Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ

06/08/2019 10:15

(TN&MT) - Theo quy định tại Khoản 2, Điều 35, Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ là một trong ba căn cứ quan trọng để lập Chương trình Quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ cấp tỉnh. Thực hiện nhiệm vụ này, vừa qua, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến từ các Bộ, ngành liên quan để xây dựng Quy hoạch này nhằm đưa ra giải pháp tổng thể phát triển bền vững kinh tế biển ven bờ.

T11
Khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ được lập sẽ giải quyết đồng thời rất nhiều nhiệm quan trọng, mang tính chất tổng thể. Ảnh: MH

Hỗ trợ đắc lực quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển

Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ có mối quan hệ chặt chẽ với Chiến lược Quản lý tổng hợp đới bờ Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, là cơ sở, công cụ hỗ trợ triển khai hiệu quả Chiến lược thông qua việc lập và triển khai thực hiện các chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.

Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ là loại quy hoạch đa ngành, cụ thể hóa hơn đối với các vùng đã phân trong quy hoạch không gian biển trong phạm vi vùng bờ; phân định không gian vùng bờ theo các đặc điểm tự nhiên, sinh thái và kinh tế, xã hội để khai thác, sử dụng và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, môi trường và các giá trị của vùng bờ một cách hiệu quả, lâu dài, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường theo hướng bền vững. Quy hoạch được xây dựng theo cách tiếp cận của quy hoạch không gian biển, dựa vào hệ sinh thái; thiết lập phương án sử dụng không gian vùng bờ và giải quyết những bất cập về sử dụng vùng bờ, để từ đó cân bằng các nhu cầu phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nhu cầu bảo vệ các hệ sinh thái ở vùng bờ.

Làm rõ trách nhiệm bảo vệ vùng bờ

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, phạm vị không gian Quy hoạch này bao gồm vùng nước biển ven bờ có ranh giới phía ngoài cách bờ biển khoảng 6 hải lý và vùng đất ven biển là các xã, phường, thị trấn giáp biển thuộc 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.

Tuy vậy, để đảm bảo tính vẹn toàn của các hệ sinh thái, sinh cảnh quan trọng và quan tâm đầy đủ đến sự tương tác mạnh giữa đất liền và biển, phạm vi không gian vùng bờ ở một số khu vực có thể được mở rộng hơn cả về phía đất liền và biển.

Phạm vi thời gian đối với Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ được lập cho giai đoạn là 10 năm, từ năm 2021 đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, mỗi kỳ kế hoạch thực hiện quy hoạch là 5 năm, từ năm 2021 đến năm 2025.

Những nội dung của quy hoạch này nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, đẩy mạnh, hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý Nhà nước theo cách tiếp cận tổng hợp về tài nguyên biển và hải đảo; góp phần đẩy mạnh phát triển bền vững các kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội trong phạm vi vùng bờ.

Bảo vệ, bảo tồn và phục hồi đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu.

Bảo đảm và tăng quyền tiếp cận của người dân với biển, giữ gìn được các giá trị, bản sắc văn hoá - lịch sử trên các vùng đất ven biển, vùng biển ven bờ và các hải đảo trong phạm vi vùng bờ. Đồng thời, tiến hành điều tra, thu thập thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ (bao gồm thông tin, dữ liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, tài nguyên, môi trường và các chính sách, pháp luật hiện hành có liên quan.

Giải pháp tổng thể cho sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ

Theo ông Tạ Đình Thi, Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ được lập sẽ giải quyết đồng thời rất nhiều nhiệm quan trọng, mang tính chất tổng thể cho việc quản lý và phát triển bền vững tài nguyên vùng bờ thông qua phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên; điều tra, khảo sát, thăm dò tài nguyên và hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ. Thông qua nhiệm vụ đánh giá tác động của việc khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ (bao gồm đánh giá tác động của việc khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ đến phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng, an ninh; môi trường, hệ sinh thái và đa dạng sinh học; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; xu thế biến động tài nguyên và môi trường vùng bờ; tác động của việc khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ đến yêu cầu về quản lý tổng hợp tài nguyên và môi trường vùng bờ).

Phân tích, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đối với tài nguyên và môi trường vùng bờ (bao gồm đánh giá dự báo tác động của sự gia tăng xâm nhập mặn vào các vùng cửa sông, hệ thống sông và tác động của ngập lụt và xói lở bờ biển đến tài nguyên và các hoạt động ở vùng bờ); đánh giá lại kết quả từ chủ trương, định hướng phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến việc khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, bảo vệ môi trường và các quy hoạch có liên quan.

Trong Quy hoạch cũng chỉ rõ phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ (bao gồm phân vùng chức năng vùng bờ; xác định các mâu thuẫn, xung đột và chồng lấn trong khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; xác định giá trị của các tài nguyên và hệ sinh thái ở vùng bờ…).

Qua đó, đề xuất các giải pháp, tổ chức thực hiện quy hoạch (bao gồm các giải pháp về cơ chế, chính sách quản lý không gian biển; môi trường, khoa học và công nghệ; tuyên truyền, nâng cao nhận thức; phát triển nguồn nhân lực; huy động vốn đầu tư; hợp tác quốc tế; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch);

 Xây dựng hệ thống các bản đồ và báo cáo quy hoạch (bản đồ tổng hợp điều kiện tự nhiên vùng bờ; bản đồ tổng hợp hiện trạng tài nguyên vùng bờ; bản đồ hiện trạng và nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; bản đồ phân vùng chức năng vùng bờ; bản đồ các khu vực chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ; bản đồ quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ Việt Nam; đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO