“Quy hoạch” lại tư duy đô thị

Phương Anh| 24/05/2022 10:39

(TN&MT) - Tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đang làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của các khu dân cư trước thiên tai và các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Vấn đề này đã được nhắc đến từ nhiều năm nay và vừa được nhấn mạnh tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Theo Nghị quyết số 06, ngoài các kết quả đạt được, quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ đô thị hóa đạt được thấp hơn mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và còn khoảng cách khá xa so với tỷ lệ bình quân của khu vực và thế giới. Chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai, mức độ tập trung kinh tế còn thấp. Quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị chưa gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với BĐKH, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực…

quy-hoach.jpg

Phần lớn các đô thị của Việt Nam nằm trong vùng dễ tổn thương của BĐKH. BĐKH đã tác động đến phát triển hệ thống giao thông đô thị, làm gia tăng ngập úng đô thị,… ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống của người dân.

Không khó để nhìn thấu tỏ hậu quả của đô thị kém thích nghi. Chúng ta có thể đo lường từ các yếu tố tăng trưởng dân số đô thị quá nhanh; sử dụng đất đai không hiệu quả; chính sách phát triển và quy hoạch yếu kém; thiếu hụt giao thông công cộng; thiếu kết hợp giữa mật độ và giao thông công cộng, việc làm, nhà ở, dịch vụ; phát triển dựa vào năng lượng và nhiều khí thải.

Đã vậy, ở rất nhiều đô thị, các hệ sinh thái bị phá vỡ để phục vụ cho phát triển đô thị. Điển hình là san lấp hồ, ao, rừng ngập mặn để lấy đất làm nhà ở, từ đó, làm mất nơi thu giữ nước khi có mưa lớn, triều cường, mất cân bằng sinh thái. Việc giảm diện tích cây xanh, công viên và tăng cao mật độ xây dựng các nhà cao tầng, trong nhiều trường hợp thường chỉ phục vụ lợi ích kinh tế cho một nhóm người, nhưng sẽ làm nhiệt độ thành phố cao hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe và sản xuất, sinh hoạt của đời sống cả cộng đồng.

Muôn đời nay, sau nắng nóng sẽ là mưa. Và tiếp đó sẽ là lũ quét, ngập lụt. Quy luật “ăn - trả” dễ nhận thấy hơn bao giờ hết, ít nhất vào lúc này. Thế nhưng, dường như sự lơi lỏng trong quản lý, lòng ham muốn quá độ của con người đang dần đẩy môi trường sống của chính chúng ta ngày càng trở nên khắc nghiệt. Rõ ràng quá trình quy hoạch và đầu tư phát triển các đô thị ở Việt Nam đã xuất lộ rất nhiều thách thức trong quá trình thực hiện các mục tiêu đề ra, trong đó, có mục tiêu cơ bản là phát triển bền vững.

Nhìn thấu đáo những lợi thế, hạn chế của quá trình phát triển các đô thị trong bối cảnh mới như hiện nay, Nghị quyết số 06 chính là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng cho sự ra đời của cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Việc còn lại là nằm ở thái độ nhận thức và quyết tâm hành động của các cấp, các ngành để chuyển hóa những mục tiêu của Nghị quyết thành hiện thực.

Nói như Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: "Nghị quyết có đúng, có trúng hay cỡ nào đi nữa mà chúng ta chỉ đạo thực hiện không quyết liệt thì không có kết quả, khắc phục tối đa tình trạng khoảng 10 năm sau tổng kết, đánh giá lại, chúng ta lại nói là Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị rất hay, rất đúng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Quy hoạch” lại tư duy đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO