Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là các cơ sở tôn giáo

Phạm Oanh | 22/08/2021, 18:58

(TN&MT) - Bà Phạm Hoàng Lan (Ninh Bình) hỏi: Nguồn gốc hình thành đất tôn giáo như thế nào? Có trường hợp nào được chuyển nhượng đất tôn giáo hay không? Xin quý báo cho biết là quyền và nghĩa vụ cụ thể của người sử dụng đất là các cơ sở tôn giáo.

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên và Môi trường tư vấn như sau:

Nguồn gốc hình thành đất cơ sở tôn giáo

Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013 thì nguồn gốc hình thành nên đất cơ sở tôn giáo gồm:

Một là thông qua việc Nhà nước giao quyền sử dụng đất. Tại Khoản 7, Điều 3 Luật Đất đai: “Nhà nước ban hành quyết định giao đất để trao quyền sử dụng đất cho đối tượng có nhu cầu sử dụng đất”.

Cơ sở tôn giáo khi được Nhà nước giao đất không phải trả tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, để giao đất cho cơ sở tôn giáo thì UBND cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).

Hai là, thông qua việc Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Theo Khoản 1, Điều 169 Luật Đất đai: “Cơ sở tôn giáo được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất đối với đất đang được sử dụng ổn định”.

Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi có đủ các điều kiện sau đây: Được Nhà nước cho phép hoạt động; đất không có tranh chấp; không phải là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sau ngày 1/7/2004.

Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất có chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải tự rà soát, kê khai việc sử dụng đất và báo cáo UBND cấp tỉnh. UBND cấp tỉnh nơi có đất kiểm tra thực tế, xác định ranh giới cụ thể của thửa đất và quyết định xử lý theo quy định.

Ba là, thông qua kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai; quyết định về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai; quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân; quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án. Theo quy định tại Điểm l, khoản 1, Điều 169 Luật Đất đai: “Cơ sở tôn giáo được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành”.

Quyền của người sử dụng đất là các cơ sở tôn giáo

Theo quy định tại Điều 166 và Điều 181 Luật Đất đai, cơ sở tôn giáo có quyền chung của người sử dụng đất, gồm: Được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất; hưởng các lợi ích do công trình của Nhà nước phục vụ việc bảo vệ, cải tạo đất nông nghiệp; được Nhà nước hướng dẫn và giúp đỡ trong việc cải tạo, bồi bổ đất nông nghiệp; được Nhà nước bảo hộ khi người khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp về đất đai của mình; được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về những hành vi vi phạm quyền sử dụng đất hợp pháp của mình và những hành vi khác vi phạm pháp luật về đất đai.

Nghĩa vụ của người sử dụng đất là các cơ sở tôn giáo

Theo Điều 170 và Điều 181, cơ sở tôn giáo có nghĩa vụ chung cho người sử dụng đất, cụ thể: Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật; đăng ký quyền sử dụng đất; thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp bảo vệ đất; tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan; tuân theo các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất; giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất hoặc khi hết thời hạn sử dụng đất.

Xin lưu ý: Cơ sở tôn giáo sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất mà đất đó là đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sau ngày 1/7/2004 là không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Bài liên quan
  • Đồng bào dân tộc thiểu số có được miễn tiền sử dụng đất hay không?
    (TN&MT) - Ông Lò Văn Huy hỏi: Tôi được biết, nhà nước có chính sách miễn tiền sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã đặc biệt khó khăn. Gia đình tôi là người dân tộc thiểu số, thường trú tại huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Vậy, gia đình tôi có thuộc đối tượng được miễn tiền sử dụng đất hay không?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO