Sai phạm về môi trường: Sẽ có chế tài mạnh

27/10/2016 00:00

(TN&MT) - Tính tới thời điểm hiện tại, mặc dù, chưa hết năm 2016, nhưng trên cả nước, có hơn 20 vụ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, phần...

(TN&MT) - Tính tới thời điểm hiện tại, mặc dù, chưa hết năm 2016, nhưng trên cả nước, có hơn 20 vụ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, phần lớn các vụ việc điển hình gây ô nhiễm nguồn nước (sông, biển) do cố tình xả thải có chứa các hóa chất độc hại… Vậy các cơ quan chức năng sẽ làm gì khi ngày càng có nhiều sai phạm về bảo vệ môi trường?
 
Nhiều vụ việc ô nhiễm gây chấn động
 
Từ đầu năm tới nay có rất nhiều sự cố môi trường đã diễn ra, điển hình nhất phải kể tới vụ xả chất thải nguy hại ra môi trường của Formosa Hà Tĩnh đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của báo chí, thời gian theo dõi của dư luận...
 
Ngoài sự cố Formosa còn có một số vấn đề môi trường khác như: Sự cố vỡ hồ chứa bùn thải của nhà máy chì, kẽm của Công ty TNHH CKC ở Cao Bằng ngày 5/1/2016; các sự cố cá chết xảy ra tại một số tỉnh thành như Đồng Nai, Thanh Hóa, Hà Nội, đặc biệt là sự cố môi trường xảy ra tại 4 tỉnh miền Trung trong tháng 4 và tháng 6; vấn đề ô nhiễm tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân tại Bình Thuận; vấn đề khiếu kiện liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Núi Pháo tại tỉnh Thái Nguyên; Công ty TNHH Nhà nước MTV xử lý và chế biến chất thải Phú Thọ xả thải gây ô nhiễm; nước mưa chảy tràn của Nhà máy sản xuất quặng đồng An Phú gây ô nhiễm môi trường tại tỉnh Hòa Bình; Công ty TNHH Hapeco Hải Âu xả nước thải ra sông Lạch Tray (Hải Phòng) gây ô nhiễm; Công ty CP Tập đoàn Khoáng sản Á Cường xả trực tiếp nước thải không qua xử lý ra sông Cẩm Đàn (Bắc Giang)…. Và mới đây nhất là vụ cá chết trắng ở Hồ Tây -  hiện tượng chưa bao giờ xảy ra.
 
Sai phạm của nhiều doanh nghiệp dẫn đến sự cố môi trường nghiêm trọng
Sai phạm của nhiều doanh nghiệp dẫn đến sự cố môi trường nghiêm trọng
 
Mặc dù các cơ quan chức năng đã dùng nhiều biện pháp như kiểm tra, giám sát, phạt tiền nhưng vẫn khó kiểm soát được tình hình ô nhiễm hiện nay. Nhiều doanh nghiệp dù đã bị phạt đi phạt lại, thậm chí bị đóng cửa tạm thời, nhưng vẫn ngang nhiên tái phạm. Thậm chí ngay cả doanh nghiệp xử lý chất thải công nghiệp cũng gây ô nhiễm. Theo thống kê của Bộ TN&MT, trong năm ngoái, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý trên 500 cơ sở công nghiệp vi phạm, gây ô nhiễm môi trường với mức xử phạt trên 26 tỷ đồng. Chỉ tính riêng  trong 6 tháng đầu năm nay, Tổng cục Môi trường cũng đã ban hành 431 kết luận thanh tra về công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Cao Bằng, Lào Cai, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. Cùng với đó, Tổng Cục đã ban hành 225 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 30 tỷ đồng, 17 quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm.
 
Số vụ ô nhiễm môi trường chắc chắn sẽ không dừng lại ở đó, bởi theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân: Ô nhiễm môi trường đang có xu hướng gia tăng, tình hình ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi gây bức xúc đời sống xã hội. Khi xung đột môi trường xảy ra thì dẫn đến xung đột về kinh tế - xã hội đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước, vì thế nhiệm vụ bảo vệ môi trường rất quan trọng. 
 
Kiểm soát bằng luật
 
Theo các chuyên gia môi trường, mặc dù từ năm 2015, mức phạt hành chính đã tăng gấp đôi, lên mức tối đa 2 tỷ đối với mỗi vụ vi phạm môi trường của tổ chức hoặc cá nhân nhưng chế tài này vẫn còn nhẹ. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp sản xuất sẵn sàng nộp phạt thay vì đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải. Trong khi đó, công tác truy tố, xét xử và xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật môi trường còn nhiều hạn chế. Thực tế, từ trước tới nay, Việt Nam mới chỉ khởi tố điều tra và đưa ra xét xử đối với các hành vi vi phạm thuộc 2 tội danh: Hủy hoại rừng và vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm. Trong khi đó, các tội danh khác, mặc dù gây thiệt hại rất lớn cho môi trường và sức khỏe, tài sản của người dân nhưng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Khi xảy ra hàng loạt các vụ việc vi phạm pháp luật môi trường như Vedan, Nicotex Thanh Thái, Hào Dương… vấn đề xử lý hình sự đã được đặt ra. Tuy vậy, kết quả chỉ dừng lại ở xử lý vi phạm hành chính vì chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự.
 
Để buộc các tổ chức, cá nhân phải chấp hàng nghiêm những quy định về môi trường, giảm thiểu những sự cố về ô nhiễm, Quốc hội đã thông qua Bộ Luật Hình sự 2015, trong đó có những thay đổi đáng kể về xử lý tội phạm môi trường, nghĩa là xử lý tội phạm môi trường sẽ chú ý hành vi mà không cần phải chờ hậu quả. Ví dụ: Quy định mức xả thải tối đa là 10.000m3/ngày nếu xả vượt mức cho phép là đã xử lý hình sự rồi, không cần biết có gây hậu quả không…
 
Trao đổi với Phó Giáo sư Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, ông Tiến cho rằng, Luật mới được đưa ra áp dụng sẽ xác định rõ hơn về tội phạm môi trường. Tập thể cũng như cá nhân vi phạm bảo vệ môi trường không chỉ bị phạt hành chính mà sẽ xử phạt hình sự. Điều này sẽ có tính răn đe cao, hạn chế được tình trạng xả thải vô tội vạ gây ô nhiễm môi trường như hiện nay. Tuy nhiên, trước khi Luật được thực thi thì việc thanh tra, giám sát vẫn cần được đẩy mạnh. "Hiện, Bộ TN&MT đã xây dựng kế hoạch và có các đoàn đi kiểm tra môi trường nhằm vào tất cả các dự án xả thải trên toàn quốc sắp được diễn ra. Các chất thải khi được chuyển đi phải ký cam kết với đơn vị được phép xử lý đúng chất thải đó, nghiêm cấm tình trạng ký với các đơn vị không đúng chức năng. Tiếp đó, nơi xử lý cũng phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện kỹ thuật từ chôn lấp đến lưu trữ, bảo quản và xử lý. Đây là việc làm kịp thời và đúng đắn" - ông Tiến nhấn mạnh.
 
Linh Chi
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sai phạm về môi trường: Sẽ có chế tài mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO