Xã hội

Sẽ có nhiều chính sách mới hỗ trợ đồng bào DTTS

Quốc Đạt 11/05/2023 17:47

(TN&MT) - Ủy ban Dân tộc đang lấy ý kiến góp ý sâu rộng trong nhân dân đối với Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

ong-bao-dan-toc-thieu-so-xa-dan-hoa-huyen-minh-hoa-co-nuoc-sach-su-dung-trong-sinh-hoat-va-san-xuat..jpg
Ðồng bào dân tộc thiểu số xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa có nước sạch sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất.

Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể về tiêu chí phân bổ vốn và hệ số ưu tiên đầu tư vốn ngân sách, cũng như xác định chi tiết hệ số và định mức hỗ trợ cho từng Dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Đối với nội dung hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề, Dự thảo chỉ rõ đối tượng thụ hưởng bao gồm: Hộ DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh và hộ gia đình chịu thiệt hại bởi bão lũ ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi sinh sống bằng nghề nông, lâm, ngư nghiệp không có đất sản xuất hoặc thiếu trên 50% đất sản xuất theo định mức quy định của địa phương.

Định mức hỗ trợ hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất: Đối tượng thụ hưởng được hỗ trợ tối đa là 100 triệu đồng, trong đó Ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp là 22,5 triệu đồng/hộ và được vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 77,5 triệu đồng/hộ để tạo quỹ đất, thời gian vay tối đa là 10 năm với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo theo quy định hiện hành. Về hỗ trợ chuyển đổi nghề: ngân sách Trung ương hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ và được vay vốn tín dụng chính sách tối đa áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ; thời hạn vay tối đa là 10 năm; lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo theo quy định hiện hành. Còn với nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt, Dự thảo quy định đối tượng thụ hưởng bao gồm: Hộ DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh và hộ gia đình chịu thiệt hại bởi thiên tai, bão lũ sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn chưa có nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

chinh-sach-ho-tro-phat-trien-san-xuat-cho-cac-dan-toc-thieu-so-it-nguoi-gop-phan-dam-bao-an-sinh-xa-hoi.jpg
Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho các dân tộc thiểu số ít người góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Dự thảo cũng chỉ rõ định mức hỗ trợ nước sinh hoạt thực hiện theo định mức được duyệt. Cụ thể, về hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: hộ DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn có bất cập về nước sinh hoạt được hỗ trợ tiền tối đa 3 triệu đồng/hộ để tạo nguồn nước, trang bị bể chứa nước phục vụ sinh hoạt. Hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung: Đầu tư xây dựng những công trình nước tập trung được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ưu tiên cho người dân vùng hay xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, vùng đặc biệt khó khăn chưa có nguồn nước hoặc thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tổng mức đầu tư cho một công trình, căn cứ vào tình hình thực tế để phê duyệt dự án đầu tư; trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ bình quân 3 triệu đồng/công trình. Đối với trường hợp đặc biệt tổng mức đầu tư không vượt quá 6 triệu đồng/công trình.

Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang triển khai lấy ý kiến góp ý của các thành viên Ban Soạn thảo, Ban Biên tập, cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan. Đặc biệt, từ ngày 12/5/2021, Ủy ban Dân tộc đã đăng toàn bộ Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên Cổng thông tin điện tử và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

Đây thực sự là điều kiện thuận lợi để mỗi tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và đồng bào ở vùng DTTS và miền núi thể hiện quan điểm, chính kiến, trách nhiệm đối với cuộc sống, tương lai của chính mình, của địa phương nơi mình sinh sống, thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” mà Đảng đã xác định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẽ có nhiều chính sách mới hỗ trợ đồng bào DTTS
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO