Rộn ràng sắc màu các dân tộc đón Tết Độc lập

Nguyễn Nga | 02/09/2022, 10:11

(TN&MT) - Chào mừng 77 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch đặc sắc, thu hút đông đảo nhân dân trên địa bàn và du khách tham quan.

Tiết trời những ngày nay khá mát mẻ, thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động. Ngay từ sáng sớm, từng dòng người trên khắp các nẻo đường của huyện Mộc Châu háo hức đổ về trung tâm thị trấn Mộc Châu để tham gia các hoạt động cùng các diễn viên, nghệ nhân quần chúng đến từ các xã, bản trong huyện Mộc Châu.

Điểm nhấn của Ngày hội năm nay là chương trình nghệ thuật tối 1/9, với chủ đề "Tiếng gọi mùa yêu".

...với sự tham gia của gần 200 ca sỹ, diễn viên, nghệ thuật quần chúng, gồm 3 phần: Mời gọi, hẹn ước và hội xòe đoàn kết.

Sau 2 năm gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu 2022 được tổ chức từ ngày 28/8 đến nay, với không gian lễ hội đặc sắc, các hoạt động văn hóa độc đáo.

Hoạt động văn hóa cộng đồng đường phố có sự biểu diễn của hơn 160 nghệ nhân, diễn viên quần chúng các dân tộc: Thái, Dao, Mường, Mông... cuốn hút đông đảo người dân và du khách đến xem, tham gia trải nghiệm.

Ở nội dung thi trại văn hóa có 15 trại của các xã, thị trấn tham gia. Mỗi xã, thị trấn giới thiệu 1 trại văn hóa đặc trưng của địa phương, các dân tộc trên địa bàn huyện Mộc Châu, gồm: Trưng bày giới thiệu, không gian tín ngưỡng, trang phục, trang sức, công cụ lao động, sản xuất, nghề thủ công truyền thống và giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc sản của địa phương.

Khu vực trại văn hóa của Đội thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu.

Phần thi trình bày, giới thiệu ẩm thực dân tộc, mỗi xã, thị trấn chuẩn bị 1 mâm cơm là các món ăn dân tộc mang đặc trưng riêng của các dân tộc trên địa bàn. Các món ăn độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh như: Cá suối nướng, gà nướng, gà mọ, xôi ngũ sắc...

Cùng với đó, Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Mộc Châu còn có hoạt động thi giã bánh dày, các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân và du khách tham quan, trải nghiệm.

Tại huyện Thuận Châu, Phiên chợ vùng cao Co Mạ năm 2022 được tổ chức với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian truyền thống, như: Thi giã bánh dày, giao lưu văn nghệ, bịt mắt bắt vịt … và không thể thiếu cuộc thi truyền thống tu lu, bắn nỏ, bóng chuyền, thi thêu khăn.

Phiên chợ vùng cao Co Mạ là hoạt động được tổ chức thường niên, tuy nhiên, 2 năm vừa qua bị gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19. Vào dịp này, đồng bào dân tộc Mông ở các xã vùng cao huyện Thuận Châu sẽ tạm gác lại việc nương rẫy, đồng áng, cùng nhau xuống trung tâm xã Co Mạ để gặp gỡ, giao lưu đón Tết Độc lập.

Tái hiện khâu bông mũ đội đầu của đồng bào dân tộc Mông vùng cao Thuận Châu, nhằm lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo riêng chỉ có ở các xã vùng cao của huyện Thuận Châu.

Phiên chợ còn có các gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản địa phương, như: Quả sơn tra, khoai sọ, dưa mèo, dứa, rượu ngô, gà đèn do chính đồng bào dân tộc tại các xã vùng cao của huyện Thuận Châu chế biến và có gần 40 gian hàng bày bán các đồ gia dụng, thổ cẩm, trang phục dân tộc…

Phiên chợ là dịp để người dân các xã vùng cao đến giao lưu văn hóa, thể thao, gặp gỡ chia sẻ những kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống. Đồng thời, giới thiệu các sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương đến với du khách gần xa, góp phần quảng bá hình ảnh và thúc đẩy phát triển sản xuất, du lịch trên địa bàn.

Bài liên quan
  • Vui Tết Độc lập trên cao nguyên Mộc Châu
    (TN&MT) - Đã thành thông lệ, ngày 2/9 hằng năm, đồng bào dân tộc Mông cùng bà con các dân tộc khác ở khắp nơi đều tập trung về Trung tâm huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La để vui Tết Độc lập, cùng gặp gỡ, vui chơi, mua sắm và tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Tết Độc lập là ngày hội lớn, có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần đồng bào các dân tộc trong và ngoài tỉnh Sơn La.

(0) Bình luận
Nổi bật
Người Dao Thanh Phán phát triển du lịch tại Bình Liêu, Quảng Ninh
(TN&MT) - Bình Liêu là huyện biên giới ở phía Đông tỉnh Quảng Ninh, có gần 50 km đường biên giới với Trung Quốc. Nơi đây có tới gần 96% đồng bào là dân tộc thiểu số, chủ yếu là Tày, Dao, Sán Chỉ, Hoa… Trong đó người Dao Thanh Phán đông thứ 3 sau Tày và Sán Chỉ.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO