Sản xuất các sản phẩm từ mây, tre, nứa thân thiện với môi trường được vay vốn ưu đãi?

Phạm Oanh | 18/08/2021, 06:58

(TN&MT) - Tại huyện miền núi phía Bắc như Sơn Dương, Tuyên Quang, nguồn nguyên liệu mây, tre, nứa rất phong phú. Nhận thấy tiềm năng này, gia đình tôi mong muốn thành lập xưởng sản xuất vật dụng gia đình từ mây, tre, nứa. Xin hỏi, với xưởng sản xuất vật dụng gia đình thân thiên môi trường như trên, gia đình tôi có được ưu đãi vay vốn từ quỹ bảo vệ mộ trường hay không?

Về vấn đề này, Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP, có 15 hoạt động bảo vệ môi trường được thuộc đổi tượng được vay ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Cụ thể:

1. Xử lý nước thải sinh hoạt tập trung có công suất thiết kế từ 2.500 m3/ngày (24 giờ) trở lên đối với khu vực đô thị từ loại IV trở lên.

2. Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường tập trung.

3. Xử lý chất thải nguy hại.

4. Xử lý, cải tạo các khu vực môi trường bị ô nhiễm tại các khu vực công cộng.

5. Ứng cứu, xử lý sự cố tràn dầu, sự cố hóa chất và sự cố môi trường khác.

6. Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề.

7. Di dời, chuyển đổi hoạt động của cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

8. Quan trắc môi trường.

9. Dịch vụ hỏa táng, điện táng.

10. Giám định thiệt hại về môi trường; giám định sức khỏe môi trường; giám định về môi trường đối với hàng hóa, phế liệu nhập khẩu, máy móc, thiết bị, công nghệ.

11. Sản xuất ứng dụng sáng chế bảo vệ môi trường được nhà nước bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế hoặc bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

12. Sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam; sản phẩm từ hoạt động tái chế, xử lý chất thải rắn của cơ sở xử lý chất thải (sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại).

13. Sản xuất xăng, nhiên liệu diezen và nhiên liệu sinh học được chứng nhận hợp quy; than sinh học; năng lượng từ sử dụng sức gió, ánh sáng mặt trời, thủy triều, địa nhiệt và các dạng năng lượng tái tạo khác.

14. Sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; thiết bị quan trắc nước thải và khí thải tự động, liên tục; thiết bị đo đạc, lấy mẫu và phân tích môi trường; sản xuất năng lượng tái tạo; xử lý ô nhiễm môi trường; ứng phó, xử lý sự cố môi trường.

15. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của cơ sở thân thiện với môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường chứng nhận nhãn sinh thái.

Ảnh minh họa

Như vậy, khi gia đình bạn mở xưởng sản xuất vật dụng gia đình từ mây, tre, nứa, nếu muốn được vay ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam thì các sản phẩm của gia đình bạn phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường gắn Nhãn xanh Việt Nam.

Thủ tục dán nhãn như sau:

Theo Thông tư số 41/2013/TT-BTNMT, tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam bao gồm:  Tuân thủ pháp luật về bải vệ môi trường, lao động; Gây hại ít hơn cho môi trường so với sản phẩm cùng loại.

Hồ sơ đăng ký chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam gồm: Đơn đề nghị; Báo cáo hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp đề nghị/Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 14001 (bản sao có chứng thực)/Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001:2004 (bản sao có chứng thực) hoặc tiêu chuẩn tương đương; Báo cáo đánh giá sản phẩm đáp ứng tiêu chí Nhãn xanh Việt Nam kèm theo kết quả thử nghiệm do Tổ chức thử nghiệm cấp ; Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (sao ý bản chính); kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm (bản chụp hoặc vẽ, kích thước 21 cm x 29 cm).

Gia đình bạn có thể vào trang thông tin điện tử:  http://vea.gov.vn/khoahoccongnghe/nhanxanh để tra cứu các biểu mẫu và đăng ký dán Nhãn xanh Việt Nam.

Xin lưu ý, Quyết định chứng nhận Nhãn xanh Việt Nam có thời hạn là 3 năm kể từ ngày cấp. Sau khi có Quyết định này, doanh nghiệp phải gắn cho sản phẩm đã được chứng nhận và định kỳ báo cáo số lượng sản phẩm đã được gắn nhãn cho Tổng cục Môi trường.

Bài liên quan
  • Mức hỗ trợ người dân ổn định đời sống và sản xuất khi thu hồi đất?
    (TN&MT) - Hiện nay, gia đình tôi được Trung tâm phát triển quỹ đất huyện lập Phương án bồi thường cho gia đình như sau: Đất ở 350.000 đồng/m2; Đất trồng cây lâu năm khác có giá: 49.000 đồng/m2. Tổng diện tích đất đất thu hồi là 780m2. Cả gia đình tôi đều là nông dân và nguồn sống chính là từ nông nghiệp. Xin hỏi, gia đình tôi có được hưởng hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất sau khi bị thu hồi đất ở và đất nông nghiệp hay không? (Nguyễn Văn Tám, Bắc Kạn).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO