Sẽ "đo" được mức độ bền vững tài nguyên và môi trường

22/09/2015 00:00

(TN&MT) - Để giám sát, đánh giá phát triển bền vững ngành tài nguyên và môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Bộ chỉ tiêu Giám sát, đánh giá phát triển bền vững ngành tài nguyên và môi trường (Bộ chỉ tiêu PTBV). Dự thảo Bộ chỉ tiêu này đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực từ các chuyên gia, nhà quản lý…

Công cụ đánh giá mức độ bền vững

Hướng tới sự bền vững về tài nguyên và môi trường là xu hướng phát triển chung trên thế giới. Nhiều quốc gia đã xây dựng và áp dụng bộ chỉ tiêu đánh giá, giám sát phát triển bền vững về tài nguyên và môi trường để đưa ra các chính sách, chương trình, quy hoạch và kế hoạch hành động phù hợp với đặc điểm phát triển ở từng quốc gia.

Ở Việt Nam, mặc dù các nhà quản lý, các khoa học đã quan tâm nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ tiêu, chỉ số phát triển bền vững (PTBV) liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường từ cuối những năm 90. Các chỉ tiêu này đã được đề cập tới trong các Chiến lược, kế hoạch PTBV quốc gia, địa phương, các lĩnh vực. Tuy nhiên, hầu hết các chỉ tiêu này mang tính độc lập tương đối, thiếu sự gắn kết; chưa phản ánh được toàn diện các lĩnh vực của ngành, tính bền vững về tài nguyên và môi trường; chưa phù hợp với từng cấp độ quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường. Vì thế, khi vận dụng vào công tác xây dựng chính sách, kế hoạch và quản lý gặp nhiều khó khăn.

Bộ chỉ tiêu PTBV gồm 12 chỉ tiêu: Tỷ lệ diện tích rừng ngập mặn ven biển được bảo tồn, duy trì đa dạng sinh học... Ảnh: MH
Bộ chỉ tiêu PTBV gồm 12 chỉ tiêu: Tỷ lệ diện tích rừng ngập mặn ven biển được bảo tồn, duy trì đa dạng sinh học... Ảnh: MH

Để đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong quá trình PTBV hiện nay, Bộ Tài nguyên & Môi trường đang xây dựng Bộ chỉ tiêu PTBV. Đây là thước đo để xác định mức độ bền vững trong quá trình phát triển, là công cụ hỗ trợ quá trình so sánh, đánh giá mức độ bền vững về tài nguyên và môi trường giữa Việt Nam và các nước; giữa các địa phương với nhau nhằm thấy được mức độ bền vững tài nguyên và môi trường trong quá trình phát triển của Việt Nam so với thế giới và giữa các địa phương với nhau, từ đó thúc đẩy quá trình đạt được các mục tiêu bền vững về tài nguyên và môi trường của quốc gia. Bộ chỉ tiêu đánh giá, giám sát PTBV ngành tài nguyên và môi trường sẽ giúp cho các nhà lãnh đạo, các cơ quan hoạch định chính sách, các chuyên gia và toàn thể công chúng có một cái nhìn trực quan và chính xác về hiện trạng cũng như xu thế diễn biến của tài nguyên và môi trường trong tương lai.

Nhiều ý kiến đóng góp thiết thực

Theo Dự thảo, Bộ chỉ tiêu PTBV có 12 chỉ tiêu được xây dựng trên 4 nguyên tắc cơ bản là: Phù hợp, tương thích; phản ánh mức độ bền vững và các vấn đề ưu tiên của ngành; dễ tính toán, đảm bảo tính khả thi; các chỉ tiêu đưa ra không trùng lặp và xung đột với các chỉ tiêu khác.

Tại cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Bộ chỉ tiêu PTBV vừa diễn ra ngày 18/9, GS.TS Đặng Huy Huỳnh, một trong những chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực tài nguyên môi trường cho rằng: Nên đưa thêm chỉ tiêu về con người. Bên cạnh đó, nếu dựa vào nguyên tắc “không trùng lặp và xung đột với các chỉ tiêu khác” để xây dựng bộ chỉ tiêu là chưa phù hợp. Bởi ngành tài nguyên và môi trường là ngành tổng hợp, là cơ quan quản lý chung về tài nguyên môi trường, các chỉ tiêu đưa ra cần tích hợp, hài hòa với các ngành khác nhưng vẫn phải đảm bảo mục tiêu phát triển chung của đất nước. Nếu chỉ tiêu của các Bộ, ngành khác xây dựng trước đây không theo tiêu chí chung mà chỉ dựa vào tiêu chí riêng của Bộ, ngành đó, phải đề nghị Nhà nước sửa đổi. Vì vậy khi xây dựng bộ chỉ tiêu phải chấp nhận xung đột.

Đồng tình với quan điểm nêu trên nhưng theo bà Lê Thu Hoa – Trưởng khoa Môi trường Đại học Kinh tế quốc dân, cần thêm nhóm chỉ tiêu bổ sung về nhân lực thể chế (so sánh về số người làm công tác môi trường/1 triệu dân), các chỉ tiêu liên quan đến xuất nhập khẩu, tham gia các cam kết quốc tế… Thứ tự các chỉ tiêu cũng nên sắp xếp lại theo chủ đề.

Còn đại diện Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho rằng, Dự thảo này không đề cập đến tỷ lệ độ che phủ rừng trong khi đó đây lại là chỉ tiêu rất quan trọng trong lĩnh vực môi trường nói chung và lĩnh vực NN&PTNT nói riêng. Vì vậy, cần phải bổ sung thêm chỉ tiêu này.

Ngoài ra, Ban Soạn thảo cần chú ý, xem xét lại chỉ tiêu số 3 về diện tích đất bị thoái hóa. Theo công thức tính trong Dự thảo, tổng diện tích đất bị thoái hóa bằng diện tích đất bị thoái hóa nhẹ cộng với diện tích đất bị thoái hóa trung bình và diện tích đất bị thoái hóa nặng. Tuy nhiên, rất  khó để có thể xác định được đất bị thoái hóa theo cấp độ nặng, nhẹ, trung bình. Hiện nay, ngành nông lâm nghiệp ko xác định được chỉ số này, nếu có số liệu cũng mù mờ, không rõ ràng.

Đại diện Ban Soạn thảo, PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết: Bộ chỉ tiêu PTBV phản ánh những vấn đề cơ quan, thiết yếu liên quan đến PTBV của ngành, được xây dựng trên cơ sở tích hợp các chỉ tiêu đã được đề xuất trước đây cũng như bổ sung chỉnh sửa để đảm bảo yêu cầu giám sát, quản lý việc khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển của đất nước. Tuy vậy, đây mới là những đề xuất bước đầu nên Ban soạn thảo sẽ tiếp thu những đóng góp để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.

Bộ chỉ tiêu PTBV gồm 12 chỉ tiêu:

Cường độ sử dụng tài nguyên (đất, nước, khoáng sản) trong nền kinh tế; Diện tích đất lúa được bảo vệ và duy trì (ha); Diện tích đất bị thoái hóa (ha); Mức giảm lượng nước ngầm, nước mặt (%); Tỷ lệ các dự án khai thác khoáng sản được phục hồi về môi trường (%); Tỷ lệ diện tích rừng ngập mặn ven biển được bảo tồn, duy trì đa dạng sinh học (%); Tỉ lệ tái chế, tái sử dụng chất thải rắn (%); Tỷ lệ diện tích đất được bảo vệ, duy trì đa dạng sinh học; Tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên (%); Chi cho hoạt động bảo vệ môi trường (triệu VND); Mức phát thải khí cacbon/GDP (tấn CO2/tỷ VND); Chi đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu (triệu đồng)

 

 

Mai Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ "đo" được mức độ bền vững tài nguyên và môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO