Rễ hương - Cây thoát nghèo trên vùng đất khó

Bài và ảnh: Đình Tiệp | 22/07/2021, 18:52

(TN&MT) - Một trong những nguyên liệu tạo nên thương hiệu của hương trầm Quỳ Châu là cây rễ hương được trồng ngay tại địa phương này. Từ nhiều năm nay, diện tích loại cây rễ hương không ngừng được mở rộng, cho năng suất cao, tạo thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con vùng cao.

Hiệu quả từ một mô hình

Hàng năm, nhu cầu thị trường sản xuất hương trầm cần đến hàng trăm tấn rễ hương tươi. Qua kiểm nghiệm cho thấy, rễ hương sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên ở huyện miền núi Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) hương vị tốt hơn so với rễ hương nhập từ nơi khác. Tuy nhiên, do việc khai thác bừa bãi nên nguồn rễ hương tự nhiên ngày càng cạn kiệt.

Từ thực tế trên, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Quỳ Châu (nay là Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quỳ Châu) đã xây dựng đề tài: "Hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cây rễ hương dưới tán cây rừng tại huyện Quỳ Châu" nhằm góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp và phát triển nghề sản xuất hương trầm ở Quỳ Châu.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quỳ Châu đang kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật trồng cây rễ hương của người dân.

Sau 18 tháng trồng thử nghiệm, mô hình đã mang lại kết quả khả quan. Trung bình mỗi ha rễ hương trồng dưới tán cây rừng với mật độ 3.000 khóm sẽ cho 4.500 kg rễ hương tươi/vụ, nếu bán với giá 15.000 đồng/kg và trừ chi phí sẽ cho lãi ròng gần 50 triệu đồng.

Mô hình không chỉ cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề hương trầm ở Quỳ Châu mà còn góp phần giải quyết việc làm, hạn chế nạn phá rừng. Cây rễ hương với đặc điểm sinh học là bộ rễ ăn nông và hẹp cộng thêm thân thảo nên có tác dụng chống xói mòn, rửa trôi bề mặt đất, đồng thời duy trì độ ẩm cho đất so với rừng chỉ một tầng che phủ...

Không ngừng mở rộng diện tích

Đến nay, trên địa bàn huyện Quỳ Châu có gần 100 ha diện tích trồng cây rễ hương. Nhiều nhất có thể kể đến như xã Châu Thuận khoảng 20 ha; Châu Hoàn khoảng 15 ha; các xã như Châu Hội, Châu Hạnh, Châu Bình, Châu Bính, thị trấn Tân Lạc mỗi địa phương có khoảng 10 ha; ngoài ra, còn có một số diện tích ở các xã khác như Châu Phong, Châu Nga…

Thu hoạch rễ hương.

Anh Lang Anh Minh, ở xã Châu Hội, phấn khởi nói: “Gia đình tôi trồng gần 2 ha cây rễ hương, sau một năm cho thu hoạch, trừ chi phí đầu tư giống, phân bón, lãi cũng được trên 100 triệu đồng. Hiện nay, xã đã có nhiều hộ chuyên trồng cây rễ hương để bán cho nhu cầu làm hương trầm ở huyện, ngoài ra còn xuất đi các huyện trong tỉnh và các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh... Nhờ cây rễ hương, người dân chúng tôi đã thoát nghèo, nhiều gia đình đã có của ăn, của để”.

Hiện nay, nhu cầu về nguyên liệu để làm hương từ cây rễ hương trên thị trường là rất lớn và ngày càng tăng. Vì thế, nhiều hộ dân đã tận dụng đất trống, đồi núi trọc, cằn cỗi để cải tạo, trồng cây rễ hương. Chi phí đầu tư thấp, yêu cầu kỹ thuật không cao, khả năng chịu hạn tốt nên bà con dễ dàng trồng loại cây này trên quy mô rộng.

Được biết, hiện nay trên địa bàn một số xã ở huyện Quỳ Châu, cây rễ hương trở thành cây chủ lực trong cơ cấu phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, để duy trì và nhân rộng việc phát triển theo hướng bền vững cây rễ hương thì còn nhiều vấn đề cần quan tâm.

Người dân đang trồng rễ hương tại xã Châu Hội.

Trước mắt, việc quan tâm đến kỹ thuật trồng, chăm sóc đối với loại cây này cần được sự hướng dẫn kịp thời của ngành nông nghiệp các cấp. Với việc nhân rộng đại trà trên diện tích lớn nên người dân cần tuân thủ các giải pháp kỹ thuật, tránh nguy cơ dịch bệnh trên cây trồng xảy ra. Ngoài ra, phải hướng dẫn cho bà con phương pháp xen canh hoặc hoán đổi cây trồng cho phù hợp để tránh thoái hóa đất.

Ông Hà Văn Khương - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quỳ Châu cho biết: Trồng cây rễ hương thực sự đã đem lại thu nhập cho người dân khá cao so với trồng các loại cây khác. Tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, đảm bảo ổn định và từng bước nâng cao đời sống cho bàn con nhân dân vùng cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
  • Yên Bái: Hơn 50% diện tích có nguy cơ trượt lở đất đá nguy hiểm
    Hơn 70% số xã với hơn 50% tổng diện tích tỉnh Yên Báo có nguy cơ trượt lở đất đá ở mức cao và rất cao. Việc đánh giá hiện trạng và xây dựng được bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai.
  • Triển khai phân loại rác thải tại nguồn tới từng thôn, bản
    (TN&MT) - Triển khai phân loại rác thải tại nguồn nhằm tiến tới xử lý rác theo hướng tuần hoàn, giảm chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế là định hướng quản lý chất thải rắn vùng nông thôn ở huyện miền núi Yên Bình (Yên Bái).
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO