Quốc hội thảo luận trực tuyến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia và kế hoạch sử dụng đất

Khương Trung – Thanh Tùng| 30/10/2021 20:27

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 30/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội điều hành thảo luận trực tuyến về Dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).

Qua thảo luận, các đại biểu đã đánh giá cao kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kì 2011-2020. Đa số đồng tình nhận định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhỏ nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh lương thực.

Các đại biểu cũng nêu bất cập, hạn chế cần khắc phục như chất lượng quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu, có trường hợp điều chỉnh quy hoạch tùy tiện dẫn đến lãng phí, thất thoát, ảnh hưởng đời sống nhân dân. Nhiều chỉ tiêu đạt thấp so với mục tiêu, có chỉ tiêu đạt dưới 50% như đất khu công nghiệp, đất xây dựng cơ sở thể dục thể thao, đất lịch sử, văn hóa, danh thắng, đất bãi thải, xử lý chất thải. Lập điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất ở các địa phương rất chậm.

Nhiều ý kiến cho rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn tới, đảm bảo thống nhất giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch tỉnh và đảm bảo phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phải phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đề cao vai trò giám sát của nhân dân và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Đồng thời đưa ra các chỉ tiêu cụ thể như chỉ tiêu đất trồng lúa, đất trồng rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất khu công nghiệp và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai.

Đại biểu Quốc hội đánh giá kế hoạch sử dụng đất bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Bên cạnh đó, Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cần phân tích đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động của biến đổi khí hậu đối với các ngành, vùng trọng điểm, dự báo sát tình hình biến động của các loại đất đai. Từ đó có phương án sử dụng đất linh hoạt, hiệu quả, vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, duy trì an ninh lương thực, vừa thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, nhất là những vùng chịu ảnh hưởng, tác động lớn như đồng bằng sông Cửu Long…

Phát biểu giải trình, làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, dự thảo Quy hoạch được xây dựng trên quan điểm quy hoạch đất đai sẽ đi trước một bước và là nền tảng để định hướng cho các quy hoạch và định hướng không gian từ đó vừa đáp ứng được thực tiễn phát triển như hiện nay vừa giữ gìn được tài nguyên thổ nhưỡng quý giá là đất đai cho thế hệ sau. Dự thảo Quy hoạch tiếp cận theo không gian, hệ sinh thái, cân bằng giữa quy hoạch “tĩnh” và quy hoạch “động” phù hợp với thị trường, trên cơ sở hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường, được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc “ba ranh giới” (ranh giới nghiêm ngặt bảo vệ; ranh giới hạn chế phát triển; ranh giới khuyến khích phát triển để chuyển đổi mục đích cho phát triển kinh tế, xã hội) và “bốn khu vực” (khu vực bảo tồn, bảo vệ nghiêm ngặt; khu vực ổn định, hạn chế chuyển mục đích sử dụng đất; khu vực cho phép chuyển mục đích sử dụng đất có điều kiện; khu vực được phép chuyển mục đích sử dụng đất).

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và hoàn thiện các ý kiến về vấn đề thể chế đối với quản lý trong quá trình xây dựng quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ quy hoạch, sử dụng hiệu quả quy hoạch và các chế tài . Thống nhất với các ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với các nhóm vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai nói chung và dữ liệu quy hoạch nói riêng; công khai, tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch.

Đối với việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các địa phương, các ngành và lĩnh vực sau khi hoàn thiện quy hoạch để thực hiện được yêu cầu phát triển kinh tế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, chỉ quy hoạch sử dụng đất đai là không đủ, phải đồng bộ, thống nhất với các quy hoạch khác như quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn, quy hoạch giao thông, quy hoạch các ngành khác sử dụng đất... thì chúng ta mới có thể quản lý, kiểm soát được và phát triển đồng bộ được.

Đối với vấn đề liên quan đến chuyển dịch ở các khu vực cần phải có những chính sách để điều tiết nguồn thu từ đất cho các địa phương đang có trách nhiệm để gìn giữ, bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên như là bảo vệ rừng, bảo vệ các thủy vực, vấn đề an ninh, quốc phòng v.v..

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên họp

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ có báo cáo tiếp thu, giải trình những ý kiến trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Phối hợp với Ủy ban Kinh tế, các cơ quan của Quốc hội hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua trong lần họp trực tiếp của Quốc hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận trực tuyến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia và kế hoạch sử dụng đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO