Rút BHXH một lần, người lao động “lọt” khỏi lưới an sinh

Thuỳ Linh| 15/04/2022 20:54

Rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đồng nghĩa với việc người lao động ra khỏi hệ thống BHXH và tự tước đi quyền an sinh cơ bản của bản thân.

Thực tế rất đáng lo ngại

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2022 số người được giải quyết hưởng BHXH một lần là 208.943 người, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021.

Điều đó đồng nghĩa trong tương lai những người lao động này khi đến tuổi về hưu sẽ không có nguồn thu nhập hằng tháng từ lương hưu để bảo đảm cuộc sống và không được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi về già hoặc nếu có thì mức hưởng lương hưu rất thấp.

Câu chuyện rút BHXH một lần đã xảy ra nhiều năm nay. Đáng lưu ý, những ngày gần đây, nhiều công nhân ở TP HCM xếp hàng từ 4-5h sáng để chờ làm thủ tục rút BHXH một lần do nhiều cơ sở tại địa phương này quá tải. 

Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của quốc gia khi mà những năm tới dân số nước ta đang bắt đầu già hóa.

Tại lễ ký kết hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, phát triển thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhận định có 3 nguyên nhân khiến người lao động rút BHXH một lần ồ ạt.

Đó là: Đời sống của một số người lao động còn khó khăn do tác động của dịch COVID-19 khiến họ tạm tìm tới nguồn tài chính ban đầu để trang trải cuộc sống; chính sách tuyên truyền, phổ biến về BHXH chưa đầy đủ nên người dân quyết định “rút sổ”; một số cá nhân còn lợi dụng để mua, bán sổ BHXH. “Thực tế này sẽ tạo hệ lụy rất lớn về an sinh xã hội sau này”, Bộ trưởng Dung nói.

“Lợi trước mắt, hại lâu dài

Rõ ràng việc rút BHXH một lần có thể coi “lợi trước mắt, hại lâu dài”. “Khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành nêu rõ.

Nhiều tình huống so sánh đã được BHXH Việt Nam đưa ra để thấy người lao động nhận BHXH một lần thiệt thòi hơn rất nhiều so với nhận lương hưu hằng tháng. 

Ví dụ, bà Nguyễn Thị A năm 2022 đủ 55 tuổi 8 tháng, đến hết năm 2019 đã tham gia BHXH được 18 năm (từ năm 2002-2019). Giả định bà A thọ 76,3 tuổi. Nếu bà A nhận BHXH một lần thì có mức hưởng là 30 tháng lương. Theo đó, bà A không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ về an sinh xã hội; mất cơ hội tham gia BHYT 5 năm liên tục để được hưởng quyền lợi với các dịch vụ y tế kỹ thuật cao và thuốc đắt tiền; phải tự chi trả chi phí khám chữa bệnh nếu không may bị ốm đau, tai nạn trong thời gian chờ hưởng BHXH một lần (12 tháng); mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động…

Trong khi, nếu bà A đóng BHXH thêm 2 năm cho đủ 20 năm thì mức hưởng lương hưu bà A nhận được trong khoảng 20 năm 7 tháng là 135,85 tháng lương. Ngoài ra, bà còn được hưởng các quyền lợi như được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe; thân nhân được hưởng chế độ tử tuất khi bà qua đời…

Nhiều giải pháp giải bài toán khó

Vậy làm thế nào để người lao động tiếp tục tham gia BHXH? Theo các chuyên gia, đầu tiên phải tuyên truyền, phổ biến về lợi ích của việc tham gia BHXH để người lao động nhận thức được cái lợi, cái thiệt khi hưởng BHXH một lần. Khi người lao động có nhận thức về quyền lợi BHXH như hưu trí, tử tuất... thì sẽ tạo niềm tin, an tâm đóng BHXH.

Giải pháp nữa là cho người lao động vay lãi suất thấp. Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nhiều người lao động chỉ cần một khoản tiền không quá lớn để vượt qua khó khăn trước mắt. Vì vậy, cần có những tổ chức, đoàn thể cho người lao động vay vốn cho các nhu cầu thiết yếu với lãi suất thấp.

Cạnh đó là xử nghiêm các trường hợp lợi dụng lúc người lao động khó khăn để dụ dỗ, lôi kéo mua bán sổ BHXH. “Chúng ta sẽ nghiên cứu kiên quyết xử lý nghiêm tất cả các trường hợp trá hình nhằm trục lợi bảo hiểm xã hội, lợi dụng lúc khó khăn của công nhân”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh

Về mặt chính sách, pháp luật, thì tới đây cần sửa đổi Luật BHXH. Bộ trưởng Dung cho biết, các cơ quan sẽ phối hợp chặt chẽ để tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014; nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi Luật BHXH; tiếp tục tổng kết đánh giá Nghị quyết số 93 của Quốc hội khóa XIII về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH một lần với người lao động… 

Dự kiến Luật BHXH sẽ được sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nhấn mạnh, khi sửa đổi Luật BHXH cần phải xem xét quy định về hưởng BHXH 1 lần thật thấu đáo; nghiên cứu làm sao tạo cơ hội thuận lợi cho người đã hưởng BHXH một lần có cơ hội được quay trở lại đóng bù cho thời gian đã hưởng trước đó; nghiên cứu quy định làm sao để giảm thiểu các trường hợp hưởng BHXH 1 lần.

Việc sửa đổi theo tinh thần này góp phần giúp người lao động có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu để bảo đảm an sinh xã hội bền vững cho người lao động.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rút BHXH một lần, người lao động “lọt” khỏi lưới an sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO