Xã hội

Sắc Xuân A Lưới

Văn Dinh 10/02/2024 - 05:28

(TN&MT) - Tết đến xuân về, mang theo hơi ấm và thổi bừng sức sống trên khắp rẻo cao huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Đồng bào nơi đây đón xuân với những vẻ đẹp khác biệt, đó là vẻ đẹp của sức sống mãnh liệt, đậm chất hoang sơ và yên bình của thiên nhiên và con người.

1. Vượt qua nhiều đoạn đường ngoằn ngoèo uốn mình quanh những dãy núi, vùng cao A Lưới dần hiện ra, đi hết đường Quốc lộ 49 tiếp giáp với đường Hồ Chí Minh, từ ngã ba Bốt Đỏ là vào trung tâm thị trấn A Lưới. Thị trấn vùng cao này cách TP. Huế chừng 70km. Những ngày cuối năm, giữa những màu xám nâu của đất núi, màu xanh đậm của rừng nổi lên rực rỡ những con đường hoa khoe sắc, các loại cây cảnh được cắt tỉa gọn gàng, sạch đẹp, hòa cùng màu đỏ, vàng của băng rôn, khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng Xuân”.

zeng-a-luoi-2.jpg

Khoảng thời gian tháng Chạp cũng là lúc đồng bào Pa Cô ở đây tổ chức Tết cơm mới, hay còn được gọi là lễ hội Ada, lễ hội thiêng liêng để tạ ơn các vị thần linh phù hộ cho họ một mùa màng bội thu, tràn đầy sức khỏe. Mỗi khi đến dịp này, người Pa Cô dù đi làm ăn ở khắp mọi miền đất nước đều trở về quê hương đoàn tụ, chung vui.

Già làng Hồ Văn Hạnh (thôn A Niêng Lê Triêng, xã Trung Sơn, huyện A Lưới) đang điều hành, phân công các công việc để thôn tổ chức Tết cơm mới nay mai. Già làng Hạnh cho hay, ở xã có 13 dòng họ với hơn 100 hộ gia đình đồng loạt tổ chức lễ Ada. Lễ này tổ chức từng làng, từng xã và không có một ngày cố định, phụ thuộc vào việc thu hoạch mùa màng, có thể đầu tháng Chạp nhưng cũng đôi khi gần hết tháng, tức là cận Tết Nguyên đán. Khi hạt lúa trên rẫy đã được phơi khô, đóng vào bao trữ trong nhà thì các gia đình mới nghĩ đến việc tổ chức lễ.

“Theo phong tục truyền thống, cây lúa là đại diện cho tất cả các giống cây trồng bởi lúa đã cho bà con cái bụng được no ấm nên lễ vật dâng lên luôn có một đĩa cơm trắng được làm từ những hạt gạo ngon nhất. Đặc biệt, lễ Ada không thể thiếu những cành hoa tre màu trắng (tâng họt) được cắm trên mỗi lễ vật và các tấm vải zèng để cúng thần linh. Sau nghi lễ cầu nguyện, bà con dân bản cầm hoa tre ném lên mái nhà Moong để cầu mong năm mới bình an, đủ đầy lương thực”, già làng Hạnh chia sẻ.

Thông thường trước 2 ngày, con cháu chuẩn bị mọi thứ để Tết được tổ chức chu đáo. Tết cơm mới mang tính cộng đồng rất cao khi mọi người cùng góp các sản vật, nông sản về nhà trưởng họ làm lễ, chứ không làm lễ từng gia đình. Qua trao đổi với các già làng thì được biết thêm rằng, lễ hội Ada còn có ý nghĩa tiễn đưa năm cũ và đón chào năm mới. Trong không khí rộn rã, vui tươi, nam thanh nữ tú của các bản làng diện những bộ trang phục được thêu dệt hoa văn độc đáo, cùng nắm tay nhau hòa nhịp trong tiếng trống, tiếng khèn với các điệu múa đặc trưng, cầu nguyện cuộc sống bình an, sung túc, đủ đầy...

2. Sự “thay da đổi thịt” đang hiện diện ở vùng đất nghèo dọc tuyến biên giới dù mới trải qua một năm đầy biến động. Những ngày cuối năm, hoạt động giao thương kinh tế - xã hội tại A Lưới trở nên sôi động hơn. Hàng chục chuyến xe chở hàng hóa Tết từ những nơi khác đến để phục vụ nhu cầu của người dân làm cho không khí xuân thêm nhiều gam màu. Các điểm du lịch, homestay cũng rực rỡ sắc xuân để chào đón du khách.

a-luoi-2.jpg

Dịp cuối năm, huyện A Lưới thường xuyên tổ chức phiên chợ vùng cao chào đón Tết, tái hiện không gian đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào miền núi, với các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa của mảnh đất, con người nơi đây.

Tiếng trống, tiếng cồng chiêng rộn ràng vang lên, vọng cả núi rừng, xen lẫn những điệu múa truyền thống. Từ già đến trẻ, đông đảo thế hệ đều có mặt, tiếng reo hò và ánh mắt trên từng khuôn mặt thể hiện niềm vui đón Tết cổ truyền tràn ngập trong mỗi người dân. Đặc sắc nhất ở chợ Tết vùng cao này là những sản vật do chính bà con làm ra, như măng rừng khô, muối tiêu rừng, cá suối khô, mật ong rừng, thịt heo, bò một nắng, rượu, vải thổ cẩm zèng… Thật sự lạ lẫm, thú vị và cuốn hút.

Tại quảng trường huyện và khu đồi thông là những điểm có nhiều người dân đến chụp ảnh, vui chơi. Sáng, trưa, chiều, tối, các em nhỏ hớn hở, tươi cười khoe áo mới. Những tà áo dài truyền thống, áo dài của đồng bào thiểu số được người dân khoác lên để ghi lại cho mình những kỷ niệm đẹp cũng như toát lên niềm tự hào về trang phục của quê hương. A Lưới có một vườn đào rất độc đáo, đó là những cây đào được người dân TP. Huế và các vùng lân cận tặng lại sau mỗi dịp Tết cho vùng cao này. Và, cứ mỗi mùa xuân về, hoa lại khoe sắc.

3. Để chuẩn bị đón Tết, các chàng trai, cô gái Pa Cô, Tà Ôi... trong trang phục truyền thống đảm đương phần việc giã nếp với hạt mè để gói bánh A Jưh. Phía dưới nhà sàn, những người phụ nữ trong gia đình, dòng họ quây quần giúp nhau chuẩn bị gạo, nếp, lá rừng để gói bánh A Coát, bánh tròn (loại bánh truyền thống của đồng bào) và chuẩn bị các hương liệu, sản vật từ rừng để làm các món ẩm thực rất đa dạng, phong phú như thịt, cá đun ống nứa, cháo thập cẩm, cơm lam, lạp bò...

Qua bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị, hạt nếp thơm bọc trong tấm lá rừng trở thành những chiếc bánh với dáng hình ngọn núi, ngọn đồi, cùng các món ăn với hương vị rất đặc biệt, riêng có.

Ở A Lưới, hầu như gia đình Tà Ôi nào cũng biết làm rượu đoác. Rượu này có màu đục giống nước đậu nành, hương thơm nhè nhẹ và có bọt sủi lên giống như bia nhưng lại có mùi men đặc trưng, rượu uống vào mát rười rượi. Vì thế, ngày Tết cùng với những món ăn quen thuộc như cá suối, thịt nướng, cơm ống tre... thì rượu đoác trở thành một thức uống không thể thiếu của đồng bào nơi đây.

Ngoài ẩm thực, việc phô diễn trang phục, các điệu múa truyền thống, đánh cồng chiêng, thổi kèn... đã trở thành nét văn hóa đặc trưng trong mỗi dịp Tết đến xuân về của đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới và luôn được gìn giữ, phát huy cho các đời sau.

Sắc xuân A Lưới, tất cả đều nguyên sơ, mộc mạc nhưng sâu sắc và đi vào tâm can đến lạ. Nhâm nhi ly cà phê ở phố núi, tôi cảm nhận hương xuân nơi vùng cao không quá náo nhiệt kiểu thành thị mà có gì đó thật sự yên bình, gây thương nhớ. Với những ai ưa xê dịch thì hãy đến A Lưới dịp Tết để hít lấy hơi thở mới lạ, nếm trải không khí ngày xuân nơi vùng đất được mệnh danh là “Đà Lạt của Huế”.

Trong làn mưa xuân lất phất, dừng chân giữa chốn núi rừng, lòng người dường như lắng xuống, thời gian như chậm lại. Xuân A Lưới đẹp bình dị mà khiến lòng người rạo rực tình yêu cuộc sống, tình yêu thiên nhiên, đất nước. Đón xuân, đón tuổi mới bên bếp hồng ấm lửa, chợt bâng khuâng suy nghĩ về quá khứ, hiện tại và về tương lai với tràn trề những ước mơ, hoài bão, hy vọng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sắc Xuân A Lưới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO