Xã hội

Quảng Xương (Thanh Hóa): Tạo đà cho phát triển kinh tế nông thôn bền vững

Thu Thủy 25/04/2023 - 16:27

Do điều kiện tự nhiên phù hợp với đặc tính của cây cói, việc chú trọng các nguồn lực để nghiên cứu ứng dụng KHCN phát triển nghề trồng cói, dệt chiếu tại xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) đang là hướng đi đúng, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững, xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng nông thôn.

Theo thống kê, xã Quảng Phúc là một trong những địa phương có diện tích đất trồng cói lớn nhất huyện Quảng Xương với 367,85 ha diện tích đất trồng cói. Cây cói được người dân thâm canh từ 2 đến 3 vụ/năm, sản lượng cói trung bình đạt khoảng gần 6.000 tấn/năm. Với giá bán dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, nông dân thu lãi 140 - 160 triệu đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 2.000 lao động nông thôn.

chieucoi1(1).jpg
Nghề dệt chiếu cói là ngành nghề truyền thống của xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa)

Ông Lê Văn Bằng, Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp xã Quảng Phúc cho biết: Nghề dệt chiếu cói ở Quảng Phúc đã có từ lâu, song cũng có giai đoạn nghề này bị chững lại, xuất hiện dấu hiệu bị mai một. Nguyên nhân là do thị trường đa dạng mẫu mã các loại chiếu sản xuất công nghiệp dẫn đến thị hiếu của khách hàng không còn quan tâm nhiều về chiếu cói truyền thống. Mặt khác, ở thời điểm đó, việc nghiên cứu ứng dụng KHCN chưa được quan tâm, quá trình dệt chiếu cói chủ yếu vẫn làm thủ công, khiến chi phí nhân công cao, thời gian dệt kéo dài, lớp trẻ kế cận không còn tâm huyết.

chieucoi2.jpg
Đưa máy dệt chiếu vào sản xuất giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao

Ông Bằng chia sẻ: “Trước tình trạng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, xuất phát từ cái tâm của người nông dân gắn bó với vùng quê nghèo muốn vươn lên bằng chính tiềm năng của vùng đất ven sông, đồng thời được sự khuyến khích, động viên, tạo điều kiện của chính quyền địa phương các cấp, tôi đã mạnh dạn đầu tư vay vốn tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, đầu tư máy dệt công nghệ cao, nhà xưởng quy mô, cùng với HTX thực hiện dệt chiếu cói theo tiêu chuẩn OCOP. Đến nay với ưu điểm đa dạng về mẫu mã, bền về chất lượng nên chiếu cói Quảng Phúc không chỉ thu hút khách hàng trong tỉnh mà còn chiếm lĩnh ở thị trường ngoài tỉnh như: Ninh Bình, Nam Định, Nghệ An, TPHCM, Hưng Yên... góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương”.

a3(2).jpg
Nghề trồng cói giúp phát triển kinh tế

Ông Bằng cho biết thêm: Qua nhiều năm nghiên cứu cũng như tích lũy kinh nghiệm từ cha ông, chúng tôi nhận thấy cây cói có đầy đủ điều kiện để phát triển và tạo kinh tế cho người nông dân. Điển hình như cói chỉ cần trồng 1 lần có thể thu hoạch trong nhiều năm, mỗi năm có hai vụ chu kỳ mọc lại cây từ gốc cũ. Cói được chăm sóc tốt sẽ cho thân dài và cứng cây, được thị trường ưa chuộng. So với trồng lúa, trồng cói có giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Tùy từng năm, cói có giá bán khác nhau, nhưng thường dao động ở mức giá từ 14.000-18.000/kg cói khô.

Để tạo nên sợi cói mềm, dai, phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, cói sau khi thu hoạch được người dân giũ sạch cỏ rác, phân thành 3 loại để chẻ rồi mới đem phơi khô để loại bỏ phụ phẩm. Trong đó, khâu chẻ cói là quan trọng nhất vì mất nhiều thời gian và công sức, bởi nếu không chẻ cói kịp thời, để héo sẽ rất khó chẻ. Tuy nghề dệt chiếu không quá khó, nhưng rất vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn, từ thu hoạch, đem phơi, phân loại, xe lõi đến nhuộm màu rồi mới mang vào máy để dệt, khi dệt đòi hỏi người thợ phải xử lý thật tinh ý, sao cho các đường bẻ mép, bắt biên gọn gàng đều tắp. Kể từ khi có máy dệt chiếu, việc sản xuất được thực hiện theo dây chuyền, mỗi chiếc chiếu dệt bằng máy chỉ mất khoảng 20 phút là hoàn thiện.

a2(1).jpg
Sản phẩm chiếu cói xã Quảng phúc đã được công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao

Theo báo cáo của UBND xã Quảng Phúc, trong năm 2022, với mũi nhọn là nghề trồng cói, kinh tế xã tiếp tục tăng trưởng bền vững, tổng thu nhập kinh tế xã hội ước đạt hơn 550 tỷ đồng, bình quân thu nhập đầu người ước đạt 60 triệu đồng/năm, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ước đạt 15% so với cùng kỳ, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 1,68%. Ngoài ra, sản phẩm chiếu cói xã Quảng Phúc đã được công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao tại Quyết định số 1035 ngày 24/3/2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ông Bùi Ngọc Tam, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc cho biết: Để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, những năm qua xã Quảng Phúc đã có nhiều cơ chế khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những hộ có tâm huyết với nghề được vay vốn để đầu tư mua máy dệt chiếu, mở rộng sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Đến nay, toàn xã đã phát triển được 220 máy dệt chiếu, với công suất mỗi máy dệt được khoảng 30 đến 35 đôi/ngày, cao gấp nhiều lần so với làm thủ công truyền thống. Nghề dệt chiếu của xã Quảng Phúc không chỉ mang lại lợi nhuận cao cho các hộ chủ máy mà còn giải quyết việc làm tại chỗ cho các lao động địa phương với mức lương từ 3 triệu đồng đến 7 triệu đồng/người/tháng.

Xã Quảng Phúc đã đấu mối với phòng Nông nghiệp, TTDV nông nghiệp huyện Quảng Xương, Công ty cổ phần sinh học Phú Gia tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác cây cói kết hợp với nuôi rươi theo hướng hữu cơ tại hội trường của xã, tổ chức đoàn tham quan học tập mô hình nuôi rươi tại Hải Phòng, nhằm mục đích giúp bà con có thêm kiến thức, định hướng nghề trồng cói áp dụng các biện pháp khoa học, kỹ thuật, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Xương (Thanh Hóa): Tạo đà cho phát triển kinh tế nông thôn bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO