Săn ong ở miền Tây xứ Nghệ

23/10/2014 00:00

(TN&MT) - Theo kinh nghiệm của anh Duy, người săn mật phải giỏi phán đoán và phải có đôi mắt tinh lanh để theo dõi đường bay của ong.

   
(TN&MT) - Trong chuyến công tác về huyện miền núi Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An), tôi đã may mắn được theo chân nhóm thợ săn ong người bản địa, rong ruổi suốt ngày trời khắp các ngọn núi, cánh rừng ở đại ngàn Pù Huống để săn ong mật. Chuyến đi tuy vất vả nhưng đã đem lại những trải nghiệm thú vị không thể nào quên về nghề săn “tinh hoa đại ngàn”.
   
Theo dấu ong rừng
   
  Chúng tôi về bản Nật Trên, xã Châu Hoàn, huyện miền núi Quỳ Châu đúng vào dịp mùa săn ong mật đang rầm rộ. Buổi sáng mùa thu miền Tây xứ Nghệ trời se se lạnh, trên triền đồi xuất hiện những đám sương dày đặc như muốn thử thách thợ săn ong.
   
   
Những thợ săn ong lâu năm chinh phục cây cao vài chục thước là chuyện bình thường
   
  Anh Lý Văn Duy (43 tuổi, dân tộc Thái) ở bản Nật Trên là người đã có thâm niên trèo đèo lội suối trong nghề săn ong gần 30 năm nay, anh Duy bắt đầu câu chuyện đầy phấn khích: “Từ năm 15, 16 tuổi tôi đã được theo chân ông cha lên rừng kiếm sống. Mùa nào thức ấy, riêng nghề săn ong chỉ kéo dài một năm vài ba tháng nhưng thật sự cuốn hút lắm. Đôi khi đi cả ngày trời mới tìm thấy một tổ ong nhưng vui và hăng hái vô cùng”.
   
  Theo kinh nghiệm của anh Duy, người săn mật phải giỏi phán đoán và phải có đôi mắt tinh lanh để theo dõi đường bay của ong. Mật ong tìm được cũng có nhiều dạng, nếu là loài ong ruồi làm tổ trên cành cây nhỏ thường cho mật tốt, đậm nhưng ít. Ngoài ra còn có loài ong bọng thường ở trong bọng cây, ụ mối, khe đá có chất lượng mật ngon, thơm. Nhưng thông thường người đi săn mật, nhất là vào mùa mưa, hay gặp nhất vẫn là loài ong thế, thường ở trên cây cao trong rừng sâu, tổ lớn, có khi tổ ong to gần bằng chiếc chiếu, mật nhiều, có tổ cho đến vài chục lít và có vị ngọt đậm đà. Muốn tìm được tổ ong thì phải bắt đầu quan sát từ khe suối, nơi đám ong thợ thường ra lấy nước. Cứ theo dấu ong bay thì sẽ tìm ra tổ mật.
   
  Tuy nhiên, đôi khi vẫn bị đám ong thợ đánh lừa. Nó cứ bay vòng vèo mãi, có con còn bay lên cao tít trên không trung cho đến khi khuất tầm mắt rồi mới về tổ, rất khó tìm. Những lúc ấy người săn ong phải kiên nhẫn và bình tĩnh, dường như những lúc ấy chẳng khác nào một cuộc “đấu trí” giữa thợ săn ong và con ong thợ. Tuy nhiên, thất bại cũng là chuyện thường gặp.
   
  Sau khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ, chúng tôi đến khu vực mà dân bản gọi là suối Huôi Oi (vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống) khi sương sớm đã tan. Anh Duy cho mọi người nghỉ lại khu vực này. Tiến lại gần một khu vực mà trâu thả rông của dân bản hay lui tới để đằm nước cho mát, anh Duy chỉ cho tôi xem vài ba con ong đang bay là là để tìm mật. “Mấy anh em ở dưới đó quan sát, khi nào ong bay hướng nào thì chỉ cho mình quan sát nhé” – Vừa thoăn thoắt trèo lên một cây cao, anh Duy vừa nói vọng xuống.
   
Thu “lộc rừng”
   
  Sau khoảng 30 phút quan sát hàng chục lượt ong thợ bay từ dưới nơi lấy mật lên, anh Duy gật gù rồi giục cả nhóm men theo khe rồi hướng lên một khu vực với nhiều cây cổ thụ rậm rạp. Loay hoay, căng mắt tìm khắp dưới những tán cây cổ thụ, cuối cùng cả nhóm phát hiện một tổ ong khá lớn treo vắt vẻo trên một cây vàng tâm cao chót vót.
   
  2 người sẽ chịu trách nhiệm chính để “chinh phục” tổ ong. Anh Duy phụ trách tiếp cận tổ ong để cào mật, còn anh Sầm Văn Chung (cùng nhóm thợ săn lâu năm với anh Duy) sẽ trèo lên theo sau để “tiếp tế”, đỡ thùng đựng mật khỏi bị rơi.
   
  Đồ nghề sắp ra gồm một sợi dây thừng dài khoảng 30 mét, một chiếc giẻ tẩm xăng đựng trong túi bóng, một đám lá cây khô dùng để hun khói tổ ong. Tất cả đều được anh Duy khoác vào vai rồi trèo lên thoăn thoắt.
   
  “Cây cao đấy, anh Chung trèo theo sau tôi để đỡ mật kẻo cao quá mật nặng sợ đứt dây coi như công toi. Còn anh em dưới kia lánh vào bụi cây rậm rạp phía dưới khỏi bị ong đốt. Tổ này nhìn có vẻ cũng dữ dằn lắm đấy!” – Anh Duy dặn dò cả nhóm.
   
   
Những “chiến lợi phẩm” sau chuyến đi vất vả.
   
  Anh leo lên cây, rồi dừng lại ngồi chắc chắn ở một cành cây khá lớn cách tổ ong tầm 3 mét, anh châm lửa đốt chiếc sào buộc lá cây cho khói lên ngùn ngụt bủa vây quanh người rồi từ từ đưa cây sào tiến lên tổ ong. Theo những người thợ săn ong, nghề này chỉ hun khói đuổi ong chứ tuyệt đối không làm tổn thương để ong chết. Đó là nguyên tắc của người săn ong rừng.
   
  Một lát sau, bầy ong vỡ tổ bay loạn xạ, xông thẳng vào bất cứ ai đang đứng dưới gốc cây quanh đó. Chúng tôi ở dưới bụi cây im thin thít, nép người xuống đất không chút cử động. Vài con bám chặt lấy anh Duy và anh Chung đốt. Hai người vẫn gan lỳ chịu đựng và bình tĩnh đuổi ong rồi từ từ lấy bọng mật cho vào thùng. Mật ong cho vào dưới, phía trên là nhộng ong được lót bằng là chuối để khỏi lấn vào mật. Từ độ cao khoảng 30 mét, anh Duy thòng thùng mật xuống giữa thân cây để anh Chung đón lấy rồi tiếp tục từ từ thòng dây xuống dưới gốc cây để chúng tôi đón lấy. Thùng ong nặng trịch, mùi mật thơm phức lan tỏa khắp cánh rừng. Anh Duy cùng anh Chung nhanh chóng tụt xuống gốc cây rồi thu lượm đồ đạc cùng cả nhóm rời khỏi “hiện trường”.
   
  Người đầm đìa mồ hôi nhưng không tỏ ra mệt mỏi, trái lại anh Duy cùng anh Chung còn tỏ ra phấn khích khi vừa có được thành quả sau nửa ngày vất vả. “Bọng mật của tổ này chắc được tới hơn 10 lít mật đấy, mật già nên tốt lắm. Nghỉ một lát rồi ta kiếm thêm tổ nữa rồi hãy về” – Vừa cầm chai nước chè xanh uống anh Duy vừa nói với vẻ quyết tâm.
   
  Đồng hồ đã điểm gần 11h trưa, cái nắng gắt như muốn thách thức cả nhóm trong việc tìm những vận may tiếp theo. May thay, sau khoảng 30 phút xuôi theo con khe, chúng tôi lại phát hiện thêm một tổ ong nữa, cũng khá lớn nhưng ở độ cao chỉ khoảng 20 mét. Cũng với công đoạn tương tự, khoảng 1 tiếng sau, bọng mật của tổ ong thứ 2 cũng đã nằm gọn trong thùng của nhóm thợ săn “tinh hoa đại ngàn”.
   
  Sau khi lập được hai “chiến công” chỉ trong vòng hơn nửa ngày trời, cả nhóm dừng chân nghỉ ngơi dưới bóng cổ thụ cạnh một con suối nhỏ. Mỗi người một việc, người vắt mật vào thùng để về nhà chia nhau, người vắt nhộng ong cho vào chiếc chảo được mang theo rồi nấu lên. Nhộng ong vắt ra thành nước như trứng sống khuấy đều, sau đó nấu lên cho săn lại trông chẳng khác nào trứng rán. Món nhộng ong thơm phức, béo ngậy trông thật hấp dẫn với hương vị đậm đà đến lạ thường.
   
  Nghỉ chân tới lúc xế chiều, cả nhóm trở về bản với tâm trạng rất hứng khởi. Chúng tôi đã có một trải nghiệm thú vị, lạ lẫm của lần đầu tiên đi săn “lộc rừng” giữa đại ngàn Pù Huống.
   
   
Ở các xã vùng sâu của huyện miền núi Quỳ Châu, người dân tộc thiểu số thường hay vào rừng săn ong để bán kiếm tiền. Mỗi lít mật ong rừng hiện nay có giá từ 2 đến 3 trăm nghìn đồng. Ngoài ra nhộng ong được dùng để nấu ra món ăn rất đặc biệt, bổ dưỡng. Sáp ong dùng để chưng lên rồi vắt thành nến dùng để thắp sáng; nến sáp ong cháy được lâu và rất sáng, hương vị lại dịu êm và có mùi thơm nên người dân tộc Thái ở những vùng chưa có điện lưới quốc gia rất ưa chuộng.
    
Đ. Tiệp – V. Định
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Săn ong ở miền Tây xứ Nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO