Quyền và nghĩa vụ của chủ thể đầu tư bảo vệ, phát triển rừng ven biển

31/08/2016 00:00

(TN&MT) – Cho hỏi, hiện nay, Nhà nước có khuyến khích tổ chức tư nhân đầu tư vào các dự án bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu hay không? Nếu khuyến khích thì các tổ chức đầu tư vào hạng mục này sẽ có quyền lợi và nghĩa vụ như thế nào?

Trả lời: 

Trước tiên, phải khẳng định rằng, hiện nay, Nhà nước rất khuyên khích các cá nhân, tổ chức đầu tư vào các dự án bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu. Tại Điều 6, Nghị định số 119/2016/NĐ-CP về một số chính sách quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu có quy định cụ thể những hoạt động khuyến khích xã hội hóa đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển như sau: Đầu tư bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây lâm sản ngoài gỗ, sản xuất nông lâm kết hợp và nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng trong khu vực có rừng ven biển; Đầu tư xây dựng công trình gây bồi, chống xói lở bờ biển, phục hồi rừng ngập mặn ven biển, phát triển du lịch sinh thái và các dịch vụ môi trường rừng trong khu vực rừng được giao, khoán, cho thuê ổn định, lâu dài phù hợp với quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình được giao đất, khoán rừng, cho thuê rừng ven biển để bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật…

Về quyền lợi

Theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 119/2016/NĐ-CP, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển sẽ được hưởng toàn bộ sản phẩm từ nguồn vốn tự đầu tư; Được phát triển các thương hiệu sản phẩm kinh doanh có nguồn gốc từ môi trường rừng và hệ sinh thái rừng ven biển; Được bồi thường thành quả lao động, kết quả đầu tư theo quy định khi Nhà nước có quyết định thu hồi rừng; Ngoài ra, các chủ thể này còn được miễn tiền thuê rừng trong từng trường hợp cụ thể.

Riêng tổ chức kinh tế sẽ được miễn tiền thuê rừng ven biển theo các trường hợp sau:

a) Trường hợp có quyết định thuê rừng sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, được miễn tiền thuê rừng ven biển trong 5 năm đầu kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho thuê rừng.

b) Trường hợp đã có quyết định cho thuê rừng trước thời Điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà thời hạn thuê rừng còn từ 5 năm trở lên thì được miễn tiền thuê rừng trong 5 năm kể từ khi Nghị định này có hiệu lực thi hành.

c) Trường hợp đã có quyết định cho thuê rừng trước thời Điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng thời hạn thuê rừng còn dưới 5 năm thì được miễn tiền thuê rừng đến hết thời hạn cho thuê còn lại ghi trong quyết định cho thuê rừng.

Về nghĩa vụ

Theo Điều 8, Nghị định trên, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển có các nghĩa vụ sau:

Tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân đầu tư bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng ven biển có nghĩa vụ bảo vệ, không làm suy giảm diện tích và chất lượng khu rừng được giao, khoán, cho thuê; trồng, chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng rừng đến khi thành rừng theo quy định; tổ chức phòng cháy, chữa cháy rừng, phòng, trừ sinh vật gây hại rừng theo quy định của pháp luật; bảo vệ môi trường, cảnh quan; không cản trở việc bảo vệ an ninh quốc gia và giao thông trên biển.

Đối với các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh du lịch sinh thái và dịch vụ môi trường rừng ven biển có nghĩa vụ: Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng theo mức và cơ chế chi trả do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; Xây dựng cơ chế chia sẻ trách nhiệm và lợi ích có sự đồng thuận của các đối tượng tham gia đầu tư và liên kết.

Báo TN&MT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền và nghĩa vụ của chủ thể đầu tư bảo vệ, phát triển rừng ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO