Dân tộc - Tôn giáo

Quốc hội chất vấn nội dung giảm nghèo, di cư và nguồn vốn cho phát triển vùng đồng bào dân tộc

Trường Giang - Khương Trung 06/06/2023 19:36

Chiều 6/6, tiếp tục Chương trình làm việc, Quốc hội chất vấn thành viên Chính phủ nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Dân tộc.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm nghèo

Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho biết, nhiều người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số không muốn thoát nghèo, cận nghèo để tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi. Đại biểu cho rằng, tâm lý không muốn thoát nghèo, cận nghèo diễn ra khá phổ biến trên cả nước, nếu không có biện pháp xử lý khiến công tác xóa nghèo của Nhà nước không đạt hiệu quả. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân, cần thực hiện các giải pháp gì để đồng bào có nhận thức đồng hành thoát nghèo.

dai-bieu-pham-van-hoa-doan-dbqh-tinh-dong-thap.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chất vấn

Trả lời ý kiến của Đại biểu Phạm Văn Hòa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết, qua nghiên cứu tài liệu của các bộ ngành, các địa phương liên quan và khảo sát thực tế, hiện tượng này là có thật, xuất phát từ nhiều yếu tố. Nhiều hộ dân thoát diện nghèo, nhưng thu nhập cải thiện không nhiều, trong khi không nhận được sự hỗ trợ từ chính sách nữa nên đời sống vẫn bấp bênh.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cho rằng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tổng hợp. Nguyên tắc, tiêu chí giảm nghèo đã được ban hành. Để thống kê, tổng hợp, rà soát hộ nghèo trên phạm vi cả nước, các địa phương cần thực hiện một cách khách quan, trách nhiệm, để đảm bảo người dân thoát nghèo bền vững, đảm bảo điều kiện tối thiểu để người dân yên tâm sinh sống. Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền, thuyết phục để bà con hiểu được chính sách của Đảng, Nhà nước, tự nguyện vươn lên.

Hệ thống tiêu chí giảm nghèo còn phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, phụ thuộc vào yếu tố phát triển từng giai đoạn, nên cần xây dựng hệ thống tiêu chí phù hợp, tổng hợp, tiến tới phải có những hệ thống tiêu chí phù hợp hơn, để người thoát nghèo sống tốt, không tái nghèo trở lại.

060620230359-z4409187936000_605f7df891695b1c0ce0f6fa65d4f50f(1).jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu trả lời chất vấn

Về dự án hỗ trợ nhà ở, đất ở, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết trước đây gặp vướng mắc do chưa có văn bản quy định về định mức hỗ trợ nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt. Vừa qua, UBDT đã trình Chính phủ ban hành Quyết định 04 quy định về định mức nhà ở, đất ở. Như vậy đã có định mức cơ sở để các địa phương triển khai.

Tuy nhiên, còn vướng mắc do nguồn hỗ trợ dự án này là nguồn đầu tư công, mà theo Luật Đầu tư công, mỗi dự án đều theo quy trình xây dựng cơ bản rất phức tạp. Qua nghiên cứu, rà soát, hiện Nghị định 27 đã được sửa đổi, cho cơ chế được áp dụng cấp phát cho bà con nhân dân, vì những dự án này là đầu tư trực tiếp từng hộ gia đình, không phải cộng đồng dân cư, thôn bản, nên không thể lập dự án chung. Như vậy, hai vấn đề vướng mắc trong dự án này đã được giải quyết xong.

Trả lời đại biểu Quốc hội về dự án hỗ trợ sản xuất dược liệu quý, Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, việc này đã giao Bộ Y tế là cơ quan chủ trì, Bộ Y tế đã có Thông tư số 10 để hướng dẫn thực hiện dự án này.

Tuy nhiên, Thông tư này cũng có vướng mắc về quy định liên quan đến diện tích, danh mục cây dược liệu quý. Hiện Bộ Y tế đang sửa Thông tư 10 theo hướng tháo gỡ những vướng mắc này, sẽ ban hành trong tháng 6. Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho rằng, để giải quyết hiệu quả vấn đề này, cần sửa Luật Lâm nghiệp, vì vùng trồng dược liệu quý chủ yếu nằm dưới tán rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, mà theo Luật Lâm nghiệp thì khu vực này không phát triển kinh tế, không làm sinh kế, nên gây ra vướng mắc.

Xây dựng các dự án tái định cư đảm báo điều kiện để hạn chế tình trạng di cư

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho biết, hiện nay chúng ta đã có nhiều chính sách định canh, định cư cho bà con dân tộc thiểu số và miền núi, tuy nhiên một bộ phận người dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mông vẫn đang du canh, du cư phát nương, làm rẫy, mang theo cả gia đình, đời sống rất khó khăn.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nêu rõ những giải pháp giúp bà con dân tộc thiểu số và miền núi định cư ổn định cuộc sống trong thời gian tới.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng nhận định, tình hình di cư tự do trong một bộ phận đồng bào vẫn còn tái diễn, mặc dù chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện về đất sản xuất, nhà ở, hỗ trợ đời sống cho đồng bào khó khăn để giữ đồng bào bám đất, giữ nhà. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Bộ trưởng với vai trò, trách nhiệm của mình cần quan tâm hơn đến công tác hạn chế di cư tự do.

dai-bieu-khang-thi-mao-doan-dbqh-tinh-yen-ba.jpg
Đại biểu Khang Thị Mào - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái chất vấn

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, qua khảo sát tình trạng đồng bào di cư từ địa phương này sang địa phương khác không chỉ diễn ra đối với đồng bào dân tộc Mông, mà xảy ra với các dân tộc khác. Về tập tục, tập quán thì từ trước đến nay là đồng bào dân tộc Mông di cư nhiều hơn, thường xuyên hơn, có trường hợp di cư đến nhiều địa bàn nhiều tỉnh khác nhau. Hiện nay có những hộ gia đình chưa có hộ khẩu ổn định nhưng đã di cư đến 3 – 4 tỉnh.

Bộ trưởng cũng lý giải nguyên nhân của tình trạng này và nêu ra các giải pháp cho tình trạng này. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền cho người dân về chính sách pháp luật, kịp thời nắm bắt giải quyết vướng mắc của cộng đồng dân cư để yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, có một số nhóm đồng bào không thuộc vùng dự án, không được thụ hưởng các chương trình mục tiêu quốc gia. Vì vậy, thực hiện Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc sẽ tập trung nguồn lực đầu tư tại vùng khó khăn nhất.

Trong giai đoạn sau của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tập trung 12 nhóm chính sách, giải quyết những vướng mắc trong Quyết định 861. Tiếp đó, nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được hưởng chính sách để xây dựng các chính sách phù hợp vào giai đoạn sau. Như vậy các giải pháp này vừa tổng quan, vừa có trọng tâm, trọng điểm, có phân kỳ theo từng giai đoạn để đầu tư, hỗ trợ cho bà con Nhân dân. Về trách nhiệm của Ủy ban Dân tộc sẽ cùng phối hợp với các bộ, ngành để đánh giá, rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung những chính sách bất cập, đồng thời có những chính sách mới trong giai đoạn mới.

 Bộ trưởng khẳng định, có nhiều nhóm cộng đồng dân cư có điều kiện sống rất tốt, được bố trí tái định cư sau thu hồi đất nhưng vẫn di cư, chủ yếu do tập quán và kinh tế. Giải pháp hiện nay vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con Nhân dân tại chỗ. Ngoài ra, khi xây dựng các dự án tái định cư khi thu hồi đất cần xây dựng các dự án tái định cư theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là đầy đủ các điều kiện về dịch vụ cơ bản để người dân ổn định cuộc sống.

Bố trí đầy đủ vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT- XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, ngày 19/6/2020, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết 120 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 20 21-2030.

dai-bieu-vuong-thi-huong-doan-dbqh-tinh-ha-giang.jpg
Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang chất vấn

Tại Khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 120 giao Chính phủ: Trong quá trình điều hành, Chính phủ tiếp tục rà soát, cân đối, bố trí ngân sách trung ương bổ sung cho Chương trình tăng chi đầu tư phát triển, hỗ trợ để tăng vốn tín dụng chính sách và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa trong Chương trình. Với vai trò là cơ quan thường trực của Chương trình, đại biểu đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết đã tham mưu cho Chính phủ thực hiện nhiệm vụ này như thế nào, kết quả ra sao?

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, khoản 4 Điều 2 Nghị quyết 120 có giao Chính phủ nhiệm vụ bố trí vốn trong cơ cấu vốn của tổng cơ cấu vốn được phê duyệt, huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước.

Về bố trí vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bố trí đủ vốn theo đúng tinh thần của Nghị quyết cho giai đoạn từ nay đến 2025.

Ngoài ra, trong cơ cấu vốn bố trí cho chương trình còn có một số nguồn vốn khác, gồm vốn tín dụng, vốn của địa phương đối ứng. Về huy động nguồn ngoài ngân sách nhà nước, chúng ta đã huy động nguồn ODA và các nguồn vốn xã hội khác. Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc khẳng định, đến thời điểm hiện nay, Chính phủ đã trình Quốc hội bố trí đủ nguồn theo kế hoạch hàng năm để triển khai theo đúng kế hoạch bố trí vốn Quốc hội đã phê duyệt.

Về giải pháp huy động nguồn vốn khác, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết, ngay sau khi trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương quyết định đầu tư, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp cùng Bộ Kế hoạch Đầu tư và các Bộ, ngành để tham mưu Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng kế hoạch huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách gồm các nguồn vốn ODA, vốn các doanh nghiệp, các tổng công ty, nhưng đúng thời điểm năm 2021, 2022, đất nước gặp nhiều khó khăn qua dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức, nên không đặt vấn đề huy động trong giai đoạn này.

Về vốn ODA, Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục Đào tạo và một số bộ, ngành làm việc với Ngân hàng Thế giới để huy động ngân sách gần 9000 tỷ, hiện nay đã xây dựng xong khung chính sách, tiến hành khảo sát các địa phương để tập trung đầu tư cho 75 tuyến đường cho các xã đặc biệt khó khăn. Khung chính sách đã được Ngân hàng Thế giới chấp thuận, tuy nhiên, trong quá trình đàm phán năm 2022 vẫn còn một số vấn đề vướng mắc nên chưa giải ngân vốn nhà nước gây áp lực trần nợ công. Các Bộ, ngành đã đề xuất tạm dừng, Ngân hàng Thế giới thống nhất dừng lại đến hết năm tài khóa 2022. Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp với các bộ, ngành để báo cáo Chính phủ cho tiếp tục nghiên cứu, đàm phán lại dự án này.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng về khả năng huy động vốn ngoài ngân sách cho việc thực hiện Chương trình theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc sẽ cố gắng thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Về các nguồn ngân sách huy động từ các tổ chức trong nước, hiện nay đang trong giai đoạn khó khăn, Ủy ban Dân tộc sẽ tùy theo diễn biến tình hình để báo cáo Chính phủ huy động vào thời điểm thích hợp.

Theo chương trình kỳ họp, sáng mai (7/6), Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và các thành viên Chính phủ liên quan đối với nhóm vấn đề về dân tộc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Bảo tồn nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái ở Quan Sơn
Đời sống văn hóa các dân tộc ở huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) phản ánh sinh động sâu sắc sự đoàn kết chung sống, hòa hợp giữa các dân tộc Thái, Kinh, Mường, Mông... Trong đó dân tộc Thái có lịch sử cư trú lâu đời và có số dân đông nhất huyện Quan Sơn mang nhiều dấu ấn đặc trưng, phản ánh nét văn hóa đặc sắc trải dài theo lịch sử. Để hiểu rõ hơn về những nét nổi bật trong văn hóa của đồng bào Thái, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thơ, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quan Sơn.
Đừng bỏ lỡ
  • Trạm Tấu (Yên Bái): Nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số
    (TN&MT) - Trong thời gian qua, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã chủ động, tích cực triển khai các chính sách an sinh xã hội tới đồng bào vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là các hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
  • Quy định mới về hỗ trợ đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo
    Ủy ban Dân tộc vừa ban hành Thông tư số 02/2023/TT-UBDT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2022/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
  • Già làng K’Bông thuộc việc làng như việc nhà
    Đối với những già làng Tây Nguyên, buôn làng là máu thịt; còn với buôn làng, già làng là linh hồn. Già làng K’Bông trú ở bon Cây Xoài, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) thuộc việc làng như việc nhà, hiểu từng hoàn cảnh gia đình trong buôn và bằng uy tín cũng như sự hiểu biết, nhiệt tình của mình, ông đã giúp bon Cây Xoài dần thay da đổi thịt.
  • Bắc Quang – Hà Giang: Đưa nhiều chương trình vì mục tiêu giảm nghèo tới gần người dân
    Hàng loạt chương trình mục tiêu giảm nghèo của Trung ương và tỉnh Hà Giang đang được huyện Bắc Quang tích cực triển khai sâu rộng tới người dân thông qua các kế hoạch, đề án, dự án cụ thể và có kiểm tra, giám sát nghiêm túc, nhờ đó bước đầu đã giải quyết việc làm, tạo sinh kế bền vững cho người dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của huyện Bắc Quang.
  • Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường tại lễ hội Điện Hòn Chén
    (TN&MT) - Những năm qua và đặc biệt là năm nay, tại lễ hội Điện Hòn Chén (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế) đã không còn xuất hiện tình trạng xả rác hay đốt vàng mã xung quanh và xuống sông Hương từ các thuyền tham gia. Ý thức người dân đã được nâng cao, môi trường được đảm bảo.
  • TP. Cần Thơ: Giáo hội Phật giáo tích cực bảo vệ môi trường góp phần phát triển bền vững
    (TN&MT)- Trong thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) TP. Cần Thơ đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT), ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), góp phần xây dựng TP. Cần Thơ ngày càng xanh - sạch - đẹp, bền vững. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với Thượng tọa. TS Lý Hùng, Phó trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP. Cần Thơ.
  • Rực rỡ sắc màu văn hóa các dân tộc Sơn La đón Tết Độc lập
    (TN&MT) - Hân hoan đón Tết Độc lập, các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, hấp dẫn, tạo nên những dấu ấn khó quên trong lòng du khách.
  • Nghệ An: Náo nhiệt phiên chợ vùng cao Tri lễ
    Sáng ngày 01/9/2023, phiên chợ người Mông đầu tiên tại huyện Quế Phong (Nghệ An) đã chính thức được mở phiên đầu tiên tại xã Tri Lễ, mục tiêu vừa kích cầu sự phát triển kinh tế, lưu giữa nét văn hóa đặc sắc lâu đời của người Mông và hướng tới phát triển du lịch cộng đồng.
  • Lào Cai: Linh thiêng Lễ hội đền Bảo Hà
    (TN&MT) - Ngày 1/9 (tức 17/7 âm lịch), UBND huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã long trọng tổ chức Lễ hội đền Bảo Hà. Hàng nghìn người dân và du khách thập phương đã đến tham dự Lễ hội.
  • [Infographic] - 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh
    Đến nay Việt Nam đã có 15 Di sản Văn hóa Phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh. Đây là những nghi lễ quan trọng, những tín ngưỡng cổ truyền hoặc nghệ thuật truyền thông của cộng đồng dân tộc ở Việt Nam.
  • Giải quyết tổng thể khó khăn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
    (TN&MT) - “Việc phê duyệt và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) là một quyết sách đánh dấu mốc lịch sử của Đảng và Nhà nước ta, lần đầu tiên có một chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS&MN”. Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh tại Hội nghị sơ kết 03 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021- 2023 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm từ nay đến năm 2025.
  • Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng chúc mừng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân đại lễ Vu lan
    (TN&MT) - Nhân dịp đại lễ Vu lan Phật lịch 2567 - Dương lịch 2023, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng và bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ cùng đoàn công tác đã đến thăm, chúc mừng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tại Văn phòng I, chùa Quán Sứ, TP. Hà Nội.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO