Quốc khánh giữa ngàn khơi Tổ quốc

02/09/2019 09:10

(TN&MT) - Để nhân dân cả nước trọn niềm vui ngày Quốc khánh, những người lính Trường Sa, nhà giàn DK1 phải đứng gác trong gió gào, sương lạnh, căng thẳng theo...

 

 (TN&MT) - Để nhân dân cả nước trọn niềm vui ngày Quốc khánh, những người lính Trường Sa, nhà giàn DK1 phải đứng gác trong gió gào, sương lạnh, căng thẳng theo dõi mục tiêu trên biển. Giữa ngàn khơi bao la ấy, mặc dù khó khăn, gian khổ, nhưng các anh luôn cảm nhận được sự tự hào, thấy được trách nhiệm, sứ mệnh lớn lao của người lính canh biển, đảo của Tổ quốc.

anh 1,
Hạ sĩ Lê Văn Thắng, canh cột mốc chủ quyền Sơn Ca

 

Tưng bừng Quốc khánh từ đảo nhỏ tiền tiêu

Đến đảo Trường Sa lớn trong những ngày Tháng Tám lịch sử, điều dễ dàng nhận thấy là không khí vui mừng chào đón kỷ niệm  năm 74 ngày Quốc khánh 2-9

Trước nhà văn hóa của đảo treo khẩu hiệu: “Tinh thần Quốc khánh 2-9 bất diệt”, bên phải dãy nhà của thanh niên phân đội một là khẩu hiệu “Chắc tay súng, vững tinh thần, quyết tâm giữ đảo”. Bên phân đội công binh các chiến sĩ đang hoàn thành nốt những mét tường xây cuối cùng, các chiến sĩ vệ binh mải mê luyện tập đội ngũ cho ngày kỷ niệm. Tất cả niềm vui lan tỏa đến từng đảo nhỏ, trong tâm hồn từng chiến sĩ.

anh 2
Tuần tra bảo vệ đảo

Trung tá Trần Văn Quyển, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa lớn cho biết: “Đã thành thông lệ, cứ dịp 2-9 là đảo tổ chức nhiều hoạt động quân sự, chính trị, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng, trong đó coi trọng công tác giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc. Chúng tôi luôn coi đó là dịp để “truyền lửa” tình yêu Tổ quốc, yêu biển đảo cho cán bộ chiến sĩ. Các chiến sĩ được kết nạp đảng dịp này, mỗi người trồng một cây xanh, các chiến sĩ trước khi vào đất liền, mỗi nhóm làm một công trình lưu niệm như bảng tin, bồn rau thanh niên”.

anh 3,
Buổi chào cờ đầu tuần trên đảo Nam Yết

Từ phong trào thi đua chung “Phát  huy truyền thống, cống  hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - người chiến sĩ Hải quân”, mỗi đảo đều vận dụng vào thực tiễn nhiệm vụ của đảo để có phong trào phù hợp, như “vượt nắng gió, khó không sờn, vững tay súng, kiên cường bám đảo” ở đảo Đá Lớn; “trạm là nhà, biển cả là quê hương, ngư dân là anh em ruột thịt” ở các nhà giàn DK1. Đảo Đá Đông có phong trào “ Rèn cán, luyện binh, quên mình vì Tổ quốc”. Đại úy Ngô Văn Kiên, Chính trị viên đảo Đá Lớn C cho biết: “Ở đảo chìm, yêu cầu huấn luyện cao hơn, nhất là công tác phòng thủ đảo. Để góp phần giảm bớt những khó khăn, vất vả, chúng tôi luôn coi trọng việc thi đua, học tập, noi gương lẫn nhau. Đây chính là phương pháp tự học, tự rèn của mỗi chiến sĩ”.

anh 4,
Hạ xuồng vào nhà giàn mùa biển động

Hơn một tuổi quân, hơn một năm làm nhiệm vụ ở đảo, điều đọng lại trong tim hạ sĩ Lê Văn Thắng, phân đội cơ động hỏa lực ở đảo Sơn Ca, không chỉ về tình đồng đội “đồng cam cộng khổ” nơi “quần đảo bão tố”, mà còn là tình yêu biển đảo mãnh liệt trong tim anh. Trước khi về đất liền xuất ngũ, Thắng đã tự tay mình trồng một cây bàng vuông, coi đó là kỷ niệm những ngày tháng công tác tại đảo. Thắng chia sẻ: “Sống ở đảo tuy vất vả, khó khăn, nhưng thực sự đó là những ngày ý nghĩa, đẹp đẽ nhất của đời lính. Những ngày lăn lộn trong nắng lửa mưa rào ở đảo, tôi hiểu rằng, lý tưởng của thanh niên không gì đẹp hơn bằng cống hiến cho Tổ quốc. Đó chính là hành trang trong bước đường tiếp theo của tôi khi xuất ngũ”.

anh 2,
Chào cờ Tổ quốc sáng thứ hai hàng tuần ở các nhà giàn

Cũng tinh thần được cống hiến như Thắng, chàng sĩ quan trẻ Trung úy Lê Mạnh Hà ở nhà giàn DK1/11 chia sẻ: “So với Trường Sa thì nhà giàn DK1 còn nhiều khó khăn hơn. Nhưng chính nó đã giúp tôi trưởng thành và bản lĩnh. Những năm tháng ở nhà giàn DK1, biển, đảo đã ngấm vào máu thịt và trở thành thiêng liêng. Trong tình hình hiện nay, nhất là khi biển Đông có nhiều phức tạp, nhiệm vụ của chúng tôi nặng nề hơn, đặt ra yêu cầu cao hơn. Luôn nêu cao cảnh giác, không để sót lọt mục tiêu, quyết tâm bảo vệ chủ quyền là phương châm bất di bất dịch”.

anh 14,
Huấn luyện sẵn sàng chiến đấu

 

Càng khó khăn, càng vững niềm tin

Trường sa bây giờ đã không còn gian khổ như trước đây nữa, nhưng không phải đã hết khó khăn, vất vả. Trong toàn quần đảo, chỉ các đảo nổi như Trường Sa lớn, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Song Tử Tây có nước ngọt nhiều hơn, còn các đảo chìm như Đá Lớn, Đá Lát, Tiên Nữ, Tốc Tan, nước ngọt dùng mỗi ngày cho cán bộ chiến sĩ vẫn phải tắm “theo kế hoạch”. Bây giờ ngoài Trường Sa đang là cuối mùa mưa, cán bộ chiến sĩ ở các đảo chìm dùng nước có phần “xông xênh” hơn, nhưng cũng phải tiết kiệm chi li, hai ngày tắm một lần.

anh 6,
Vững tay súng canh chủ quyền Tổ quốc

Trung tá Trần Văn Quyển, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa chân thành: “Nói đến lính đảo gắn liền với vất vả và thiếu thốn, nhưng đó cũng chính là môi trường để rèn luyện bản lĩnh và thử sức chịu đựng. Đã là lính thì khó khăn, vất vả là thường. Chính vì xác định tốt tư tưởng, nhiệm vụ nên càng khó khăn, lính đảo càng vững ý chí niềm tin”.

anh 10 ,
Tàu trực nhà giàn

Còn đối 15 nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc, 14/15 nhà giàn đều có nước ngọt, rau xanh và có điện chiếu sáng từ nguồn năng lượng mặt trời, song nước ngọt, rau xanh vẫn là “hàng hiếm”. Tuy còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song cán bộ chiến sĩ ở trên những những “pháo đài canh biển” này, vẫn yêu đời, lạc quan. Họ chấp nhận gác lại tình riêng, thu xếp ổn thỏa hoàn cảnh gia đình để yên tâm làm nhiệm vụ.

anh 11,
Tàu cá của ngư dân luôn bên cạnh nhà giàn DK1

Tiêu biểu trong những tấm gương vượt khó ấy là thượng úy chuyên nghiệp Phạm Thành An, hiện công tác tại nhà giàn DK1/21. Ở hậu phương, hơn 12 năm qua, mẹ anh- bà Lê Thị Tâm bị bại liệt biến chứng phải nằm liệt giường, con gái đầu bị rò tủy bẩm sinh. Hằng ngày vợ anh phải chăm sóc mẹ chồng tập đi từng bước. “Đã là người lính thì chấp nhận gian khổ hi sinh, đó cũng là lẽ thường. Hi sinh vì nghĩa lớn thì đó là sứ mệnh của người lính”, thượng úy An chia sẻ.

anh 12,
Nhà giàn Tư chính lãng mạn cuối chiều

 

anh 8,
Nhà giàn DK1/14 (Tư chính 5) vững vàng trước bạt ngàn dông tố

Vững chắc tay súng canh giữ biển trời

Để nhân dân cả nước trọn niềm vui ngày Quốc khánh, những người lính Trường Sa, nhà giàn DK1 phải đứng gác trong gió gào, sương lạnh, căng thẳng theo dõi mục tiêu trên biển. Giữa ngàn khơi bao la ấy, mặc dù khó khăn, gian khổ, nhưng các anh luôn cảm nhận được sự tự hào, thấy được trách nhiệm, sứ mệnh của người lính canh biển.

anh 5,
Tăng gia trồng rau xanh

Là người “dẫn đường tư tưởng” cho cán bộ, chiến sĩ, Chính trị nhà giàn DK1/14 Trung tá Vũ Duy Lương cho biết: “Những ngày lễ, tàu của cá nước ngoài thường xuyên lợi dụng cơ hội, xuống thăm dò, trinh sát, xâm phạm vùng biển của ta. Để không bất ngờ, đơn vị đã tăng cường quan sát, nêu cao tinh thần cảnh giác, mọi động thái của tàu thuyền đều được theo dõi chặt chẽ, tất cả các mục tiêu không được bỏ sót”.

anh 15,
Huấn luyện điều lệnh đội ngũ

 

anh 13,
Tập thể dục sáng trên nhà giàn Tư chính

 

anh 9,
Câu cá cải thiện đời sống

Trong ngày vui kỷ niệm 74 năm chào mừng Quốc khánh 2-9, những người lính Trường Sa và nhà giàn DK1, không bao giờ quên công lao của các anh hùng liệt sĩ. Trước khi ngã vào lòng biển mẹ, đại úy Vũ Quang Chương đã ôm cờ Tổ quốc vào lòng, giữa cái chết cận kề trong gang tấc, trung úy Nguyễn Hữu Quảng đã nhường áo phao cá nhân và miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội rồi để sóng cuốn đi. Tiếng nói của anh hùng Liệt sĩ Trần Văn Phương sẽ mãi khắc sâu trong tâm khảm của cán bộ chiến sĩ Trường sa, từ thế hệ này, sang thế hệ khác: “Thà hi sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng Hải quân”. Quyết không đầu hàng trước họng súng quân địch, binh nhất Trần Thiên Phụng đã thét lớn: “Đất nước chúng tôi không bao giờ dạy người lính đầu hàng”.

Tiếng nói ấy không chỉ thể hiện khí phách anh hùng, mà còn là tư thế của người làm chủ thực sự biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó là một tuyên ngôn bất tử về Trường Sa của những người đã ngã. Tuyên ngôn ấy đang được cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, DK1 hôm nay quyết đem tính mạng của mình bảo vệ từng tấc đất, sải sóng thiêng liêng của Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc khánh giữa ngàn khơi Tổ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO