Quy hoạch không gian biển Việt Nam: Kỳ vọng một nền kinh tế biển Xanh

Minh Thư| 31/08/2022 20:56

(TN&MT) - Biển Việt Nam được công nhận là vùng giàu tài nguyên thiên nhiên và có giá trị địa chính trị quan trọng ở khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển với cường độ cao đã nảy sinh mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn, mâu thuẫn giữa các ngành kinh tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường. Để giải quyết mâu thuẫn này, Quy hoạch không gian biển quốc gia đang được Bộ TN&MT xây dựng, thiết lập với kỳ vọng đảo ngược xu thế ô nhiễm, tạo lập một nền kinh tế biển thay đổi mạnh mẽ từ “nâu” sang “xanh”, hài hòa bền vững…

Phát triển kinh tế đi đôi bảo vệ duy trì hệ sinh thái

Bộ TN&MT được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì lập Quy hoạch không gian biển quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 tại Nghị quyết số 36-NQ/TW.

dien-gio-ca-mau.jpg

Quy hoạch không gian biển Việt Nam ưu tiên các nguồn năng lượng sạch (ảnh minh họa)

Quy hoạch này sẽ cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết số 36-NQ/TW góp phần thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội; phát huy các tiềm năng, lợi thế của biển và hải đảo, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước.

Quy hoạch này cũng bảo đảm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững các tài nguyên biển và hải đảo trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa lợi ích kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế trên các vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

Quy hoạch không gian biển quốc gia là quy hoạch đa ngành nhằm phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển. Từ đó, định hướng, thiết lập phương án sử dụng không gian biển và giải quyết các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển. Được lập theo cách tiếp cận tổng hợp và dựa vào hệ sinh thái; trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành quốc gia, nhưng có sự điều chỉnh, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên trên một không gian biển nhất định; xử lý các khu vực chồng lấn giữa các quy hoạch; mâu thuẫn giữa các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển trên một không gian biển nhất định. Đặc biệt, quy hoạch này sẽ bảo vệ, duy trì cấu trúc và chức năng quan trọng của các hệ sinh thái biển.

Để thực hiện những mục tiêu này, Quy hoạch không gian biển Việt Nam đang được xây dựng trên nguyên tắc phân vùng để thực hiện các mục tiêu khác nhau. Việc phân vùng sử dụng đất ven biển được thực hiện theo quy hoạch 4 vùng phát triển kinh tế được xác định tại Nghị quyết 36/NQ-TW; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050 và các quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh có liên quan.

Phân vùng sử dụng biển sẽ dựa vào hệ sinh thái và nhu cầu sử dụng của các ngành kinh tế biển, có tính liên vùng, liên địa phương. Bên cạnh đó, ranh giới phân định trên biển giữa các địa phương, vùng lãnh thổ chưa được xác định nên các vùng sử dụng có thể nằm trong hơn một vùng phát triển kinh tế biển. Phần quy hoạch chi tiết và phân vùng sử dụng đảo do các địa phương được phân cấp quản lý thực hiện theo định hướng phát triển các đảo trong Quy hoạch này. Riêng với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sẽ nghiên cứu lập quy hoạch trong một văn bản khác.

Dựa trên kết quả đánh giá, xác định rõ lĩnh vực, mức độ ưu tiên trong khai thác, sử dụng tài nguyên, lựa chọn phương án phân vùng tối ưu để đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái biển, bảo vệ chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh.

Định hướng phát triển không gian toàn diện

Quy hoạch không gian biển Việt Nam đang được nghiên cứu xây dựng với việc phát triển toàn diện các không gian liên quan đến biển Việt Nam. Đó là, vùng đất ven biển, vùng biển, hải đảo và vùng trời trong phạm vi của 28 tỉnh, thành có biển.

Đối với vùng đất ven biển, nghiên cứu phát triển các vùng đất ven biển phía Bắc, Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ, ven viển Đông Nam Bộ, vùng biển Tây Nam Bộ sẽ được định hướng sắp xếp lại, phát triển các đô thị trung tâm hành chính cấp tỉnh và phát triển mạng lưới các đô thị vừa và nhỏ dọc ven biển theo các tuyến lực, hình thành đô thị vệ tinh để hỗ trợ đô thị trung tâm, thúc đẩy công nghiệp hóa nông thôn, đồng thời, hạn chế việc di chuyển quá mức dân cư và lao động nông thôn vào các đô thị lớn. Đầu tư xây dựng các tuyến giao thông, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng miền, địa phương trong cả nước và quốc tế. Xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ về giá, thuế cho doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế ven biển.

khai-thac-bang-chay.jpg

Quy hoạch không gian biển Việt Nam sẽ tiếp tục tìm kiếm và khai thác năng lượng mới từ băng cháy. (ảnh minh họa)

Đối với các vùng biển, nghiên cứu phát triển và quy hoạch liên quan đến vấn đề quốc phòng, an ninh trên biển; du lịch biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và tài nguyên khoáng sản biển khác. Quy hoạch phát triển nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản; công nghiệp ven biển; khai thác năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.

Ở mỗi lĩnh vực đều ưu tiên phát triển công nghệ cao, thân thiện môi trường, chế biến sâu để tăng giá trị. Chú trọng chuyển đổi các mô hình nhỏ, lạc hậu sang quy mô công nghiệp, bền vững. Đối với ngành du lịch, phát triển các tuyến du lịch đảo, khuyến khích hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án quy mô lớn; Nâng cao hiệu quả khai thác khoáng sản biển, tăng hệ số thu hồi tài nguyên gắn với chế biến sâu, kết hợp hài hòa giữa khai thác, chế biến và bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, đối với việc phát triển không gian đảo, Quy hoạch không gian biển đặt ra nhiều vấn đề mới: Ngoài việc hoàn thành cơ bản việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cho một số đảo trọng điểm về kinh tế, hình thành các khu du lịch đẳng cấp, còn kết hợp đảm bảo quốc phòng, an ninh trên biển và bảo tồn thiên nhiên tại các đảo; Xây dựng huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, trung tâm hậu cần nghề cá, tìm kiếm cứu nạn, phát triển tuyến du lịch kết nối đảo với đất liền, trở thành thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Đồng thời, nghiên cứu, thí điểm lấn biển, tăng diện tích cho các đảo, mở rộng không gian phát triển cho các hoạt động kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh.

Quy hoạch không gian biển Việt Nam cũng đang đề xuất vấn đề quản lý vùng trời trên biển, vùng trời thuộc chủ quyền quốc gia. Hiện Việt Nam được Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) giao quản lý 2 vùng thông báo bay (FIR) là FIR Hà Nội và FIR TP.HCM với tổng diện tích trên 1,2 triệu km2 bao phủ toàn bộ vùng trời lãnh thổ Việt Nam và vùng trời rộng lớn trên Biển Đông. Với cách tiếp cận xây dựng quy hoạch dựa trên hệ sinh thái của các phân vùng biển, lựa chọn các khu vực được ưu tiên phát triển ngành kinh tế hay hạn chế khai thác nguồn lợi tự nhiên, đồng thời, được tính toán, định hướng phát triển toàn diện các không gian thuộc biển, Quy hoạch không gian biển Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá mới trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa phát triển và bảo tồn tài nguyên môi trường biển, đưa nước ta sớm trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch không gian biển Việt Nam: Kỳ vọng một nền kinh tế biển Xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO