Quy hoạch bảo tồn chùa Bút Tháp

Trí Việt | 19/06/2021, 08:23

(TN&MT) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 848/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Bút Tháp, tỉnh Bắc Ninh.

Bút Tháp cổ tự được xây dựng vào thế kỷ thứ XIII, đời vua Trần Thánh Tông

Chùa Bút Tháp, tên chữ là Ninh Phúc tự là một trong những danh lam cổ tự đẹp nhất ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Được xây dựng từ thế kỷ XII với diện tích khoảng 10.000m2, chùa Bút Tháp có kiến trúc độc đáo, bố cục hài hòa với môi trường thiên nhiên và rất sinh động. Chùa Bút Tháp được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2013.

Hiện trong chùa còn lưu giữ bốn nhóm bảo vật quốc gia là tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay được công nhận năm 2012 và ba pho tượng Tam Thế, tòa Cửu phẩm liên hoa, Hương án cùng được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2020. Các bảo vật đều được tạo tác từ thế kỷ XVII trên chất liệu gỗ.

Bảo vật quốc gia Phật tam thế tại chùa Bút Tháp

Quần thể kiến trúc chùa Bút Tháp, nổi bật giữa đồng lúa mênh mông. Mặt quay theo hướng Nam là hướng của trí tuệ, bát nhã trong triết lý nhà Phật. Ngoài cùng là tam quan, tiếp đó là gác chuông 2 tầng 8 mái. Khu trung tâm bao gồm 7 nếp nhà đều nằm ngang, chạy song hành được bố trí trên một trục dọc - Đường thần đạo.

Bên trong nội tự, nằm giữa hai dãy hành lang (mỗi dãy gồm 26 gian) là 7 tòa nhà nối tiếp nhau từ ngoài vào, gồm: Tiền Đường, Thiêu Hương, Thượng điện, vắt nối giữa Thượng Điện và Tích Thiện am là chiếc cầu đá bắc ngang hồ sen, cầu dài 4m gồm 3 nhịp uốn cong vồng. Mặt cầu lát đá xanh, hai bên cầu có 12 bức phù điêu đá chạm chim muông, hoa lá công phu, tinh xảo.

Hai bên cầu có 12 bức phù điêu đá chạm chim muông, hoa lá, linh vật… công phu, tinh xảo, nối liền với các phù điêu đá ở lan can tòa Thượng điện.

Tòa Tích Thiện am, như tên gọi có nghĩa là chứa điều lành. Trong Tích Thiện am, có tòa cửu phẩm liên hoa - tháp bằng gỗ, 9 tầng, 8 mặt, 9 đài sen tượng trưng cho 9 cấp tu hành chính quả của Phật giáo. Tiếp đến là nhà Trung, phủ thờ và cuối cùng là hậu đường, tổng chiều dài hơn 100m. Phía sau nhà Hậu Đường là hàng tháp đá, trong đó có tháp đá Tôn Đức 5 tầng, cao 11m là nơi đặt xá lị thiền sư Minh Hạnh, vị tổ thứ hai của chùa. Bên trái chùa có nhà thờ vị tổ thứ nhất Chuyết Chuyết và ngôi tháp đá Báo Nghiêm 8 mặt, 5 tầng cao 13m là nơi táng xá lị của thiền sư. Hai bên phía đầu ngoài, dọc theo toà Tiền đường là hai nhà bia...

Tích Thiện am là một trong những công trình có lối kiến trúc độc đáo của chùa Bút Tháp.

Mỗi một công trình kiến trúc của ngôi chùa này là một tác phẩm nghệ thuật khéo léo với các hoạ tiết trang trí được làm bằng các chất liệu phong phú và đa dạng thể hiện sự kết hợp hài hoà giữa kiến trúc và môi trường thiên nhiên.

Mỗi một công trình kiến trúc của ngôi chùa này là một tác phẩm nghệ thuật khéo léo

Đặc biệt, trong hệ thống các pho tượng cổ của chùa Bút Tháp có tượng Phật Bà nghìn mắt, nghìn tay. Tượng cao 3,7m, ngang 2,1m, có 11 đầu, 46 tay lớn và 954 tay nhỏ, dài ngắn khác nhau, nở khối vươn cao như ánh hào quang. Đây được coi là một kiệt tác về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng đương thời. Tượng được đặt trên tòa sen rồng đội, với dáng hành đạo, thư thái.

Tượng Phật “Thiên thủ thiên nhỡn - nghìn mắt, nghìn tay” - một kiệt tác về tượng Phật và nghệ thuật tạc tượng đương thời

Điều đặc biệt, độc đáo của ngôi chùa chính là ngọn bảo tháp bằng đá cao lớn, uy nghiêm, vươn lên trời xanh, có tên là tháp Báo Nghiêm, nổi bật hẳn giữa vùng đồng bằng rộng lớn. Tháp Báo Nghiêm giống như cây bút khổng lồ, vươn thẳng tới trời cao thanh vắng.

Tháp cao 13,05m, 5 tầng với một phần đỉnh xây bằng đá xanh, 5 góc của 5 tầng có 5 quả chuông nhỏ, xung quanh tháp được trang trí hoa văn sinh động và độc đáo. Lòng tháp có một khoang tròn đường kính 2,29m. Tầng dưới cùng của tháp này có 13 bức chạm đá, chủ yếu là hình các con thú. Tháp thể hiện tài ghép đá và nghệ thuật điêu khắc tuyệt vời của người thợ Việt Nam xưa.

Lùi về phía sau có tháp Tôn Đức cao 11m, nơi đặt xá lị thiền sư Minh Hạnh, vị tổ thứ hai của chùa. Tháp được xây dựng từ giữa thế kỷ 17, 4 mặt tháp đều bít kín bằng đá, mới đây trong lòng tháp người ta vừa tìm thấy được 2 cuốn sách đồng cổ, khắc kinh Phật. Nhiều thế kỷ đã trôi qua, song những gì còn lại ở chùa Bút Tháp cho thấy đây là một trong những trung tâm Phật giáo có ảnh hưởng lớn tại vùng Kinh Bắc xưa, là một trong số ít những ngôi chùa còn giữ được khá nguyên vẹn khối kiến trúc, đồ thờ, tượng thờ cổ của nước ta.

Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc. Chùa Bút Tháp đã được Bộ VH-TT xếp hạng và công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ ngày 28/4/1962. Đến năm 2013, được Thủ tướng Chính Phủ cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt và Pho tượng Phật “Thiên thủ thiên nhỡn - Nghìn mắt nghìn tay” được cấp bằng công nhận là bảo vật quốc gia. Gần đây, Chùa được Chính phủ TTg phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt.

Mục tiêu quy hoạch nhằm quản lý và bảo vệ di tích trở thành trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của tỉnh Bắc Ninh và vùng phụ cận

Khu quy hoạch sẽ có tổng diện tích hơn 82.000 m2 , gồm toàn bộ phần đất thuộc khu vực bảo vệ của di tích, được xác định trong Hồ sơ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, có diện tích 28.032 m2 (Khu vực bảo vệ I có diện tích 10.441 m2; Khu vực bảo vệ II có diện tích 17.591 m2); phần đất mở rộng nằm liền kề di tích có diện tích 54.021m2 để xây dựng các công trình hạ tầng phụ trợ, công trình dịch vụ khai thác và phát huy giá trị di tích.

Về quy hoạch phân khu chức năng, khu vực bảo vệ I là khu vực có các yếu tố gốc cấu thành di tích cần bảo vệ nghiêm ngặt; bao gồm các công trình: tam quan, gác chuông, tiền đường, thiêu hương, nhà cầu, thượng điện, Tích Thiện am, nhà trung, phủ thờ, hậu đường, hai dãy hành lang, nhà Tổ đệ nhất, nhà vong, nhà khách và các sân nội tự. Khu vực bảo vệ II là khu vực cảnh quan, sân vườn và các công trình phụ trợ bao quanh khu vực bảo vệ I. Khu vực phát huy giá trị di tích và phục vụ du lịch là khu vực cảnh quan thiên nhiên bao quanh khu vực bảo vệ II tạo vùng đệm bảo vệ cảnh quan di tích và xây dựng mới các công trình phục vụ nhu cầu của khách đến tham quan di tích.

Nội dung quy hoạch theo định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; hình thành các tuyến du lịch nội vùng kết nối chùa Bút Tháp với các điểm di tích trọng điểm như: Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều (Quảng Ninh), Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà (Bắc Giang)...

Mục tiêu quy hoạch nhằm quản lý và bảo vệ di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt chùa Bút Tháp trở thành trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của tỉnh Bắc Ninh và vùng phụ cận; Đưa chùa Bút Tháp trở thành điểm du lịch văn hóa, lịch sử hấp dẫn, kết nối với các điểm tham quan, danh lam thắng cảnh trên tuyến du lịch; Góp phần khẳng định, bồi đắp các giá trị văn hóa Việt và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO