Quy hoạch 47 điểm mỏ cát, sỏi tỉnh Sơn La đến năm 2020

01/09/2017 00:00

(TN&MT) - UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành Quyết định 2309/QĐ-UBND về việc phê duyệt rà soát, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng cát, sỏi xây dựng tỉnh Sơn La đến năm 2020. Mục tiêu quy hoạch là đảm bảo nhu cầu về khối lượng, chủng loại cát, sỏi xây dựng đến năm 2020 đạt 1.913.000m3.

Theo quy hoạch, đến năm 2020, Sơn La sẽ có 47 điểm mỏ, phân bổ tại 8 huyện thành phố gồm: huyện Sông Mã 22 điểm cát sông, suối; huyện Mường La 4 điểm (1 điểm cát nghiền, 3 điểm cát, sỏi sông, suối); huyện Phù Yên 1 điểm cát sông, suối; Bắc Yên 3 điểm cát sông, suối; Quỳnh Nhai 2 điểm cát nghiền; Mộc Châu 9 điểm cát nghiền; Vân Hồ 2 điểm cát nghiền; Mai Sơn 4 điểm cát sông, suối.

Dự kiến, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện thăm dò, khái thác là 65 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư thực hiện thăm dò dự kiến 5 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân hoặc bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước. Sau khi các tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác sẽ hoàn trả chi phí nhà nước đã đầu tư thăm dò khoáng sản. Nguồn vốn đầu tư thực hiện khai thác dự kiến 60 tỷ đồng, do các tổ chức cá nhân được cấp giấy phép khai thác huy động từ nguồn vốn đầu tư hợp pháp.

Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La sẽ có 22 điểm cát sông, suối thuộc quy hoạch cho thăm dò, khai thác, sử dụng
Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La sẽ có 22 điểm cát sông, suối thuộc quy hoạch cho thăm dò, khai thác, sử dụng

Để thực hiện quy hoạch trên, tỉnh Sơn La đã đề ra các nhóm giải pháp về chính sách thu hút đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản. Trong đó, tập trung vào công tác duy trì, khuyến khích các đơn vị tham gia khai thác trên cơ sở đổi mới và trang bị công nghệ, phương tiện khai thác đồng bộ, năng suất. Đồng thời, cải cách các thủ tục hành chính dựa trên cơ sở của quy hoạch để tạo điều kiện cấp phép, gia hạn cho các hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi một cách nhanh gọn, hiệu quả.

Đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng về đường giao thông, cấp điện, cấp nước nhằm phục vụ việc khai thác, vận chuyển thuận lợi nhất, thu hút hoạt động khai thác; tạo điều kiện cho sinh hoạt và phát triển xã hội của nhân dân các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản áp dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, chủng loại sản phẩm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Tiếp tục củng cố hệ thống tổ chức các cơ quan quản lý về môi trường, các cơ quan tư vấn, kiểm tra, giám sát. Chú trọng các biện pháp để ngăn ngừa một cách có hiệu quả, hơn là khắc phục hậu quả của tác động môi trường. Giám sát chặt chẽ việc ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường của các đơn vị tham gia hoạt động khoáng sản. Quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn quỹ này cho ngăn ngừa tác động xấu đến môi trường, cải tạo và hoàn nguyên môi trường sau khai thác tài nguyên khoáng sản.

UBND tỉnh Sơn La giao Sở Xây dựng là đầu mối quản lý Nhà nước về quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, có nhiệm vụ công bố rộng rãi quy hoạch; hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản theo quy hoạch thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh và nhà nước.

Sở TN&MT phối hợp với Sở Xây dựng công bố rộng rãi quy hoạch; tổ chức thăm dò các điểm mỏ cát, sỏi trên địa bàn tỉnh. Tiến hành các thủ tục giao đất, cho thuê đất cho các chủ đầu tư cấp giấy phép khai thác khoáng sản phù hợp với dự án được duyệt. Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT trong việc hoàn thổ trả lại mặt bằng, hoàn nguyên môi trường sau khai thác khoáng sản.

Việc quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng cát, sỏi xây dựng thông thường tỉnh Sơn La đến năm 2020 được thực hiện với quan điểm phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020. Đồng thời, bảo đảm khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả khoáng sản phục vụ nhu cầu hiện tại; có tính đến sự phát triển của khoa học, công nghệ và nhu cầu khoáng sản trong tương lai. Bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác.

Thực hiện quy hoạch cũng nhằm thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành khai thác cát, sỏi xây dựng, san lấp, hướng tới bảo vệ môi trường và hoạt động bền vững các cơ sở sản xuất. Chấn chỉnh lại trật tự trong khai thác, tiết kiệm tài nguyên và đáp ứng nhu cầu thị trường, cung cấp có kế hoạch cát, sỏi cho các hộ tiêu thụ và định hướng phát triển các cơ sở hạ tầng.

Nguyễn Nga

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch 47 điểm mỏ cát, sỏi tỉnh Sơn La đến năm 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO