Thế giới

Quyền được sống trong môi trường trong lành của con người: Cần chống lại “làn sóng nhựa” độc hại

Mai Đan (tổng hợp từ UN News) 06/06/2023 - 15:04

Các chuyên gia của Liên hợp quốc (LHQ) vừa cho biết thế giới phải chống lại “làn sóng nhựa” độc hại đe dọa quyền được sống trong môi trường trong lành của con người.

Lời kêu gọi được đưa ra khi các quốc gia tiếp tục đàm phán về hiệp ước quốc tế về ô nhiễm nhựa trước Ngày Môi trường Thế giới (5/6).

Ông David R. Boyd - Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền và môi trường và ông Marcos Orellana - Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về các chất độc hại và quyền con người cho biết, sản xuất nhựa đã tăng theo cấp số nhân trong những thập kỷ gần đây và mỗi năm trên toàn thế giới có hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất.

“Vòng tuần hoàn nhựa” nguy hiểm

Các chuyên gia đã nêu ra các giai đoạn trong “vòng đời của nhựa” và sự xâm hại của nó đối với quyền được hưởng môi trường trong lành, đảm bảo cuộc sống, sức khỏe, thực phẩm, nước và mức sống phù hợp của con người.

anh-1-nhat-rac-thai-nhua.jpg
Người dân địa phương ở Watamu, Kenya hợp tác với Tổ chức Bảo tồn Đại dương địa phương dọn rác thải nhựa trên bãi biển vào thứ 6 hàng tuần. Ảnh: UNEP

Sản xuất nhựa hầu như chỉ dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Quá trình này giải phóng các chất độc hại, gây nguy hiểm cho con người và thiên nhiên. Sau sử dụng, 85% nhựa sử dụng một lần bị thải ra các bãi chôn lấp hoặc môi trường.

Trong khi đó, “các giải pháp sai lầm và gây hiểu lầm” khác chỉ làm trầm trọng thêm mối đe dọa của rác thải nhựa. Nhựa, vi nhựa và các chất độc hại được tìm thấy trong thực phẩm chúng ta ăn, nước chúng ta uống và không khí chúng ta thở.

Nghiên cứu của các chuyên gia của LHQ cũng đề cập đến việc các cộng đồng yếu thế bị ảnh hưởng nhiều nhất khi tiếp xúc với ô nhiễm và rác thải liên quan đến nhựa. Họ đặc biệt lo ngại về các nhóm đối tượng phải chịu những bất công về môi trường do tiếp xúc nhiều với ô nhiễm nhựa, trong đó có nhiều người sống trong “khu vực hy sinh - sacrifice zone”, các địa điểm gần các cơ sở như mỏ lộ thiên, nhà máy lọc dầu, nhà máy thép và nhà máy nhiệt điện than.

Theo các chuyên gia, ô nhiễm nhựa cũng làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu, vấn đề thường bị bỏ qua. Chẳng hạn, các hạt nhựa được tìm thấy trong đại dương hạn chế khả năng loại bỏ khí nhà kính khỏi khí quyển của các hệ sinh thái biển.

Tiến hành các cuộc đàm phán hiệp ước

Ông Boyd và ông Orellana cho biết: “Chúng ta đang ở giữa một làn sóng thủy triều độc hại khi nhựa gây ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến quyền được sống trong môi trường không ô nhiễm của con người con người theo vô số cách trong vòng đời của nhựa”.

Theo các chuyên gia, trong 2 năm qua, Đại hội đồng LHQ đã thông qua các nghị quyết mang tính bước ngoặt công nhận quyền của con người đối với một môi trường trong sạch, lành mạnh và bền vững, những nghị quyết này sẽ thúc đẩy và hướng dẫn các sáng kiến giải quyết ô nhiễm nhựa.

Họ cũng hoan nghênh tiến trình đạt được một hiệp ước ràng buộc quốc tế nhằm đảo ngược tình trạng ô nhiễm nhựa, kể cả trong môi trường biển. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) dự đoán lượng rác thải nhựa xâm nhập vào các hệ sinh thái dưới nước có thể lên tới khoảng 23 đến 37 triệu tấn mỗi năm vào năm 2040.
Các cuộc đàm phán đã diễn ra trong tuần qua tại Paris (Pháp), tiếp nối phiên họp đầu tiên được tổ chức vào năm ngoái tại Uruguay.

Phát biểu khai mạc, người đứng đầu UNEP Inger Andersen tuyên bố: “Chúng ta không thể tái chế rác thải nhựa theo cách của mình để thoát khỏi mớ hỗn độn này. Chỉ có việc loại bỏ, giảm thiểu, tiếp cận toàn bộ vòng đời của nhựa, minh bạch và chuyển đổi công bằng mới có thể mang lại thành công”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyền được sống trong môi trường trong lành của con người: Cần chống lại “làn sóng nhựa” độc hại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO