Quốc hội nghe các Báo cáo thẩm tra công tác tư pháp

13/11/2018 15:18

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình ngày làm việc tại Kỳ họp thứ 6, sáng 13/11, Quốc hội đã nghe báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2018.

Toàn cảnh sáng 13
Toàn cảnh phiên họp sáng 13/11. Ảnh: Quốc Khánh

Trình bày báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2018, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt triển khai nhiều phương án, kế hoạch phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, đã giải quyết những điểm nóng về an ninh, trật tự do các đối tượng phản động kích động, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Xử lý nghiêm nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao có hành vi phạm tội, tiếp tay, bao che cho các đối tượng phạm tội…

Nhìn chung, các biện pháp phòng ngừa xã hội được triển khai đồng bộ đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; một số loại tội phạm giảm sâu so với năm trước.

Tuy nhiên, qua giám sát, Uỷ ban Tư pháp nhận thấy còn nổi lên 8 vấn đề. Cụ thể, dù tội phạm được kiềm chế trên nhiều lĩnh vực nhưng lại gia tăng về số người chết do hậu quả của các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm thuộc lĩnh vực xâm phạm trật tự xã hội; một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và sơ hở trong quy trình tổ chức Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2018 để sửa điểm, làm sai lệch kết quả thi ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình; việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần để một số đối tượng trốn tránh trách nhiệm hình sự chưa được khắc phục và có dấu hiệu trầm trọng hơn…

Đối với công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, đã đạt được nhiều kết quả tích cực và đạt chỉ tiêu của Nghị quyết số 63 của Quốc hội, đặc biệt việc tập trung lực lượng điều tra khám phá nhiều vụ án xâm hại trẻ em, đặc biệt là án hiếp dâm trẻ em (457 vụ, tăng 2,47%).

Tuy nhiên, Uỷ ban Tư pháp nêu rõ, nhóm tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (51,79%), nhưng tỷ lệ phát hiện chưa nhiều. Tội phạm về chức vụ, tham nhũng bị xử lý mặc dù tăng nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Hoạt động “bảo kê cho vi phạm” diễn ra khá công khai tại các bến xe, chợ đầu mối nhưng không được cơ quan chức năng phát hiện, xử lý kịp thời, có vụ chỉ được xử lý khi dư luận và báo chí phản ánh .

Tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, nhất là hiếp dâm trẻ em mặc dù đã được các cơ quan quan tâm chỉ đạo điều tra, xử lý nhưng vẫn tiếp tục xảy ra một số vụ án nghiêm trọng . Dư luận và cử tri cho rằng vẫn còn một số trường hợp có biểu hiện “hành chính hóa” quan hệ hình sự, tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm. Đây cũng là hiện tượng Uỷ ban Tư pháp đã kiến nghị nhiều năm nhưng đến nay tình trạng này chưa được khắc phục.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo sáng 13/11. Ảnh: Quốc Khánh

Thẩm tra Báo cáo công tác năm 2018 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá về những kết quả đạt được. Uỷ ban Tư pháp cũng nhận thấy, năm 2018, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) các cấp tiếp tục có những chuyển biến tích cực. VKSND các cấp đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử. Trách nhiệm công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa tiếp tục được nâng lên.

Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh, công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSNDTC đạt kết quả đáng ghi nhận. Nếu như các năm trước, các vụ án khởi tố, điều tra chủ yếu đối với cán bộ thi hành án dân sự, thì năm nay Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã khởi tố, điều tra các chức danh tư pháp khác của Cơ quan điều tra, VKSND, Toà án Nhân dân. Trong đó nhiều vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận cử tri đồng tình, ủng hộ , nhất là 3 vụ dùng nhục hình tại các cơ sở giam giữ.

Uỷ ban Tư pháp lưu ý, một số VKSND chưa kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác về tội phạm, dẫn tới còn để 3.368 tố giác vi phạm thời hạn giải quyết, tăng 193%. Vẫn còn 39 trường hợp VKSND đã phê chuẩn bắt khẩn cấp, gia hạn tạm giữ sau đó phải trả tự do, không xử lý hình sự. Chất lượng giải quyết một số vụ án chưa đáp ứng yêu cầu. Còn 24 bị can bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố, có trách nhiệm của Viện Kiểm sát. Vẫn còn để xảy ra 10 trường hợp VKSND phải rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa, trong đó có 3 trường hợp bị oan…

Thẩm tra Báo cáo công tác năm 2018của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Uỷ ban Tư pháp cũng cơ bản tán thành với đánh giá của TANDTC về những kết quả đạt được. Năm 2018, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội. Chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được nâng lên. Hình phạt mà Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật. Việc cho các bị cáo hưởng án treo đúng pháp luật (đạt 99,3%). Việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ bảo đảm đúng pháp luật (đạt 99,3%).

Tòa án nhân dân các cấp đã khẩn trương đưa ra xét xử 200 vụ án tham nhũng với 472 bị cáo (tăng 39 bị cáo); đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Uỷ ban Tư pháp đặc biệt đánh giá cao việc TANDTC đã tiến hành công khai các bản án trên Cổng thông tin điện tử, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát, qua đó buộc mỗi Thẩm phán phải đề cao hơn nữa trách nhiệm. Ngoài ra, TANDTC đã lựa chọn và ban hành 27 án lệ; ban hành Bộ quy tắc chuẩn mực đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, làm căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền đánh giá và xã hội giám sát Thẩm phán.

Uỷ ban Tư pháp lưu ý, vẫn còn một số trường hợp Tòa án tuyên mức án chưa tương xứng với tính chất và mức độ của hành vi phạm tội; 86 trường hợp phải hủy án, 149 trường hợp phải sửa án . Còn 117 trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định, thậm chí, có trường hợp tuyên án treo gây bất bình trong dư luận (vụ Nguyễn Khắc Thủy phạm tội dâm ô với trẻ em xảy ra tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Uỷ ban Tư pháp cũng chỉ rõ, theo Báo cáo của VKSNDTC, Viện kiểm sát đã ban hành 760 kiến nghị đối với TAND yêu cầu khắc phục các vi phạm trong quá trình giải quyết vụ án hình sự…

Thẩm tra Báo cáo về công tác thi hành án năm 2018, Uỷ ban Tư pháp cũng cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả đạt được trong công tác này. Đặc biệt, dù số vụ việc phải thi hành án tăng cao nhất từ trước đến nay, nhưng đã thi hành xong 80,3% về việc và 38,4% về tiền trong số có điều kiện thi hành; số vụ việc khiếu nại, tố cáo được giải quyết đạt 97,1% - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.

Uỷ ban Tư pháp lưu ý, số án tồn đọng chuyển kỳ sau vẫn ở mức cao và tăng. Việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án trọng điểm kết quả rất thấp; kết quả thi hành án đối với các khoản nợ của các tổ chức tín dụng vẫn đạt tỷ lệ thấp và giảm. Đồng thời đến nay, vẫn còn 151 bản án mà người phải thi hành án là UBND, Chủ tịch UBND chưa được thi hành xong (tăng gấp 03 lần so với cùng kỳ năm trước). Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân và có giải pháp quyết liệt nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.

Đối với thi hành án hình sự, Uỷ ban Tư pháp lưu ý, số người bị kết án phạt tù nhưng chưa áp giải thi hành án và đang ở ngoài xã hội còn nhiều (hiện còn 5.279 người). Vẫn để xảy ra 20 vụ phạm nhân trốn khỏi cơ sở giam giữ, và đáng lưu ý có 2 trường hợp phạm nhân chết do cán bộ trại giam dùng nhục hình. Uỷ ban Tư pháp cũng đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân của việc chậm áp giải người đã có quyết định thi hành án phạt tù đi thi hành án và khẩn trương có biện pháp giải quyết tình trạng này, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Uỷ ban Tư pháp cũng đánh giá về tình hình thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, trong năm 2018, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC tiếp tục thực hiện công tác giải quyết đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại do bị oan trong tố tụng hình sự theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nhìn chung, việc thương lượng, bồi thường, tổ chức xin lỗi công khai người bị oan được thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết đơn yêu cầu bồi thường còn thấp, đặc biệt là tại các cơ quan THADS (chỉ giải quyết được 7/33 đơn, tỷ lệ 21,2%); một số vụ đã kéo dài qua nhiều năm, gây bức xúc, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị oan và gây bức xúc, giảm niềm tin của người dân vào tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật.

Qua thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC, Uỷ ban Tư pháp đã có 17 kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, VKSNDTC, TANDTC; và đề nghị các cơ quan báo cáo QH về kết quả thực hiện các kiến nghị này tại Kỳ họp thứ Tám.

Sau khi nghe các báo cáo trên, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội nghe các Báo cáo thẩm tra công tác tư pháp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO