Sẵn sàng ứng phó thời tiết cực đoan, hành động thông minh với khí hậu: “Thuận thiên” để thích ứng

Bài và ảnh: Hà Thuận| 21/04/2020 10:12

(TN&MT) - Thay đổi để thích ứng, trong đó, chuyển dịch chính sách về mô hình tăng trưởng, điều chỉnh định hướng phát triển, đưa ra cách tiếp cận mới về tăng trưởng kinh tế, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường là giải pháp để Lai Châu chủ động giảm nhẹ thiệt hại do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra.

Những ký ức khó quên

Biểu hiện của BĐKH ở Lai Châu có thể dễ dàng nhận ra bởi những thay đổi của các hiện tượng thời tiết cực đoan nhưng cũng có thể là những chuyển biến âm ỉ về môi trường mà phải mất nhiều năm mới đưa ra được con số chính xác. Nhưng chắc chắn một điều rằng BĐKH đang tác động tiêu cực tới tỉnh Lai Châu.

Theo ông Đặng Văn Châu - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu cho biết: Các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa, lũ, hạn hán, rét đậm, rét hại không ngừng gia tăng đã gây thiệt hại nặng nề về diện tích lúa, hoa màu, cây trồng hàng năm và lâu năm, hàng nghìn con gia súc gia cầm bị chết và cuốn trôi, nhiều công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt bị hư hỏng…

Những con số thiệt hại do thiên tai năm 2018, 2019 là điều mà người dân Lai Châu muốn vùi quên, nhưng nỗi đau mất người, mất của vẫn còn hiện hữu. Thấp thỏm, lo âu, đó là tâm lý chung của tất cả người dân sống trong vùng ảnh hưởng của thiên tai. Nhớ lại, trận mưa lũ lịch sử vào đầu tháng 8/2018 tại huyện Sìn Hồ đã cướp đi sinh mạng 12 người và 6 người mất tích dưới hàng nghìn khối đất đá. Đến nay, công tác tìm kiếm những người mất tích đã tạm dừng. Họ sẽ mãi nằm yên trong đống đất đá. Những mất mát từ trận mưa lũ lịch sử ấy sẽ là nỗi đau không thể nguôi ngoai trong một sớm một chiều.

Lực lượng quân đội giúp dân phòng chống bão lũ. Ảnh: Nhuệ GIang

 Chưa dừng lại ở đó, từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh Lai Châu liên tiếp hứng chịu những trận mưa đá, hàng ngàn ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Chỉ tính riêng trận mưa đá ngày 10/4, đã khiến nhiều nhà dân bị tốc mái, nhiều diện tích hoa màu bị hư hỏng nặng với 7,45 ha lúa Đông - Xuân, 24,64 ha cây ăn quả, 1,5 ha rau màu bị ảnh hưởng thiệt hại 100%; 103,72 ha ngô thiệt hại trên 90%; 510,81 ha chuối đang thời kỳ cho thu hoạch bị thiệt hại trên 95%...

Bài học để đổi mới tư duy

Ông Đặng Văn Châu - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lai Châu chia sẻ: Tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc tăng cường thông tin tuyên truyền về ảnh hưởng của BĐKH đối với sản xuất nông nghiệp để nâng cao ý thức, hành động tìm biện pháp phòng tránh và cách thích ứng phù hợp cho người dân, cán bộ cơ sở.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Uyên Ngọ Doãn Bình cho biết: Huyện đã triển khai thực hiện việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với BĐKH, đặc điểm sinh thái của vùng và địa phương; hướng dẫn người dân thay đổi khung thời vụ gieo trồng để tránh những đợt rét đậm, rét hại khi gieo cấy và mưa lũ khi thu hoạch; áp dụng quy trình sản xuất phù hợp, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại; thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh cây trồng và vật nuôi, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống rét cho gia súc, gia cầm, hạn chế chăn thả, chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc…

Trước tác động của biến đổi khí hậu Lai Châu thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tai.

Theo ông Ngọ Doãn Bình, một trong những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó với BĐKH là tăng cường trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Việc tăng cường trồng mới, chăm sóc và bảo vệ rừng vừa góp phần giảm nhẹ tác động của BĐKH, đồng thời giữ được nước, phòng chống lũ quét, đảm bảo cuộc sống người dân.

Với huyện Sìn Hồ, Trưởng phòng NN&PTNT Trần Thị Thu Hiền cho ví dụ về giải pháp mà huyện đã chủ động thích ứng với BĐKH. Theo đó, ngay từ nửa cuối tháng 4/2019, nắng nóng và khô hạn diễn ra trong một thời gian dài đã làm ảnh hưởng đến 102 ha ngô xuân hè, khiến ngô bị héo lá và có nguy cơ chết và gần 1.000 ha lúa trà sớm và trà chính vụ phải gieo trồng muộn… Huyện đã tiến hành rà soát nhu cầu của nhân dân, lập kế hoạch hỗ trợ giống mới ngắn ngày, chất lượng để bổ sung, thay thế diện tích bị ảnh hưởng có thể khắc phục. Mặt khác, hỗ trợ và sử dụng phân bón để nhân dân tiến hành thâm canh cao cho cây lương thực chủ yếu như lúa, ngô nhằm tăng năng suất, chất lượng bù lại diện tích, năng suất, sản lượng đã bị ảnh hưởng, do đó, tổng sản lượng lương thực trong năm vẫn đạt và vượt kế hoạch giao.

Có thể thấy, trước những tác động khôn lường của thời tiết cực đoan do BĐKH gây ra, người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã dần chủ động thích ứng và “thuận thiên” là cách tốt nhất để ứng phó với BĐKH. Dẫu vậy, với một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế như Lai Châu, để tất cả người dân thay đổi theo tư duy chủ động thích ứng với BĐKH vẫn còn quãng đường dài phía trước…

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sẵn sàng ứng phó thời tiết cực đoan, hành động thông minh với khí hậu: “Thuận thiên” để thích ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO