Quyết sách lớn để thích ứng với biến đổi khí hậu

Cục Biến đổi khí hậu| 10/08/2020 17:16

(TN&MT) - Ngày 20/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1055/QĐ-TTg.

Đây là cơ sở để Việt Nam sử dụng hiệu quả nguồn lực, tăng cường khả năng quản lý, điều phối về tài chính và kỹ thuật, thúc đẩy quá trình tham gia của cộng đồng, khối doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Tập trung giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì xây dựng Kế hoạch; quá trình xây dựng có sự tham gia đại diện của Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan, bao gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Giao thông Vận tải, đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu về biến đổi khí hậu của Việt Nam và quốc tế, ý kiến đề xuất của các địa phương trong cả nước. Kế hoạch được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm xây dựng Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu của một số nước như Thái Lan, Colombia, Nhật Bản, Nepal, Phi-líp-pin…

Các quan điểm về thích ứng với biến đổi khí hậu của Việt Nam bao gồm: Yêu cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai có vị trí quan trọng trong các quyết định phát triển; Nội dung thích ứng với biến đổi khí hậu phải được lồng ghép trong các chính sách, hệ thống chiến lược, quy hoạch có liên quan;  Thích ứng với biến đổi khí hậu phải gắn với phát triển bền vững, tăng cường khả năng chống chịu của hệ thống tự nhiên và xã hội và tận dụng các cơ hội do biến đổi khí hậu mang lại; Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu chung nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch kèm theo 3 mục tiêu cụ thể: Nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về biến đổi khí hậu, trong đó có hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch. Tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua việc đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu. Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu.

Các nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm

Trong Kế hoạch, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đề ra phân theo 3 nhóm tương ứng với 3 mục tiêu cụ thể, tập trung vào 7 nhóm, lĩnh vực: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước và nguồn lực (23 nhiệm vụ); Nông nghiệp (43 nhiệm vụ); Phòng chống thiên tai (26 nhiệm vụ); Môi trường và đa dạng sinh học (10 nhiệm vụ); Tài nguyên nước (17 nhiệm vụ); Cơ sở hạ tầng (25 nhiệm vụ); Các lĩnh vực khác (sức khỏe cộng đồng, lao động - xã hội, văn hóa - thể thao - du lịch) (19 nhiệm vụ). Các lĩnh vực được lựa chọn và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên căn cứ vào mức độ tác động của biến đổi khí hậu và mục tiêu của kế hoạch thích ứng quốc gia; không phân chia nhiệm vụ theo Bộ, ngành để tránh sự trùng lặp, chồng lấn trong các lĩnh vực.

3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng bảo đảm thực hiện Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31/10/2016 của Chính phủ phê duyệt Thỏa thuận Paris được nêu trong nội dung Kế hoạch là:

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường quản lý Nhà nước, thúc đẩy lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch, bao gồm các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể được đề ra: Rà soát, cập nhật và xây dựng mới các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu và đánh giá tác động của biến đổi khí hậu; Thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch; Giám sát và đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm việc ban hành các bộ tiêu chí đánh giá rủi ro khí hậu, xác định các dự án, nhiệm vụ, đánh giá hiệu quả của các hoạt động, thiết lập và vận hành hệ thống giám sát và đánh giá; Thúc đẩy các hành động thích ứng mang lại đồng lợi ích về đảm bảo phòng chống thiên tai, giảm nhẹ rủi ro do biến đổi khí hậu và hiệu quả về kinh tế, xã hội, môi trường; Định kỳ cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, xây dựng các kịch bản về tác động, tổn thất và thiệt hại, thiết lập và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia và công cụ hỗ trợ công tác quản lý và hoạch định chính sách, xây dựng các cơ chế, chính sách, huy động và phân bổ nguồn lực về tài chính; Tăng cường hợp tác quốc tế và thực hiện nghĩa vụ tham gia Công ước, xây dựng và định kỳ cập nhật Báo cáo quốc gia về thích ứng, giám sát và đánh giá tác động của các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trên thế giới đối với Việt Nam, xác định các giải pháp giảm thiểu tác động và tận dụng cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội.

Kế hoạch thích ứng với BĐKH giúp tăng cường khả năng thích ứng, bảo vệ tài sản và tính mạng của nhân dân

Thứ hai, tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái thông qua đầu tư cho các hành động thích ứng, khoa học và công nghệ, nâng cao nhận thức để sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu với các nhiệm vụ giải pháp cụ thể, bao gồm: Cải thiện hệ thống tự nhiên, cải tạo cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các ngành, lĩnh vực như tài nguyên nước, nông nghiệp, giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp, năng lượng và thương mại, y tế, chăm sóc sức khỏe, các công trình di tích lịch sử văn hóa; Nâng cao khả năng thích ứng, tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học; Phát triển và nhân rộng các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái và dựa vào cộng đồng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương trong giám sát, bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học; Quản lý bảo vệ rừng và nâng cao chất lượng rừng thông qua các giải pháp tái sinh, phục hồi rừng, làm giàu rừng; tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong công tác phát triển rừng trồng; Nâng cao nhận thức, kiến thức của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và cộng đồng; tăng cường năng lực, phát triển nguồn nhân lực nữ, thúc đẩy bình đẳng giới; Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tập trung vào công nghệ mới, công nghệ tiên tiến thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ ba là giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu với 5 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, bao gồm: Nâng cao năng lực giám sát biến đổi khí hậu, quan trắc khí tượng thủy văn, dự báo, cảnh báo, truyền tin về thiên tai và khí hậu cực đoan; Đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình thủy lợi, công trình phòng tránh thiên tai; Cải thiện hệ thống quản lý rủi ro thiên tai, thúc đẩy giảm nhẹ rủi ro thiên tai, chú trọng giải pháp quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, phát huy tri thức địa phương trong phòng tránh thiên tai; Triển khai các giải pháp phòng chống thiên tai kịp thời và hiệu quả, chú trọng các vùng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của bão, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất; Chống sạt lở bờ sông, bờ biển; đối phó với hiện tượng hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng; giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại.

Xây dựng cụ thể phân kỳ thực hiện

Các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch được phân kỳ theo theo các giai đoạn: 2021 - 2025, 2026 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Giai đoạn 2021 - 2025 tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu; chuẩn bị cơ sở pháp lý và điều kiện kỹ thuật nhằm thúc đẩy lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu vào các chính sách, hệ thống chiến lược, quy hoạch; triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ ưu tiên nhằm nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và những diễn biến bất thường của khí hậu, thời tiết.

Giai đoạn 2026 - 2030 tăng cường phối hợp, lồng ghép các hoạt động trong triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực của các ngành, lĩnh vực, các thành phần kinh tế, cộng đồng và hệ sinh thái để tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu và sẵn sàng điều chỉnh trước những thay đổi của khí hậu. Nâng cao năng lực chống chịu của hệ thống cơ sở hạ tầng, khả năng thích ứng của hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường khả năng phục hồi của hệ sinh thái tự nhiên và bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học trước tác động của biến đổi khí hậu. Thúc đẩy các hành động thích ứng mang lại đồng lợi ích trong giảm nhẹ các rủi ro do biến đổi khí hậu và hiệu quả về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường.

Giai đoạn sau năm 2030 đến năm 2050 sẽ phát huy kết quả đạt được của giai đoạn 2021 - 2030, tiếp tục tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người, cơ sở hạ tầng và các hệ thống tự nhiên, nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, bình đẳng giới, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu và an toàn trước thiên tai. Thực hiện lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu trong tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tích cực với cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ hệ thống khí hậu Trái đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết sách lớn để thích ứng với biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO