Sáng chế khoa học công nghệ: Phải gắn với thị trường !

23/07/2015 00:00

(TN&MT) - Hiện nay, không ít những phát minh giàu tính ứng dụng xuất phát từ các “nhà khoa học nông dân” đang phải chật vật chào bán và cạnh tranh sản phẩm với những sáng kiến KHCN thuộc diện được “bao cấp” hoàn toàn. Đây chính là rào cản lớn làm cho những sáng  chế khoa học này khó phát huy hiệu quả.

Cần có sự công bằng

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân, những nhà sáng chế không chuyên nghiệp là một lực lượng quan trọng trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ (KHCN). Họ thực sự là những nhà khoa học không bằng cấp. Những sản phẩm giàu tính ứng dụng của các nhà sáng chế nông dân đóng góp cho cộng đồng và xã hội nhiều sản phẩm có giá trị, từ các thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp như máy sạ hàng, máy gặt đập, máy tuốt lúa, máy bóc tách vỏ các loại hạt đến những sản phẩm có kết cấu phức tạp, có thể ứng dụng trong những lĩnh vực đặc biệt như máy nâng hạ, tàu ngầm, xe tăng... Nhiều sản phẩm trong số đó đã được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp.

Để phát huy sáng tạo của đội ngũ những người làm khoa học trong mọi tầng lớp nhân dân, trong những năm qua, Bộ KHCN đã tham mưu cho Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, Điều lệ sáng kiến ban hành kèm Nghị định 13/2012/NĐ-CP của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ KHCN đã có quy định cụ thể về điều kiện, thủ tục công nhận sáng kiến; quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư tạo ra sáng kiến; trả thù lao cho tác giả sáng kiến và người áp dụng sáng kiến; trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc hỗ trợ các cá nhân, tổ chức có sáng kiến của địa phương.

Sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ việc cải thiện môi trường, tăng hiệu quả sản xuất phục vụ rất tốt cho cuộc số. Ảnh: MH
Sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ việc cải thiện môi trường, tăng hiệu quả sản xuất phục vụ rất tốt cho cuộc số. Ảnh: MH

Bộ KHCN cùng các đơn vị liên quan cũng đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên từ khâu hình thành ý tưởng, nghiên cứu, chế tạo đến hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm và thành lập doanh nghiệp KHCN để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một số hoạt động nổi bật như mời và hỗ trợ các nhà sáng chế không chuyên tham gia chợ công nghệ và thiết bị Techmart để giới thiệu sản phẩm; chỉ đạo các đơn vị bước đầu hỗ trợ cá nhân có sáng chế, sáng kiến thành lập doanh nghiệp KHCN để ứng dụng và thương mại hóa các kết quả khoa học và công nghệ do họ tạo ra…

Tuy nhiên, để thúc đẩy việc ứng dụng và thương mại hóa các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, để sản phẩm của các nhà sáng chế nông dân vào được thị trường, trở thành sản phẩm hàng hóa phục vụ cho xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa không chỉ có cơ quan nhà nước mà cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học cũng phải chung tay đồng hành. Bởi lẽ, dù có sản phẩm tốt nhưng không có thị trường thì cũng không thể thành công. Khi bán được các sản phẩm, người sáng chế có thể có được lợi nhuận, thậm chí là giàu có từ sáng chế của mình. Từ đó, tránh những lãng phí về thời gian và tiền bạc để đầu tư vào các sản phẩm không có địa chỉ ứng dụng; tránh tình trạng mất công mất của, thậm chí khuynh gia bại sản, mất đi đam mê, ý chí sáng tạo. Đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước cần có cơ chế chính sách công bằng hơn;  trách nhiệm của cộng đồng khoa học cùng với nông dân đam mê sáng tạo.

Và môi trường sáng tạo

Hiện nay, để thúc đẩy việc triển khai những sáng kiến khoa học trong tầng lớp nhân dân, bước đầu, Bộ KHCN đang giao cho các Sở KHCN địa phương khi phát hiện người dân có sáng chế thì giúp họ tìm được đến các doanh nghiệp phù hợp để có thể cùng  hoàn thiện sản phẩm, đưa vào thị trường. Song trên thực tế, việc để doanh nghiệp đầu tư cũng rất khó khăn bởi doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực rất nhỏ. Vì vậy, chủ trương của đia phương là hỗ trợ các nhà sáng kiến theo hướng để họ tự thành lập doanh nghiệp của mình. Theo hướng này,  Nhà nước có thể miễn thuế, hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách Nhà nước thông qua quỹ đổi mới công nghệ quốc gia để các nhà sáng chế tự hoàn thiện và thương mại hóa sản phẩm. Với chính sách hiện hành, những doanh nghiệp KHCN đã được miễn thuế ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật về thuế. Với chương trình đổi mới sáng tạo, chương trình đổi mới công nghệ mà Bộ KHCN đang quản lý thì sẽ có nhiều kênh để hỗ trợ các nông dân làm khoa học, bên cạnh kênh từ doanh nghiệp. Cùng với đó, là các giải pháp hoàn thiện chính sách pháp lý về sự liên kết, hợp tác giữa nhà sáng chế không chuyên, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Song theo các chuyên gia, về lâu dài, chúng ta cần phải có những cơ chế, chính sách hình thành môi trường  cho những người có đam mê sáng tạo. Bên cạnh việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, của doanh nghiệp, cần có các giải pháp, sáng kiến đưa các nhà khoa học, các viện, trường đến với nông dân và đưa những nhà sáng chế không chuyên đến với thị trường. Qua đó, những nhà sáng chế có thêm động lực tạo ra các sản phẩm mới và quan trọng là các sản phẩm công nghệ này có thể được hoàn thiện, thương mại hóa và đến với đông đảo người tiêu dùng, tạo được sự chuyển biến thực sự trong hoạt động sáng tạo KHCN từ nhân dân.

Minh Vũ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng chế khoa học công nghệ: Phải gắn với thị trường !
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO