Sa Pa – Lào Cai: Đón nhận Bằng chứng nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bích Hợp| 02/12/2020 12:03

(TN&MT) - Nghệ thuật trang trí trang phục của người Dao Sa Pa và Nghề làm Trống là 2 di sản văn hóa phi vật thể của Sa Pa vừa được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Với người Dao Sa Pa, trang phục quần áo luôn được đặc biệt coi trọng. Các cô gái người Dao nơi đây biết tới dệt thổ cẩm và trang trí quần áo từ khi còn rất nhỏ và còn sớm hơn cả cái chữ. Với mỗi trang phục đều thể hiện sự khéo léo, tỷ mỉ từng đường kim mũi chỉ của người phụ nữ. Mỗi khi tới các dịp tết tới xuân về hay hội xuân đầu năm, cưới xin, đi chợ mọi người sẽ chọn những bộ trang phục mới nhất, đẹp nhất để diện lên người tạo nên một bầu không khí ngập tràn sắc màu nơi đây.

Một bộ trang phục hoàn chỉnh của người Dao Sa Pa bao gồm: áo, quần, thắt lưng, xà cạp quấn chân và khăn quấn đầu. Về màu sắc sẽ được phối với 5 màu cơ bản. Các họa tiết phần tay áo, cổ, ngực, lưng áo của phụ nữ Dao sẽ đặc biệt chú trọng. Họ thường thêu bằng chỉ màu đỏ, vàng, trắng để thêm phần nổi bật. Chiếc quần cũng được thêu với kỹ thuật tỉ mỉ và đặc sắc.

Sa Pa - Lào Cai vinh dự đón nhận Bằng chứng nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Ở phần trên quần thường sẽ là màu đen không có gì đặc sắc nhưng phần dưới sẽ là những hoa văn trang trí hết sức đẹp lạ mắt tạo nên một sự cân đối hài hóa cho toàn bộ trang phục của người Dao.

Nghề làm trống là nét văn hóa lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, dòng họ người Dao ở Sa Pa. Theo phong tục, mỗi gia đình người Dao đều phải có bộ trống và khèn (gồm một trống và một khèn) để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa vào những ngày lễ tết, cưới hỏi, ma chay.

Trang trí quần áo nét độc đáo thể hiện sự khéo léo, tỷ mỉ của phụ nữ Dao Sa Pa

Người Dao làm trống chủ yếu bằng phương pháp thủ công nhưng lại khá công phu. Mặt trống được chọn lựa từ da bò, trâu, sơn dương nhưng phải có độ mỏng cần thiết, nếu da dày thì phải bào mỏng thêm mới có thể dùng được. Sau khi lấy da về, đặt lên gác bếp sấy dần. Sau khi thuộc da, phải phải lựa chọn kỹ càng gỗ để làm tang và nêm trống. Sau đó người thợ sẽ dùng các thanh gỗ nhỏ đã được vót đều gọi là nêm đóng chặt vào tang trống để kéo các sợi mây đan vào với nhau để cho da mặt trống căng ra mới có thể tạo ra âm thanh trầm bổng. Các thanh gỗ dăm như những cánh hoa nhỏ chính là nét độc đáo của trống người Dao so với một số loại trống của một số dân tộc khác.

Theo phong tục, mỗi gia đình người Dao đều phải có bộ trống và khèn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa vào những ngày lễ tết, cưới hỏi, ma chay

Với mục tiêu xây dựng, phát triển thị xã Sa Pa trở thành Khu du lịch quốc gia mang tầm cỡ quốc tế, Sa Pa đã và đang phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa dân tộc độc đáo để phát triển du lịch theo hướng bền vững, chuyên nghiệp, chất lượng và đặc sặc. Việc Sa Pa có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia sẽ góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thị xã Sa Pa nói chung và dân tộc Dao nói riêng. Đồng thời là dịp để quảng bá hình ảnh, con người, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến Sa Pa trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sa Pa – Lào Cai: Đón nhận Bằng chứng nhận 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO