Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật hàng hải và Luật Trưng cầu ý dân

03/06/2015 00:00

(TN&MT) - Chiều 3/6, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam và Dự án Luật Trưng cầu ý dân.

Luật Hàng hải phải bảo vệ lợi ích chủ quyền của Việt Nam

Ý kiến các đại biểu đều thống nhất cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam để đáp ứng yêu cầu và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển, hội nhập của hệ thống cảng biển Việt Nam theo hướng quy mô lớn, hiện đại và bảo đảm tốt nhu cầu lưu thông hàng hóa, hành khách trong nước, với nước ngoài. Đồng thời bảo đảm tính phù hợp, thống nhất với Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc hệ thống pháp luật Việt Nam; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ chiều 3/6. Ảnh: VOV
Đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ chiều 3/6. Ảnh: VOV

Dự thảo Luật lần này bao gồm 366 Điều áp dụng trong lĩnh vực hàng hải với việc bổ sung 108 Điều, sửa đổi 107 Điều từ Luật hàng hải năm 2005.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đồng tình với dự thảo luật khi đã từng bước tiếp cận được với các thông lệ quốc tế. Riêng trong quy định vận chuyển nội địa bằng đường biển phải được chuyên chở bằng tàu biển Việt Nam, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, điều này hết sức cần thiết, sẽ tạo động lực và tăng cường việc phát triển phương thức vận tải biển.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) lại đề nghị bổ sung “hoạt động hàng hải tại Việt Nam và vùng biển của Việt Nam”. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, theo tinh thần của Luật Biển đã thống nhất, bảo vệ quyền lợi của Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam sẽ gồm có vùng đặc quyền và thềm lục địa. Do vậy, nếu chỉ áp dụng Luật trong phạm vi tại Việt Nam sẽ không bao gồm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

“Nguyên tắc hoạt động hàng hải là phải bảo đảm bảo vệ lợi ích chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán. Lợi ích này sẽ phát sinh trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Do đó, nên bổ sung phạm vi áp dụng của luật để khi có tranh chấp, tòa án quốc tế, trọng tài quốc tế sẽ xử lý sẽ căn cứ vào điều luật này. Nếu chúng ta chỉ nói Luật áp dụng cho hoạt động hàng hải tại Việt Nam sẽ được hiểu là chỉ áp dụng trên lãnh thổ Việt Nam, không bao gồm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa”, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa chỉ rõ.

Về quy định tạm giữ tàu biển, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM), nếu chỉ quy định như Điều 158 sẽ rất khó khăn trong việc thực hiện. Nếu chỉ quy định tàu biển bị tạm giữ nếu không đủ an toàn và an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường sẽ rất khó thực thi.

“Những tàu nước ngoài vào cảng của Việt Nam sẽ không biết tàu nào không gây ô nhiễm bởi hàng loạt các hoạt động như rửa tàu, cạo tàu, thay dầu, xả rác thải… nhưng nếu chúng ta tạm giữ khi Luật chưa rõ ràng nhiều khả năng sẽ phải đền bù thiệt hại cho các hãng tàu”, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa phân tích.

Thủ tướng phải có quyền đề nghị đưa ra những vấn đề trưng cầu ý dân

Thảo luận về dự án Luật trưng cầu ý dân, đa số ý kiến đại biểu cho rằng việc xây dựng luật là cần thiết nhằm kịp thời cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, tạo cơ sở pháp lý cho người dân tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước.

Các đại biểu cũng cho rằng, nội dung của Luật Trưng cầu ý dân phải phù hợp với các quy định của Hiến pháp và các luật có liên quan, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Hiến pháp đầu tiên của chúng ta cũng đã đề cập đến vấn đề này. Giờ chúng ta mới xây dựng luật đưa vào cuộc sống cũng là phù hợp. Điều này mang tính dân chủ trực tiếp đòi hỏi phải biến thành tập quán, thói quen của xã hội. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc trưng cầu ý dân cũng cần phải có lộ trình, chứ không cẩn thận bị lôi cuốn khác nhau sẽ mang lại tác hại.

Đại biểu Trần Văn Tư (Đồng Nai) nêu quan điểm: Chúng ta cũng không nên cầu toàn, đây là bước khởi đầu để thể hiện quyền dân chủ, quyền lực của nhân dân. Việc quy định những vấn đề cần trưng cầu ý dân theo đại biểu quy định trong phạm vi cả nước là phù hợp.

Đại biểu Trần Văn Tư tán thành với phương án thứ 2 về chủ thể có quyền quyết định trưng cầu dân ý.  Đại biểu cho rằng, nếu không cho Thủ tướng có quyền quyết định trưng cầu ý dân là không phù hợp. “Thủ tướng phải có quyền đề nghị đưa ra những vấn ra trưng cầu ý dân” – đại biểu nói.

Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) lại đề nghị cần làm rõ khái niệm thế nào là trưng cầu ý dân, thế nào là lấy ý kiến nhân dân. “Việc lấy ý kiến ở phạm vi lớn vượt tầm của Quốc hội, muốn nâng tầm sức mạnh về pháp lý thì phải trưng cầu ý dân”.

Theo đại biểu, có thể tiến hành trưng cầu ý dân đối với một số dự án kinh tế lớn để sau nay người dân dễ thực hiện.

Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang) cũng cho rằng cần làm rõ những vấn đề cần trưng cầu ý dân. Luật nên quy định rõ nội dung nào cần đưa ra trưng cầu ý dân. Ví dụ như vấn đề lãnh thổ có đưa ra trưng cầu ý dân được không?

Cách thức tiến hành trưng cầu ý dân cũng cần phải nghiên cứu kỹ. Nếu làm giống bầu cử quốc hội, hội đồng nhân dân, chỉ làm địa điểm ở xã rồi gọi dân đến bỏ phiếu là không được, hình thức. Đại biểu nêu ví dụ sân bay Long Thành trưng cầu ý dân thì phải cung cấp thông tin cho người dân hiểu, thông qua hội nghị, không thể làm qua loa được.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) đề nghị bổ sung nguyên tắc đảm bảo tính thời sự. Thời gian trong dự thảo tính sơ sơ để tổ chức trưng cầu ý dân là 2 tháng, như vậy là dài quá!

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) kiến nghị nếu là vấn đề lớn như Hiến pháp thì trưng cầu ý dân cả nước, còn vấn đề của địa phương thì có thể chỉ trưng cầu trong phạm vi địa phương.

Minh Trang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật hàng hải và Luật Trưng cầu ý dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO