Sáu nhóm kiến nghị của Cử tri và nhân dân cả nước với Quốc hội

23/10/2017 00:00

(TN&MT) - Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam  đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân. Ông Trần Thanh Mẫn cho biết:

Chuẩn bị kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổng hợp được 3.320 ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội, trong đó có 935 ý kiến, kiến nghị của cử tri được phản ánh qua các Đoàn đại biểu Quốc hội và 2.385 ý kiến, kiến nghị của Nhân dân qua hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp.

ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam  đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân
Ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại phiên khai mạc sáng 23/10. Ảnh:Quốc Khánh

Những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tập trung vào 6 nhóm vấn đề:

Về sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân: Cử tri và Nhân dân hoan nghênh Chính phủ, các cấp, các ngành đã quan tâm thực hiện các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), trong đó tập trung phát triển đa dạng các thành phần kinh tế, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân, cắt giảm thủ tục hành chính, tăng thu hút đầu tư và đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và người dân phản ánh việc vẫn còn nhiều “giấy phép con”; một số quy định chậm đi vào cuộc sống; thủ tục thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu một số mặt hàng còn chậm. Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa, giảm các thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch; có chính sách đột phá để tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, hội nhập quốc tế...

Cử tri và Nhân dân hoan nghênh các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kịp thời phát động và chỉ đạo các cấp, các ngành và chính quyền địa phương ủng hộ người dân bị thiệt hại bởi mưa, bão, lũ liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi, giúp người dân vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống, đặc biệt là sau cơn bão số 10 và đợt lũ, lụt trong tháng 10 vừa qua.

Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân rất lo lắng trước tình hình khí hậu diễn biến bất thường; người dân và chính quyền địa phương nhiều nơi chưa thực sự chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ…

Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành phối hợp, tăng cường dự báo, kết hợp với triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ rừng, phòng ngừa xâm nhập mặn, chấm dứt tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép; tăng cường công tác quản lý khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm để bảo vệ môi trường sinh thái và cuộc sống của Nhân dân.

Về y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm, Cử tri và Nhân dân vẫn lo lắng, bức xúc trước tình trạng nhập khẩu và bán thuốc chữa bệnh kém chất lượng với số lượng lớn, đặc biệt là vụ nhập khẩu hàng nghìn hộp thuốc điều trị ung thư của Công ty Cổ phần VN Pharma; dịch sốt xuất huyết bùng phát nhanh, kéo dài trên phạm vi rộng, một số nơi khó kiểm soát, dẫn đến quá tải các bệnh viện... Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường công tác y tế dự phòng, triển khai chặt chẽ các quy định về quản lý, đấu thầu, nhập khẩu thuốc, xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có vi phạm, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.

Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian qua đã được quan tâm hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ trong sản xuất nông nghiệp; việc sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm không an toàn chưa được kiểm soát chặt chẽ; việc sử dụng các chất cấm trong chăn nuôi tiếp tục gây lo lắng trong Nhân dân... Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan tiếp tục phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp có hiệu quả hơn để ngăn chặn, khắc phục tình trạng trên; quan tâm đầu tư khuyến khích phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn.

2310 Toàn cảnh phiên khai mạc.jpg
2310 Toàn cảnh phiên khai mạc.jpg

Về giáo dục, đào tạo và dạy nghề, Cử tri và Nhân dân đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về tuyển sinh đại học, có chính sách khuyến khích học sinh giỏi thi vào các trường sư phạm; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ở địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học và dạy nghề để đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường lao động; chuẩn bị tốt việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, bảo đảm chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; kiên quyết chấn chỉnh ngay tình trạng “lạm thu” trong các trường học.

Về phòng, chống tham nhũng, lãng phí và công tác tổ chức cán bộ, Cử tri và Nhân dân rất phấn khởi, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ vào Đảng, Nhà nước trong việc quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng.

Cử tri và Nhân dân khẳng định luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; đề nghị Đảng, Nhà nước quyết liệt hơn nữa trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, kiên quyết xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, có hành vi tham nhũng, lãng phí, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu; đồng thời công khai kết quả xử lý cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân biết để giám sát.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương đề xuất, hoàn thiện, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan nhằm ngăn chặn những kẽ hở trong công tác tổ chức cán bộ; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của Nhân dân, báo chí trong phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Về quản lý đô thị và giao thông, vận tải, Cử tri và Nhân dân đánh giá cao chủ trương của Nhà nước về đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân tại một số địa phương bức xúc và phản ánh về việc phê duyệt, đầu tư, quản lý và vận hành các trạm BOT giao thông còn nhiều bất cập, khoảng cách đặt trạm thu phí quá dày, mức phí cao, gây bất bình trong Nhân dân, như ở các trạm thu phí cầu Bến Thủy (Nghệ An), Sông Rác (Hà Tĩnh), Tam Nông (Phú Thọ), Cai Lậy (Tiền Giang) và Bờ Đậu (Thái Nguyên); việc quản lý chưa chặt chẽ, gây lãng phí và thất thoát...

Cử tri và Nhân dân hoan nghênh việc Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải rà soát các dự án BOT và đề xuất các giải pháp để giải quyết những bất hợp lý hiện nay, xử lý nghiêm các vi phạm, chống tiêu cực, “lợi ích nhóm” trong thực hiện các dự án BOT.

Về bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội, Cử tri và Nhân dân một số địa phương lo lắng trước tình trạng tội phạm nguy hiểm, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, còn một số “điểm nóng” về mất an ninh trật tự... Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các ngành chức năng và chính quyền địa phương kịp thời đấu tranh phòng, chống, trấn áp các loại tội phạm, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân để biết và thực hiện…

Ông Trần Thanh Mẫn khái quát: Có thể nói, qua tổng hợp các ý kiến của cử tri và Nhân dân cả nước cho thấy, từ sau kỳ họp thứ ba của Quốc hội Khóa XIV đến nay, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là ảnh hưởng nặng nề của bão, lũ song nhờ có sự đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và Nhân dân cả nước, nền kinh tế nước ta tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, lòng tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua vẫn còn một số vấn đề mà các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần quan tâm giải quyết như: sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi gặp khó khăn, giá nông sản thấp, đầu ra thiếu ổn định; việc quản lý về đấu thầu, nhập khẩu thuốc chữa bệnh thiếu chặt chẽ; một số quy định trong tuyển sinh đại học chưa hợp lý; tình trạng “lạm thu” tại một số trường học gây bức xúc trong Nhân dân; việc quy hoạch đô thị ở một số thành phố lớn chưa thực sự hợp lý; một số chính sách, quy định về tổ chức, cán bộ còn bất cập, việc triển khai thực hiện còn nhiều thiếu sót…

6 kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng, xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, lãng phí; quan tâm chỉ đạo hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, thực thi nhiệm vụ; thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường biện pháp thu hồi tài sản bị tham nhũng, lãng phí; hoàn thiện cơ chế để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Nhân dân và báo chí trong việc giám sát phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh việc cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; thực hiện nghiêm túc việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập đi đôi với đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công; thực hiện tổng rà soát công tác cán bộ và việc tuân thủ quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ ở mọi cấp, mọi ngành; tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí và quy định về đánh giá cán bộ.

Thứ ba, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành có liên quan tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích sản xuất, chế biến các mặt hàng nông sản sạch, bảo đảm chất lượng, mở rộng quảng bá, kết nối với hệ thống phân phối sản phẩm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, tìm “đầu ra” ổn định cho sản phẩm nông nghiệp, hình thành những chuỗi liên kết kinh tế, cộng đồng phát triển nông nghiệp bền vững.

Thứ tư, đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương, kiên quyết chỉ đạo làm rõ và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành có chức năng quản lý nhà nước và chính quyền địa phương các cấp ở những tỉnh, thành phố để xảy ra tình trạng khai thác tài nguyên trái phép, nhất là tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép, chặt phá rừng trên địa bàn quản lý. 

Thứ năm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng, các bộ, ngành và chính quyền các thành phố lớn, nhất là chính quyền thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến công tác lập và thực hiện quy hoạch đô thị; khẩn trương đề xuất và thực hiện các giải pháp để giảm ngập úng, ùn tắc giao thông;    rà soát, điều chỉnh lại những dự án chậm tiến độ gây lãng phí, ảnh hưởng đến giao thông và phát triển đô thị.

Thứ sáu, đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo, chấn chỉnh công tác tiếp công dân, xử lý và giải quyết thấu tình, đạt lý các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của         Nhân dân; sớm giải quyết dứt điểm những khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài; không để phát sinh các “điểm nóng”; kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở; phát huy hơn nữa vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Nhân dân.

Việt Hùng - Hải Ngọc(lược ghi)

 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáu nhóm kiến nghị của Cử tri và nhân dân cả nước với Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO