Rừng Di sản Thế giới thải ra nhiều carbon hơn do hoạt động của con người

Mai Đan - Tổng hợp từ UN News| 04/11/2021 10:00

(TN&MT) - Theo một Báo cáo được công bố mới đây của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO), Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), rừng ở ít nhất 10 Di sản Thế giới đã trở thành nơi phát thải ròng khí carbon do áp lực từ hoạt động của con người và biến đổi khí hậu.

Phân tích mới cho thấy, một số khu rừng quý giá nhất trên thế giới đang làm tăng thêm lượng khí thải CO2 tổng thể. Đây là đánh giá khoa học đầu tiên về phát thải khí nhà kính trong các khu rừng nằm trong danh sách Di sản Thế giới của UNESCO.

Theo đó, Báo cáo đã phát hiện ra rằng, kể từ đầu thiên niên kỷ, một số khu rừng như Vườn Quốc gia Yosemite ở Mỹ và Khu Dự trữ sinh quyển Rio Platano ở Honduras đã thải ra khí carbon nhiều hơn là hấp thụ do cháy rừng, phá rừng và sự nóng lên toàn cầu.

Báo động phát thải ròng khí carbon ở 10 khu rừng

Theo các nhà nghiên cứu, các khu rừng Di sản Thế giới đã hấp thụ khoảng 190 triệu tấn CO2 trong khí quyển mỗi năm, tương đương 1/2 lượng khí thải hằng năm từ nhiên liệu hóa thạch ở Anh. Về tổng thể, khoảng 257 khu rừng Di sản Thế giới trên toàn cầu, với tổng diện tích 69 triệu ha đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.

Rừng ở ít nhất 10 Di sản Thế giới đã trở thành nơi phát thải ròng khí carbon.

Ngoài việc hấp thụ CO2 từ bầu khí quyển, các khu rừng trên còn tích trữ một lượng carbon đáng kể. Theo báo cáo, sự hấp thụ carbon của những khu rừng này trong thời gian dài đã dẫn đến tổng lượng carbon dự trữ khoảng 13 tỷ tấn, nhiều hơn lượng carbon trong trữ lượng dầu của Kuwait.

Báo cáo đã cho thấy bức tranh chi tiết nhất cho đến nay về vai trò quan trọng của rừng ở các khu Di sản Thế giới trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, đồng thời chỉ rõ việc bảo vệ một cách bền vững và mạnh mẽ các khu vực đó và cảnh quan xung quanh có thể góp phần tạo ra các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học.

Tuy vậy, theo UNESCO, 10 trong số 257 khu rừng được khảo sát đang cho thấy tình trạng dư thừa carbon từ năm 2001 - 2020 do hoạt động của con người. Do các khu rừng này được đánh giá cao và được bảo vệ nên tình trạng trên rất đáng báo động.

Đáng chú ý, tại một số khu rừng, việc khai phá đất để trồng trọt gây ra tình trạng thải khí carbon nhiều hơn là hấp thụ. Quy mô và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng của các vụ cháy rừng, thường liên quan đến các thời kỳ hạn hán nghiêm trọng, cũng là một nhân tố chủ yếu gây ra tình trạng trên. Ngoài ra, hiện tượng thời tiết cực đoan khác như bão cũng góp phần khiến tình hình nghiêm trọng hơn.

Ông Tales Carvalho Resende, đồng tác giả Báo cáo cho hay, nghiên cứu trên cung cấp bằng chứng về mức độ nghiêm trọng của tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Cải thiện việc ra quyết định

Báo cáo của UNESCO, WRI và IUCN cho thấy, việc kết hợp dữ liệu vệ tinh với thông tin trên mặt đất có thể cải thiện việc ra quyết định của địa phương và tăng cường trách nhiệm giải trình, từ đó giúp ích cho rừng, khí hậu và con người.

Theo UNESCO, trong những năm tới, quá trình thu giữ carbon đang diễn ra và bể chứa carbon có thể sẽ bị ảnh hưởng tại một số khu rừng trên toàn thế giới, do cảnh quan ngày càng bị chia cắt và suy thoái, cũng như các hiện tượng liên quan đến khí hậu diễn ra thường xuyên và khốc liệt hơn.

Để giải quyết vấn đề này, Báo cáo kêu gọi tăng cường bảo vệ bền vững các Di sản Thế giới được UNESCO công nhận và các cảnh quan xung quanh đó để đảm bảo các khu rừng có thể tiếp tục hoạt động như một bể chứa và tăng cường lưu trữ carbon cho các thế hệ tương lai.

Để đạt được điều này, Báo cáo khuyến nghị triển khai các giải pháp ứng phó với các sự kiện liên quan đến khí hậu khẩn cấp hơn, cũng như duy trì và tăng cường kết nối sinh thái thông qua cải thiện quản lý cảnh quan rừng. Chẳng hạn, ở Indonesia, các cơ quan thuộc Chính phủ đã sử dụng hệ thống báo cháy gần thời gian thực để giảm đáng kể thời gian phản hồi trung bình của họ, giúp phản ứng nhanh hơn với cháy rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rừng Di sản Thế giới thải ra nhiều carbon hơn do hoạt động của con người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO