Rằm tháng Giêng: Phóng sinh đúng cách giúp bảo vệ hệ sinh thái

Khánh Ly | 04/02/2023, 18:12

(TN&MT) - Để nghi lễ phóng sinh vào mỗi dịp rằm tháng Giêng mang đúng ý nghĩa, phật tử cần nâng cao hiểu biết về các loài vật có nguy cơ làm tổn hại môi trường, các loài vật được khuyến khích thả phóng sinh phù hợp với hệ sinh thái tại địa phương và chú ý dọn dẹp vệ sinh sau khi thả.

Phóng sinh bị biến tướng

Phóng sinh là một nghi lễ truyền thống của Phật giáo, chỉ về cách thực hành để cứu giúp các loài sinh vật khỏi bị giết hại hay giam nhốt. Việc làm này càng có ý nghĩa ngày Rằm tháng Giêng – một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. “Cứu thả các sinh mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn” - là lời dạy trong kinh Dược Sư Lưu Ly bổn nguyện công đức. Người phóng sinh tu phước, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp các tai nạn và được thêm thọ mạng.

Theo quan điểm của nhà Phật, dù cho việc phóng sinh là tình cờ hay có chủ ý trước cũng đều xuất phát từ lòng từ bi, mục đích là ban tặng sự sống cho các loài vật sắp bị mất mạng. Nên phóng sinh là phải nhanh chóng đưa những con vật thoát khỏi cái chết và trở về với môi trường sống của chúng một cách an toàn mà không cần phải câu nệ hình thức. Bởi lẽ việc chờ đợi sẽ khiến các sinh vật kéo dài nỗi sợ hãi, bất an vì bị giam cầm. Thậm chí, nhiều người mua sinh vật về, chưa kịp phóng sinh thì chúng đã mất mạng, vô tình gây ra thêm tội lỗi.

phong-sinh-ca.-anh-minh-hoa.jpg
Việc phóng sinh cần đảm bảo vừa giữ gìn được các giá trị tín ngưỡng văn hóa, vừa bảo vệ hệ sinh thái

Ở góc độ môi trường, việc phóng sinh đóng góp cho công cuộc tái tạo tự nhiên, khi sinh vật được thả trở về môi trường sống và tiếp tục sinh sôi, nảy nở. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi sinh vật được thả đúng cách, đúng môi trường sinh sống phù hợp và đảm bảo cân bằng sinh thái khu vực đó.

Thực tế, đã có rất nhiều cảnh báo về việc phóng sinh một cách bừa bãi chính là tác nhân phát tán của các loài ngoại lai có hai vào môi trường bản địa như rùa tai đỏ, cá hải tượng, rùa cá sấu… Nhiều loài rùa như rùa núi viền, rùa núi vàng thường bị phóng sinh xuống ao chùa, nhưng trên thực tế chúng không thể sống hoặc ở lâu trong môi trường nước. Hầu hết chúng sẽ chết sau vài ngày hoặc một tuần sau khi được thả xuống ao.

Nhu cầu mua các loài vật nhỏ như cá, chim, rùa để phóng sinh cao khiến đây trở thành một loại hình kinh doanh sôi động mỗi dịp lễ Tết. Các sinh vật bị rơi vào vòng luẩn quẩn bắt rồi thả, rồi lại bị bắt khiến việc phóng sinh không còn ý nghĩa như mong muốn. Bởi vậy, khi phóng sinh không phải là cứ tiện tay thả cho xong việc cần phải có chú ý đến sự an toàn của các loài phóng sinh. Người dân và phật tử nên thả động vật ở những nơi sông to, hồ lớn có nước sạch, không gian quang đãng, vắng người, không nên thả vào những nơi người ta thường săn bắt. Khi thả cần nhẹ nhàng giúp sinh vật từ từ làm quen với môi trường mới, tránh quăng, vứt mạnh hay thả cá còn nguyên trong túi ni-lông.

Bảo vệ, tái tạo tự nhiên

Theo Thượng tọa Thích Minh Quang, Phó Chánh Văn phòng 1 TWGHPGVN, Trưởng ban trị sự GHPGVN tỉnh Ninh Bình, nếu không thể phóng sinh đúng cách, đúng ý nghĩa hộ sinh thì không phóng sinh sẽ tốt hơn, chỉ cần "tâm an vạn sự an, tâm bình thế giới bình". Thay vì phóng sinh hãy hồi sinh, bảo vệ mạng sống các loài sinh vật.

Theo Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2021-2025 của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng với Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), hai bên sẽ tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên trong các đợt phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản, tổ chức các địa điểm tập trung thả phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản để người dân thực hành; kết hợp công tác tuần tra, xử lý các hành vi vi phạm trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau khi thả giống phóng sinh các loài thủy sản.

Hằng năm, các đạo tràng, các tự viện, các cơ sở tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng sẽ thống kê, báo cáo số lượng, khối lượng, giống loài thủy sản được thả phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản. Các địa phương sẽ xây dựng, ban hành hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền về kỹ thuật, địa điểm thả, loài thủy sản khuyến khích thả giống phóng sinh phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương để Giáo hội, tăng ni, phật tử và người dân thực hành trên địa bàn quản lý.

Các Phật tử cũng như người dân mong muốn phóng sinh có thể tham khảo hướng dẫn từ các cơ sở thờ tự, Giáo hội Phật giáo của Trung ương và địa phương để thực hành cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần lựa chọn các loài sinh vật phù hợp với hệ sinh thái xung quanh, có thể làm tăng giá trị đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen bản địa, quý hiếm, giúp cân bằng hệ sinh thái… Qua đó, vừa giữ gìn được các giá trị tín ngưỡng văn hóa, vừa phát huy vai trò của Phật giáo trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và lan tỏa các giá trị nhân văn tích cực.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Phật giáo Đà Nẵng bảo vệ môi trường
Triết lý Phật giáo có nhiều răn dạy phật tử về sống hài hòa với tự nhiên, sống tiết kiệm, trân quý sinh vật sống rất phù hợp với lối sống xanh, bảo vệ môi trường hiện nay. Một nghiên cứu khảo sát của PGS.TS Lưu Quý Khương (Đại học Đà Nẵng) đã cho thấy, Phật giáo đóng vai trò tích cực trong tuyên truyền cũng như thực hành các hoạt động môi trường tại cộng đồng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO