Xã hội

Sáng lên Mù Cả

Kiên Cường 07/02/2024 - 13:44

(TN&MT) - Chúng tôi đến xã Mù Cả vào ngày tưng bừng tết của người Hà Nhì, địa danh: “Nơi con sông Đà chảy vào đất Việt”, mảnh đất làm nên tên tuổi Nguyễn Văn Bôn - Anh hùng, nhà giáo đầu tiên của cả nước.

Mù Cả đấy ư... không ai tin mắt mình, nơi trước đây mọi người quen tên gọi “mù tất” hay “U tì quốc” mù mịt theo đúng nghĩa đen của nó. Vương quốc xa xôi, cách trở “mù tịt” nay khoác lên mình tấm áo lung linh, rực rỡ của những ngày sắp bước sang xuân. Mù Cả không còn ai nhớ đến cái tên xưa, mà nay đã được thay bằng tên mới “sáng cả”.

Ngày xưa “mù tất”

Được mời lên ăn tết của người Hà Nhì ở xã Mù Cả, huyện Mường Tè (Lai Châu), tôi phải hỏi rất nhiều lần, nhiều người: “Giờ đi vào Mù Cả có đi được bằng ô tô không?”. Tôi đều nhận được câu trả lời, đường tới xã Mù Cả nay cả xe con, xe tải, xe khách… chạy rầm rập.

xc3a3-mc3b9-ce1baa3-2.jpg
Mù Cả nhìn từ trên cao

Điều này đã thôi thúc tôi phải trở lại Mù Cả, bởi trước đây, chúng tôi đã có phen hú vía trên con đường từ thị trấn Mường Tè vào xã Mù Cả. Một hành trình bất biến 57km đường đất và 18km đi bộ luồn rừng, vượt núi với con đường “chuột chạy”. Gọi là “đường” chứ thực ra đó chỉ là một lối mòn dành cho ngựa thồ và người đi bộ. Đường đi giống như sợi lạt giang vắt bừa qua những dãy núi, phảng phất vẻ hoang nguyên từ thời thủy tổ người Hà Nhì về đây mở đất. Chính vì vậy, Mù Cả như “ốc đảo” bị cô lập, người dân chỉ làm nương rẫy, chăn nuôi tự phát… Cái ăn không đủ. Thậm chí, rau xanh để nấu ăn là một thứ đồ “xa xỉ”, bởi người dân quen ăn loại rau tự nhiên trong rừng. Tôi nhớ như in khi chia tay mảnh đất nơi miền biên viễn, trong mắt của người Hà Nhì ánh lên niềm khao khát được khai thông con đường, để Mù Cả không còn mệnh danh “mù tất” với gần 100% hộ nghèo, cận nghèo.

Như một giấc mơ thành hiện thực, đường đến xã Mù Cả giờ đây đều được trải nhựa. Một bên sông Đà trong xanh, bên là cánh rừng già cổ thụ, nếu đi từ thị trấn huyện Mường Nhé hay đi từ trung tâm huyện Mường Tè, chỉ mất chưa đầy 1 tiếng để tới Mù Cả. Mù Cả đẹp như bức tranh với những mái ngói đỏ tươi trong sương mờ, bao quanh là cánh rừng xanh ngát. Niềm vui nhân lên khi các cô gái Hà Nhì tung tẩy váy hoa rộn ràng đón tết của người Hà Nhì (bắt đầu từ 1/12 dương lịch). Ở đây, mỗi bản tổ chức một ngày khác nhau để không trùng lặp, mọi người có thể đi chúc tết khắp các bản. Người Hà Nhì hiếu khách nên thường ra tận đường để đón khách vào nhà chung vui. Họ mời nhiệt tình bằng cả tấm lòng, mong khách vào nhà uống chén rượu cùng chúc mừng năm mới tốt lành cho cả chủ và khách.

Ông Pờ Lóng Tư - một người quen cũ mời chúng tôi về nhà, gặp lại người xưa, ông Tư như “cởi tấm lòng” sau những chén rượu chúc mừng, ông trầm tư kể chuyện về mảnh đất ngày xưa được mệnh danh “mù tịt” như để thế hệ con, cháu trong nhà thấy được giá trị của Mù Cả hôm nay. Ông kể: Đường xưa vào Mù Cả chỉ vừa thân người và thân ngựa, người sau đạp lên chân người trước mà vượt. Đường cứ vòng vèo mãi dưới tán rừng, đi rất xa mà vẫn nghe tiếng sông Đà gào thét bên sườn vực với những đá ngầm, đá nổi chồi lên mặt nước. Chính vì đường đi lại xa xôi cách trở, người dân Mù Cả như tách biệt với xã hội bên ngoài. Thời ấy, học sinh học hết bậc Tiểu học không ra huyện hay sang các xã khác học THCS do đường đi lại khó khăn, thế nên, nhiều em lại tái mù chữ. “Cơn lũ đen” thuốc phiện trước năm 2000 tràn qua đã tàn phá các bản làng xơ xác. Ban đầu, mọi người còn coi đó như “thú vui quý tộc”, chỉ đến khi cả con trâu mộng cũng bị “dắt” qua nõ điếu, thì hồi chuông báo động mới được gióng lên. Sau năm 2000, Đồn Biên phòng Mù Cả cùng chính quyền địa phương đã vận động bài trừ và chôn bàn đèn thuốc phiện rời xa ma túy, xây dựng một cuộc đời mới không còn bị ám khói nha phiến nữa.

Khuôn mặt ông Tư bỗng bừng sáng, nói với nụ cười mãn nguyện: Mù Cả thực sự đổi thay khi con đường của “ý Đảng lòng dân” được mở và các cán bộ Đồn Biên phòng chỉ dạy bà con làm lúa nước, trồng các loại cây ăn quả… Người dân Mù Cả nay đã có của ăn của để, con cháu được học đến hết THCS tại xã và nhất là không còn “xa tít, mù tắp” vì đường đi cách trở. Nay người dân sáng đón xe ca ra thị trấn, chiều lại về bản - đây là “giấc mơ” với người Hà Nhì. Tất cả là nhờ ơn Đảng!

Nay đã sáng rồi

Đứng trên con đường chạy qua Mù Cả - tấc đất miền biên ải thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi cảm nhận mùa xuân sắp về đang thúc giục lòng người, huyết mạch trong cơ thể ràn rạt. Thoảng đâu đây hương vị rượu, hoa rừng đang đua nhau khoe sắc làm ta say ngây ngất. Con đường trải nhựa ngập tràn bước chân những cô gái Hà Nhì xúng xính váy áo muôn màu xuống chợ, má hồng rực trong giá rét, núi rừng bừng lên theo nhịp bước ngựa thồ.

Tuyến đường Mường Nhé (Điện Biên) nối xã Pắc Ma (Lai Châu) đi qua xã Mù Cả được Nhà nước đầu tư trên 200 tỷ đồng đã hồi sinh vùng đất của người Hà Nhì và hiện thực hóa mơ ước bao đời của người dân là được đi chơi, đi thăm nhau, chở hàng... bằng xe máy mà không phải cuốc bộ như xưa.

71.jpg

Mù Cả có được đổi thay hôm nay là nhờ đóng góp của các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng. Chủ tịch UBND xã Pờ Khừ Xá xúc động khi nói về những người bảo vệ chủ quyền đường biên, mốc giới: “Bà con ở đây vốn nhiều “lý”, bên cạnh phong tục còn không ít hủ tục lạc hậu, như lễ lạt tốn kém trong lễ cưới, cúng ma khi ốm đau, chờ được giờ, được ngày mới chôn người chết… Để thay đổi nhận thức của họ, cán bộ, chiến sỹ của Đồn phải làm cuộc cách mạng về nhận thức cho bà con để cuộc sống văn minh hơn, sạch sẽ hơn”.

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng còn giúp bà con phát triển kinh tế. Người Hà Nhì vốn chỉ làm nương, dưới sự vận động của cán bộ, chiến sỹ, người dân đã chuyển một số diện tích sang làm lúa nước và trồng các loại cây ăn quả, giống ngô cho thu nhập cao. Khi mới bắt đầu chuyển đổi mô hình, xã Mù Cả có 30ha lúa nước, thu hoạch năng suất cao gấp 2 - 3 lần lúa nương, nay diện tích lúa nước đã được nhân rộng lên 154,5ha, năng suất mỗi vụ đạt gần 1 nghìn tấn thóc. Khi con đường thông thương thuận lợi, bà con đã nhân rộng, trồng gần 14ha các loại cây: xoài, bưởi, chuối. Mù Cả hiện nay đã có trên 30% số hộ thoát nghèo theo chuẩn mới (trong đó có nhiều hộ hàng năm thu nhập vài trăm triệu) nhờ sản xuất, chăn nuôi; dù chưa phải con số mỹ mãn nhưng đây là “kỳ tích” để “sáng cả” trong tương lai không xa. Kỳ vọng ấy là nền móng vững chắc để thế hệ tương lai của trên 800 học sinh ba cấp học: Mầm non, Tiểu học, THCS của xã Mù Cả được Nhà nước đầu tư và đặc biệt quan tâm. Trường lớp được xây dựng khang trang, trên 80% học sinh được ăn bán trú để có điều kiện học tập.

Kinh tế phát triển, nhận thức được nâng lên, xã Mù Cả còn là điểm sáng bảo vệ rừng. Hàng chục năm qua, không có một cây rừng nào bị chặt phá trên 28 nghìn ha rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng. Người được giao rừng gắn kết, coi rừng là ngôi nhà thứ 2, bởi từ lâu, với người Hà Nhì, rừng đã chở che, bảo vệ bản làng, nay rừng còn mang lại nguồn thu không nhỏ. Hàng năm, bà con Hà Nhì được Nhà nước chi trả trên 30 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Chia tay Mù Cả trong không khí tết rộn ràng nơi miền cực Tây của Tổ quốc - Tây Bắc gọi xuân về, nơi bắt đầu dòng chảy của mùa xuân đất nước, trong chúng tôi và cả người dân nơi đây đều rạo rực niềm tin, vùng đất Mù Cả - nơi con sông Đà chảy vào đất Việt mỗi ngày một sáng lên!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng lên Mù Cả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO