Quyết tâm xử lý dự án bất động sản “treo”

Thùy Linh| 29/11/2022 09:36

(TN&MT) - Bộ TN&MT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ.

Hà Nội - 700 dự án chờ xử lý

Theo báo cáo của TP. Hà Nội, trên địa bàn có khoảng 700 dự án bất động sản (BĐS) treo (tổng diện tích 5.000ha) cần rà soát, xử lý. Trong đó, nhiều dự án đầu tư dang dở, chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài, gây lãng phí hàng trăm nghìn tỷ đồng của Nhà nước, lãng phí nguồn lực từ đất đai, gây mất mỹ quan đô thị.

Đơn cử, chỉ tính riêng huyện Mê Linh, có gần 50 dự án đang đắp chiếu. Theo ghi nhận của phóng viên, dự án khu đô thị V.T (Mê Linh) có diện tích 32ha, chủ đầu tư dự án đã chuẩn bị mọi nguồn lực từ máy móc, vật liệu, sắt thép… để làm hạ tầng toàn bộ dự án. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua, doanh nghiệp không thể triển khai do vướng điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Năm 2015, quy hoạch chung mới được thông qua, doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch 1/500 cho dự án.

mot-trong-cac-khu-do-thi-hoang-tai-me-linh.png
Một trong các khu đô thị bị bỏ hoang tại Mê Linh (Hà Nội).

Anh N.V.T - chủ đầu tư dự án cho biết, huyện Mê Linh đang yêu cầu các doanh nghiệp phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng nhà trẻ, mẫu giáo để người dân về ở. Thế nhưng, các cơ quan chức năng chưa phê duyệt xong thủ tục, doanh nghiệp không thể triển khai.

“Hiện tại, nhiều dự án BĐS tại Mê Linh đang bị yêu cầu tính lại tiền sử dụng đất theo quy định của thành phố Hà Nội thay vì theo quy định của tỉnh Vĩnh Phúc như trước đây. Việc này đã gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp. Thêm vào đó, có dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, giải phóng xong mặt bằng nhưng do Nhà nước thiếu đất dịch vụ nên khi doanh nghiệp mang máy móc vào triển khai thì bị người dân phản đối dẫn đến tiến độ bị chậm trễ” - vị này cho biết.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, nguyên nhân chậm chễ của các dự án là do huyện Mê Linh sáp nhập về Hà Nội phải điều chỉnh quy hoạch. Mặc dù năm 2008, Mê Linh chính thức về Hà Nội, tuy nhiên, tới tận cuối năm 2014, các quy hoạch phân khu và chi tiết mới hoàn chỉnh. Do vậy, từ năm 2008 - 2014, các doanh nghiệp phải dừng chờ điều chỉnh quy hoạch, kể cả doanh nghiệp đã được TP. Hà Nội cho triển khai cũng phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Năm 2015, quy hoạch khung được phê duyệt, các doanh nghiệp bắt đầu điều chỉnh quy hoạch chi tiết. Từ đó đến nay, các doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Chính phủ đã lập Đề án tập trung xử lý tại 4 thành phố có khoảng 2.000 dự án chậm tiến độ. Từ đó sẽ đưa ra các phương án để xử lý, đề xuất các cấp có thẩm quyền giải quyết trong thời gian tới.

Cần giải pháp mạnh tay

Việc hàng trăm dự án chậm triển khai, bỏ hoang, trong đó có những dự án ở ngay vị trí trung tâm Hà Nội đã để lại nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Ngoài những nguyên nhân khách quan về quy hoạch, pháp luật, theo quy định hiện nay, nếu chủ đầu tư dự án không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất, thì sẽ được gia hạn sử dụng thêm 24 tháng. Sau thời gian đó, dự án sẽ bị xem xét thu hồi.

Thế nhưng trên thực tế, các chủ đầu tư không thiếu cách để trốn tránh việc thu hồi như xin điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thời gian đắp chiếu dự án. Do đó, việc thu hồi được hay không nằm rất nhiều ở sự kiên quyết của chính quyền địa phương. Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế đã kiến nghị, cần đưa ra các chế tài mạnh tay như đánh thuế, thu hồi dự án…

Ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS cho rằng, trường hợp khu đô thị bỏ hoang vì hạ tầng yếu kém, không đúng tiến độ, xuất phát do chủ đầu tư, hay do quy hoạch, lúc này phải quy trách nhiệm của các chủ thể tham gia. "Nếu chưa đảm bảo hệ thống kết nối thì không được phép đưa dự án đó vào sử dụng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, Nhà nước cũng phải có chế tài, người dân cũng phải có chế tài, chủ dự án cũng phải có chế tài. Tất cả sẽ tạo ra sự đồng bộ", Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Nguyễn Văn Đính cho hay.

Để đưa đất vào khai thác hiệu quả, Hiệp hội BĐS TP.HCM kiến nghị, cần đánh thuế thật cao đối với các khu đất, dự án bỏ hoang để chủ đầu tư không thể “ôm”, phải xoay nguồn vốn để đầu tư hoặc chuyển nhượng cho đơn vị khác có năng lực; Không thể hành chính hóa mà nên dùng công cụ thuế để triệt tiêu ý chí đầu cơ, găm giữ đất đai. Về dài hạn, phải thay đổi quan điểm về tiền sử dụng đất, cần coi đây là một sắc thuế. Như vậy, vừa minh bạch, vừa dễ tính toán và loại trừ được cơ chế xin - cho, đồng thời, hạn chế việc thu tiền sử dụng đất lần đầu quá lớn mà duy trì nguồn thu bền vững, lâu dài cho Nhà nước.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, phạt, đánh thuế, thu hồi dự án, quy trách nhiệm không chỉ với chủ đầu tư, mà cả với cơ quan quản lý để xử lý dự án treo…, các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng dự án treo để nguồn lực đất đai không bị lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội đã được các cơ quan của Chính phủ đưa ra nhất là với các thành phố lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm xử lý dự án bất động sản “treo”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO