Quấy nhiễu môi trường rừng đặc dụng ở cụm đảo Hòn Khoai: Nghiễm nhiên “ôm” đảo Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi

15/04/2018 18:37

(TN&MT) - không chỉ có môi trường rừng đặc dụng ở Hòn Hàng bị Doanh nghiệp Bích Khải cấu kết với Cty Hải Đăng “quấy nhiễu” mà còn có 2 điểm đảo tiền tiêu (Hòn...

 

(TN&MT) - Như Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã đề cập đảo Hòn Hàng thuộc cụm đảo Hòn Khoai nằm trong quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng quốc gia, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất không thuộc Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp tỉnh. Thế nhưng, không chỉ có môi trường rừng đặc dụng ở Hòn Hàng bị Doanh nghiệp Bích Khải cấu kết với Cty Hải Đăng “quấy nhiễu” mà còn có 2 điểm đảo tiền tiêu (Hòn Sao và Hòn Đồi Mồi) trong cụm đảo Hòn Khoai Cty Hải Đăng cũng đã và đang quản lý triển khai dự án đầu tư du lịch kết hợp nuôi động vật hoang dã đồng thời có biểu hiện lợi dụng dự án để tổ chức các hoạt động phi pháp…
 

A 4 Hòn Sao
Đảo Hòn Sao và Hòn Đồi Mồi cũng là 2 điểm đảo tiền tiêu thuộc quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng quốc gia nhưng UBND tỉnh Cà Mau đã giao đất cho Cty Hải Đăng thuê 49 năm triển khai dự án du lịch kết hợp nuôi động vật hoang dã từ 10 năm trước.

“ÔM ĐẤT” RỪNG ĐẶC DỤNG 49 NĂM

Các nguồn tài liệu chúng tôi có được cho thấy trước khi khi Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng quốc gia (vào năm 2013) thì từ năm 2008 UBND tỉnh Cà Mau đã giao đất 2 điểm đảo Hòn Sao và Hòn Đồi Mồi có vị trí chiến lược tiền tiêu trong cụm đảo Hòn Khoai trên biển Tây Nam cho Cty Hải Đăng (địa chỉ số 110, Ngô Quyền, phường 1, TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau) thuê 49 năm, để triển khai Dự án đầu tư du lịch kết hợp gây nuôi động vật hoang dã. Theo đó, mặc dù hàng chục hec – ta rừng đặc dụng ở đảo Hòn Sao và Hòn Đồi Mồi phải được bảo tồn nghiêm nghặt theo quy định nhưng trên thực tế suốt nhiều năm qua Cty Hải Đăng vẫn đang nghiễm nhiên quản lý và tổ chức các hoạt động dự án bằng các thủ tục “hợp pháp” do chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau cấp. Trong đó có Giấy chứng nhận đầu tư được cấp bởi Sở Kế hoạch và Đầu tư; Giấy chứng nhận đăng ký gây nuôi động vật hoang dã được cấp bởi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, Cty Hải Đăng chỉ triển khai một số hoạt động (thời điểm từ năm 2008 đến năm 2010), như: thả nuôi một số loài động vật hoang dã trên đảo Hòn Sao, gồm khỉ đuôi dài, kỳ đà hoa, rùa đất lớn, với hình thức thả hoang dã, có kiểm soát thông qua việc bổ sung thức ăn; xây dựng 1 căn nhà để công nhân ở, sinh hoạt và 1 dãy nhà (cột cây đước, mái lợp tol khoảng 20 căn) để nhốt khỉ trên đảo Hòn Sao, quây lưới thả rùa ở một số khu vực. Đồng thời tự đem một số cây (đào, mai, lộc vừng) lên đảo Hòn Khoai trồng (hiện đã chết hết).

Thời điểm tháng 12/2016, Đoàn kiểm tra của các sở ngành tỉnh, ghi nhận: phát hiện trong phạm vi khảo sát thực tế trên đảo Hòn Sao có 1 cá thể rùa đất lớn, một số sọ khỉ, vẩy tê tê, mai rùa. Ngoài ra, từ năm 2015 đến đầu năm 2018, Cty Hải Đăng không có hoạt động gì thêm trên đảo, chỉ duy trì 2 nhân viên hợp đồng ở tại trụ sở Cty. Đồng thời Cty này cũng không thực hiện các hạng mục công trình về bảo vệ môi trường và chưa thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau từ năm 2013 về việc thu hồi đàn khỉ đuôi dài thả nuôi thí điểm trên đảo Hòn Khoai sau khi kết thúc thả nuôi thí điểm.

“Đàn khỉ đuôi dài của Cty Hải Đăng thả nuôi thí điểm trên điểm đảo Hòn Khoai không đủ thức ăn nên hiện nay đang hoành hành quậy phá ảnh hưởng đến sinh hoạt và môi trường. Còn ở Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi chúng tôi kiểm tra đánh giá điều kiện môi trường rất khắc nghiệt không phù hợp để gây nuôi động vật hoang dã. Điều khó hiểu là trong khi chưa đầu tư vào dự án trên đảo Hòn Sao và Hòn Đồi Mồi hiệu quả thì gần đây Cty Hải Đăng lại liên tục có văn bản xin thuê đảo Hòn Hàng điều kiện môi trường rất khắc nghiệt để làm gì?” – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau, ông Nguyễn Văn Thư, đặt vấn đề.
 

A 6 Lực lượng biên phòng kiểm đến số tê tê Java để bàn giao cho cơ quan Công an
Lực lượng Biên phòng bắt giữ kiểm đếm số lượng tê tê Java do Cty Hải Đăng vận chuyển trái phép lúc 20h45’ ngày 22/1/2018.


LỢI DỤNG THỦ TỤC DỰ ÁN “HỢP THỨC HÓA” HÀNH VI BUÔN LẬU?

Trong khi mục đích thực chất thuê đất các điểm đảo khắc nghiệt của Cty Hải Đăng đang là ẩn số, thì mới đây các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau phát hiện Cty Hải Đăng có những việc lợi dụng vị trí đảo Hòn Sao và các thủ tục dự án để “hợp thức hóa” hành vi buôn lậu.

Đơn cử, vào lúc 20h45’, ngày 22/1/2018, lực lượng trinh sát Đồn Biên phòng Đất Mũi đã phát hiện và bắt giữ một phương tiện không số Cty Hải Đăng do Nguyễn Văn Hậu (37 tuổi, ngụ ấp Khai Long, xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển) cùng 6 người khác (là nhân viên của Cty Hải Đăng và thuê mướn thêm bên ngoài) vận chuyển 786kg tê tê Java còn sống (gồm 114 cá thể, trung bình mỗi cá thể từ 3kg đến 10kg) và hơn 300kg vảy tê tê Java khô, từ ngoài biển vào cửa Kênh Năm – Ô Rô, ấp Khai Long, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển. Ước tính tổng trị giá lô hàng nhiều tỉ đồng (giá thị trường trung bình 1kg tê tê sống khoảng 5.000.000 đồng; 1kg vảy tê tê khoảng 15.000.000 đồng).

Ngoài phi vụ này, ông Nguyễn Văn Hậu khai đã trực tiếp điều khiển phương tiện chở Nguyễn Hải Nam, Lê Việt Lĩnh, Lê Trường An và những người làm việc cho Nam vận chuyển động vật hoang dã từ trên tàu BV 96347 TS đậu gần Hòn Khoai đưa và bờ được khoảng 20 lần. Các đối tượng Lê Anh Tuấn, Nguyễn Văn Hoàng, Trương Phi Hùng đã tham gia vận chuyển cùng Nam có người được 3 lần, có người được 4 lần từ tàu BV 96347 TS đậu trên biển gần Hòn Khoai vào bờ. Riêng đối tượng Nam và Lĩnh khai nhận là công nhân của Cty Hải Đăng do ông Trần Quý làm giám đốc và họ đã tham gia đi trên tàu BV 96347 TS nhiều lần ra vùng biển giáp ranh Malaysia để nhận hàng là động vật hoang dã (rắn, rùa, tê tê) cho ông Trần Quý và ông Long ở TP.HCM (không rõ địa chỉ) sau đó đưa vào cửa Kinh Năm Ô Rô, xã Đất Mũi.

Trung tá Phạm Thành Nghiệp, thời điểm đó là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Đất Mũi, trực tiếp chỉ huy thực hiện vụ bắt giữ này, cho biết: “Qua điều tra ban đầu chúng tôi nắm được số tê tê Java này có thể nhập trái phép về từ Malaysia. Vụ buôn lậu này có liên quan đến ông Trần Quý là Giám đốc Cty Hải Đăng. Chúng tôi đã chuyển cơ quan Công an khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự 2 đối tượng để phục vụ điều tra”.

Đáng chú ý, đối tượng Nam đã đối phó bằng cách sử dụng các thủ tục cơ quan chức năng cấp cho Cty Hải Đăng thực hiện Dự án đầu tư du lịch kết hợp gây nuôi động vật hoang dã tại đảo Hòn Sao và Hòn Đồi Mồi nhằm “hợp thức hóa” lô hàng tê tê lậu nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Cụ thể là Giấy chứng nhận đăng ký gây nuôi động vật hoang dã số 37/KL-PCTT do Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cấp ngày 8/5/2009 cho Cty Hải Đăng cùng các thủ tục xác nhận việc vận chuyển hợp pháp tê tê vàng từ đảo Hòn Sao về Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau để làm thủ tục đăng ký nuôi bảo tồn… nhưng đã bị lực lượng chức năng phát hiện vì các thủ tục này không khớp về số lượng, chủng loại và phương tiện… vận chuyển lô hàng.

“Các thủ tục Cty Hải Đăng được cấp để thực hiện dự án thể hiện chủng loại tê tê Vàng trong khi cơ quan điều tra tiến hành giám định (có trưng cầu cán bộ chuyên môn của ngành Kiểm lâm) và kết luận là toàn bộ 114 cá thể tê tê sống và hơn 300 kg vảy tê tê khô bị bắt giữ đều là chủng loại tê tê Java. Tê tê Java là loài tập trung nhiều ở Đông Nam Á. Trong số 114 cá thể tê tê Java bị bắt giữ chỉ có 50 con sống đã được chuyển cho Trạm cứu hộ động vật hoang dã Cúc Phương và lại tiếp tục chết thêm 29 con nữa, hiện chỉ còn 21 con sống đang được nghiên cứu xem có bị dịch bệnh gì không?”- Ông Nguyễn Văn Thư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, nói.
 

A 5 Lực lượng biên phòng làm việc với đối tượng vận chuyển tê tê trái phép
Lực lượng Biên phòng bắt giữ kiểm đếm số lượng tê tê Java do Cty Hải Đăng vận chuyển trái phép lúc 20h45’ ngày 22/1/2018.

CẦN XỬ LÝ DỨT ĐIỂM, BẢO VỆ, KIỂM SOÁT RỪNG ĐẶC DỤNG Ở CÁC ĐẢO TIỀN TIÊU

Được biết, sau 2 ngày bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 114 cá thể tê tê Java sống và hơn 300kg vảy tê tê Java, ngày 24/1, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau đã chính thức ban hành văn bản thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký gây nuôi động vật hoang dã cấp ngày 8/5/2009 cho Cty Hải Đăng.

Mới đây, ngày 5/2/2018, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cũng đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Cà Mau, nêu rõ: “Thời gian qua Cty TNHH Hải Đăng không chú trọng tập trung đầu tư theo dự án đã lập được UBND tỉnh cấp phép đầu tư. Đề xuất UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ngành có liên quan và UBND huyện Ngọc Hiển kiểm tra, đánh giá đúng thực trạng hoạt động thực hiện dự án của Cty Hải Đăng và tham mưu, đề xuất hướng xử lý dứt điểm đúng pháp luật đối với Dự án đầu tư du lịch kết hợp nuôi động vật hoang dã trên đảo Hòn Sao và Hòn Đồi Mồi thuộc cụm đảo Hòn Khoai”.

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi, phản ánh tiến trình chỉ đạo từ phía UBND tỉnh Cà Mau nhằm xử lý nghiêm minh hành vi buôn lậu, kịp thời chặn đứng những việc làm tùy tiện, xâm phạm môi trường biển và rừng đặc dụng của các doanh nghiệp, đồng thời tăng cường các biện pháp quản lý, giữ vững quyền kiểm soát toàn diện tất cả các điểm đảo tiền tiêu trên biển Tây Nam của Tổ quốc theo đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quấy nhiễu môi trường rừng đặc dụng ở cụm đảo Hòn Khoai: Nghiễm nhiên “ôm” đảo Hòn Sao, Hòn Đồi Mồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO