Rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển tiếp tục xảy ra đến tháng 2

Khải Minh| 06/01/2021 10:05

(TN&MT) - Các đợt rét đậm, rét hại, gió mạnh trên biển tiếp tục xảy ra từ nay đến tháng 2/2021 và có khả năng kéo dài từ 7 - 10 ngày. Nhiệt độ giảm sâu, gây ra băng giá, mưa tuyết ở vùng núi cao; gió mạnh trên biển kết hợp triều cường nguy cơ tiếp tục gây sạt lở tại các tỉnh ven biển.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ ngày 7 - 12/1, một đợt không khí lạnh mạnh ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ; ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh xảy ra rét đậm, rét hại, nhất là tại các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, vùng núi cao có nơi dưới 0 độ và có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá.

Vùng núi cao Bắc Bộ có khả năng xảy ra mưa tuyết, băng giá

Trong khi đó, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển Trung Bộ, Nam Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3 - 5m; khu vực Bắc và giữa Biển Đông gió cấp 7, cấp 8, giật cấp 10, biển động mạnh, sóng biển cao từ 5 - 7m; gió mạnh trùng với kỳ triều cường tại các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ (Trung Bộ từ ngày 10 - 12/1, Nam Bộ từ ngày 7 - 15/1).

Ngoài ra, trong những ngày vừa qua, gió mạnh, sóng lớn kết hợp triều cường đã gây sạt lở bờ biển các tỉnh Bình Thuận, Phú Yên và một số địa phương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Các đợt rét đậm, rét hại, gió mạnh trên biển tiếp tục xảy ra từ nay đến tháng 2/2021 và có khả năng kéo dài từ 7 - 10 ngày; nhiệt độ giảm sâu, gây ra băng giá, mưa tuyết ở vùng núi cao; gió mạnh trên biển kết hợp triều cường nguy cơ tiếp tục gây sạt lở tại các tỉnh ven biển.

Để chủ động ứng phó với các đợt thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai vừa ban hành Công văn số 01/TWPCTT về việc ứng phó với không khí lạnh, rét đậm, rét hại, gió mùa Đông Bắc và sạt lở bờ biển. Theo đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao biết, chủ động phòng chống.

Đồng thời, tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người già, trẻ nhỏ, học sinh, nhất là tại các trường nội trú như: hạn chế hoạt động dưới trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín; che chắn, giữ ấm cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất, chú trọng đàn đại gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Căn cứ tình hình thời tiết cụ thể tại địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và TKCN các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ cần thành lập các đoàn công tác với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn về cơ sở kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho người, vật nuôi, cây trồng, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kỹ thuật kết hợp với kinh nghiệm truyền thống của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, chủ động bố trí ngân sách địa phương, Quỹ phòng, chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống; triển khai lực lượng xung kích tại cơ sở, hỗ trợ vật tư, kinh phí để giúp nhân dân nhất là gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc, các hộ nghèo triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, giảm thiểu thiệt hại như: gia cố, che chắn vệ sinh chuồng trại; di chuyển, tập trung các đàn đại gia súc chăn thả tự do đến nơi tránh rét; chuẩn bị, dự trữ thức ăn, vắc xin phòng bệnh,...

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN đề nghị, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển thông báo, hướng dẫn cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết diễn biến của gió mạnh trên biển để phòng tránh, di chuyển vào bờ hoặc tránh trú tại các khu vực an toàn và chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Duy trì thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện và thuyền trưởng các tàu, thuyền; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Tổ chức kiểm tra và triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các khu dân cư, công trình ven biển, nhất là các công trình đang thi công hoặc đã bị sự cố trong các trận bão, mưa lũ tháng 10 - 11/2020 nhưng chưa được khắc phục.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về việc thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi, thủy sản và cây trồng; xây dựng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện và diễn biến thời tiết.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cung cấp các bản tin dự báo phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của rét đậm, rét hại, sạt lở và gió mạnh, sóng lớn trên biển trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Các Bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo công tác phòng, chống, đảm bảo đời sống người dân, an toàn sản xuất theo chức năng quản lý Nhà nước và nhiệm vụ được giao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rét đậm, rét hại và gió mạnh trên biển tiếp tục xảy ra đến tháng 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO