Quyền lực và lòng tham

Ngọc Lý| 19/12/2019 13:00

(TN&MT) - Những vụ án tham nhũng được đem ra xét xử đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Qua những phần xét hỏi, tranh luận, cũng bộc lộ ra nhiều điều về chất lượng nguồn lực, về nguyên nhân sâu xa của quá trình chuyển hóa, biến chất của “một bộ phận cán bộ”.

Nổi cộm là các vấn đề về thực thi nhiệm vụ và giám sát quyền lực của cơ quan công quyền và chính quyền cơ sở. Một trong những bài học rút ra là công tác cán bộ cần phải làm triệt để hơn nữa, cần có một cơ chế giám sát quyền lực chặt chẽ, nghiêm minh.

Câu chuyện về cả triệu đô la lót tay bỗng bị “quên bẵng” mà những kẻ tham nhũng khi bị đưa ra ánh sáng chối bay cũng cho thấy những khó khăn trong công cuộc phòng chống “quốc nạn” này như thế nào!(?)  

Đã có nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, tham nhũng ở nước ta có nguy cơ thành một quốc nạn. Và nếu xét từ thực tế thì những vấn đề gì đã trở thành quốc nạn, đều khó có thể giải quyết được một cách căn cơ. Nguyên nhân mọi quốc nạn bao giờ cũng nằm chính trong cơ chế vận hành của toàn xã hội. Như vậy, quốc nạn tham nhũng phải được Chính phủ (tương tự, UBND các cấp) toàn quyền xử lý, và khi bất lực phải tự gánh chịu trách nhiệm. Trong đó, trước hết phải giải quyết được tính thiếu minh bạch của xã hội và nền kinh tế nước ta hiện nay (từ việc xin dấu, xin đăng ký đầu tư thành lập doanh nghiệp đến thực thi nhiệm vụ của các cơ quan công quyền).

Ảnh minh họa

Ở  đây, minh bạch được hiểu là minh bạch trước người dân, do đó, minh bạch chỉ có thể được tạo ra, khi có sự tham gia đầy đủ, toàn diện và vượt trội của nhiều tầng lớp vào nền kinh tế quốc dân và sự phản biện (thậm chí cả chỉ trích) của mọi tầng lớp xã hội vào các chính sách.

Những điều kể trên ngẫm không mới, nhưng không dễ thực hiện. Kinh tế tăng trưởng mà lòng dân bất ổn, có lỗi từ hệ thống chính trị, Chính phủ cần mổ xẻ vấn đề này. Và nếu nỗi lo này ở cơ quan quyền lực cao nhất đánh thức và giúp loại bỏ dần sự trì trệ đang có ở nhiều người, nhiều ngành, nhiều cấp, đó sẽ là điềm mừng.

Vậy nhưng, quả không dễ gì dứt bỏ những ham hố ở mỗi cá nhân khi “danh cương, lợi tỏa”. Và hiển nhiên, ai cũng biết, quan tham là nhờ lợi dụng quyền lực. Cơ chế có thể làm con người hoàn thiện nhưng cũng có thể làm hư hỏng con người. Cán bộ nhân thân tốt nhưng ngồi vào cái ghế không được giám sát, đến lúc nào đó, cũng khó tránh được vòng xoáy cám dỗ: lạm quyền, trục lợi, sa đọa... Bởi thế, nếu không có một sự giám sát chặt chẽ, mọi cố gắng sẽ chỉ như mối bỏ bể, những lời hô hào cũng sẽ chỉ là thoảng qua.

Giống như việc, bên cạnh kêu gọi chuẩn hóa, siết chặt việc cấp bằng lái xe, chấn chỉnh và xây dựng đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, đạo đức và trách nhiệm … thì cần phải xây dựng đội ngũ cảnh sát giao thông đạo đức và trách nhiệm. Bởi lẽ, mọi cố gắng của các cơ quan hữu trách và nhân dân có thể sẽ bị bỏ sông bỏ biển, một khi những người thực thi pháp luật hư hỏng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền lực và lòng tham
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO