng thời 210 lao động giữ rừng được mua bảo hiểm xã hội tự nguyện…

Ông Nguyễn Văn Tuấn, một hộ dân được giao khoán rừng vui mừng cho biết: “Gia đình tôi đã gắn bó với cánh rừng ngập mặn hơn 20 năm nay, ngoài nhận tiền công hằng tháng, gia đình tôi cũng như các hộ dân khác còn được hỗ trợ vay vốn để nuôi hào ngay tại bìa rừng. Vì vậy, người dân chúng tôi có nguồn thu nhập ổn định, đảm bảo cuộc sống, không còn khó khăn như trước kia”.

Theo lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ, nghề nuôi hào, tôm sú, nghêu, sò trong khu vực rừng ngập mặn Cần Giờ đã góp phần quan trọng trong việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế bền vững cho người dân… từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ người dân trong việc mở rộng vùng nuôi, kỹ thuật chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sinh kế bền vững cho người dân vùng đất ngập nước Cần Giờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO