Quy hoạch tỉnh Hải Dương: Hướng tới phát triển hài hòa KT-XH, văn hóa, môi trường

Phạm Duy| 07/09/2022 16:24

Việc lập quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 25/3/2021. Đến nay, tỉnh Hải Dương đã xây dựng xong Dự thảo Quy hoạch; hoàn thành lấy ý kiến vào nội dung Dự thảo; đang tổng hợp, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phấn đấu trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu về quy mô kinh tế

Theo Dự thảo Quy hoạch, Hải Dương đề ra mục tiêu đến năm 2025 thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có hạ tầng KT-XH khá đồng bộ; tiếp tục chuyển dịch kinh tế sang công nghiệp - dịch vụ, chủ trương ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Tăng GRDP thực tế bình quân đầu người ở mức cao hơn cả nước, đạt khoảng 114 triệu đồng.

Đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Hải Dương là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong nhóm 10 tỉnh dẫn đầu cả nước, đứng thứ 4 trong vùng đồng bằng sông Hồng; phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại; là trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng. Tăng GRDP thực tế bình quân đầu người cao hơn cả nước, đạt khoảng 183 triệu đồng.

ban-chap-hanh.jpg
Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Dương khóa XVII đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Đến năm 2050, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông; một đô thị hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế sâu rộng; phát triển công nghiệp hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, phục vụ các hoạt động sản xuất trên địa bàn cũng như toàn vùng đồng bằng sông Hồng.

Hải Dương đã lựa chọn phương án tăng trưởng cao với tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 12,5%; năm 2030, tỷ trọng cơ cấu kinh tế nông nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ sẽ đạt tương ứng là 4,8% - 63,9% - 31,3%.

anh-2(2).jpg
Nằm trên trục đường cao tốc hướng Đông: Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh,
Hải Dương có vị trí trung tâm và kết nối toàn bộ các tỉnh công nghiệp trọng điểm
của miền Bắc

Trụ cột chiến lược của tỉnh gồm 4 trục phát triển không gian (trục phát triển Bắc - Nam; trục phát triển Đông - Tây trung tâm tỉnh; trục phát triển theo hướng Đông Tây đi qua khu vực phía Bắc của tỉnh; trục phát triển kinh tế dọc các tuyến sông); 4 trụ cột chiến lược phát triển (công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ - đô thị); 3 nền tảng hỗ trợ (văn hóa và con người xứ Đông; môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch; hạ tầng đồng bộ, kết nối hiện đại)…

Định hướng 5 cực tăng trưởng chính là đô thị trung tâm TP Hải Dương; 4 đô thị động lực gồm: TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, Bình Giang, Thanh Miện; 5 đô thị vệ tinh là Gia Lộc, Nam Sách, Cẩm Giàng, Thanh Hà, Tứ Kỳ; 2 đô thị chức năng chuyên biệt Ninh Giang và Kim Thành.

anh-4.jpg
Lộ trình phát triển chiến lược cho tỉnh Hải Dương. Tỉnh  Hải Dương sẽ chú trọng vào phát triển bốn trục không gian, bốn trụ cột chiến lược và ba nền tảng hỗ trợ (Nguồn: Roland
Berger).

Phân vùng để bảo vệ môi trường

Dự thảo Quy hoạch đã chú trọng xây dựng các phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên môi trường theo hướng bền vững. Lĩnh vực đất đai, dự kiến, đến năm 2030, Hải Dương có trên 46.700ha đất đô thị; hơn 28.600ha đất khu dân cư nông thôn; trên 46.400ha đất sản xuất nông nghiệp; hơn 10.000ha đất phát triển khu, điểm du lịch; hơn 9.600ha đất khu, cụm công nghiệp…

Trong lĩnh vực khoáng sản, đã khoanh định 29 khu vực quy hoạch mới với diện tích trên 1.000ha, chủ yếu là vật liệu san lấp, đá xây dựng, cát sỏi xây dựng… Lĩnh vực tài nguyên nước, triển khai cấp nước theo 7 khu vực: Chí Linh, Kinh Môn, Nam Sách – Thanh Hà, Kim Thành, Bình Giang – Bắc Thanh Miên, Gia Lộc – Tứ Kỳ, Cẩm Giàng – Hải Dương.

anh-5.jpg
Bản đồ hiện trạng sông ngòi tỉnh Hải Dương và Bản đồ định hướng phân vùng cấp nước tỉnh Hải Dương.

Đặc biệt, tại Dự thảo Quy hoạch đã phân toàn tỉnh thành 3 vùng với các đặc trưng khác nhau để có định hướng bảo vệ riêng biệt. Theo đó, vùng bảo vệ nghiêm ngặt sẽ gồm các khu bảo tồn thiên nhiên, các khu vực có tính đa dạng sinh học cao, các hệ sinh thái đặc trưng của tỉnh như các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất (thảm thực vật rừng của tỉnh Hải Dương tại 33 xã, phường thuộc thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn); các vùng đất ngập nước quan trọng (suối Thanh Mai, suối Dốc Giang, Cả, Cái, Găng, khe Hố Giải, ngòi Mỏ…); các địa danh di tích lịch sử đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền thờ nhà giáo Chu Văn An, chùa Thanh Mai…; các hành lang đa dạng sinh học kết nối giữa các khu vực có tính đa dạng sinh học cao; hệ thống các sông tự nhiên bao gồm sông Thái Bình, sông Luộc, Bắc Hưng Hải, An Kim Hải, sông Hương…

Vùng hạn chế phát thải gồm các vùng đệm của các khu bảo tồn, các khu rừng sản xuất, các hồ chứa nước thủy lợi, các khu vực phát triển du lịch, các khu đô thị được quy hoạch loại V trở lên, các khu vực có khả năng ô nhiễm cao do các hoạt động phát triển kinh tế. Vấn đề môi trường chính của vùng này là nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải sinh hoạt tại các đô thị và các khu dân cư, các trung tâm thương mại và dịch vụ. Vùng khác gồm các khu vực còn lại, trong đó đáng chú ý là các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề có khả năng gây ô nhiễm cao…

Dự thảo Quy hoạch tỉnh Hải Dương đề ra mục tiêu đến năm 2030, 100% các KCN, CCN đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; 100% chất thải tại các KCN, CCN được thu gom, xử lý; 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt quy chuẩn về môi trường; 90% chất thải rắn tại khu vực đô thị được thu gom, xử lý; 60% nước thải tại khu vực đô thị được thu gom, xử lý; 85% chất thải rắn tại khu vực nông thôn được thu gom, xử lý…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch tỉnh Hải Dương: Hướng tới phát triển hài hòa KT-XH, văn hóa, môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO