Quảng Trị: Dự án chết yểu vì chưa đánh giá tác động môi trường

01/11/2017 00:00

(TN&MT) - Chỉ căn cứ vào tờ trình của UBND phường An Đôn về việc xin xây dựng công trình hạ tầng khu dân cư (KDC) Bàu Vịt và kết quả thẩm định  của Phòng Quản lý & Đô thị. Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị (tỉnh Quảng Trị) Văn Ngọc Lãm đã vội vàng ban hành Quyết định phê duyệt trong khi dự án chưa hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường. Hệ quả là dự án có nguy cơ chết yểu vì gặp phải phản ứng quyết liệt của người dân vùng giáp ranh.

Khu vực san lấp nhìn từ phía KV 2 Nhan Biều
Khu vực san lấp nhìn từ phía KV 2 Nhan Biều

Đánh đổi môi trường tự nhiên, lấp một phần bàu nước để phân lô bán nền

Bàu Vịt là một bàu nước tự nhiên trải dài trên 3km, rộng chừng 100m chạy dọc theo địa phận giáp ranh của phường An Đôn (thị xã Quảng Trị) và xã Triệu Thượng (huyện Triệu Phong). Bàu Vịt có chức năng quan yếu là tiêu úng vào mùa mưa lũ, cung cấp nguồn nước tưới cho Khu vực (KV) 2 và Khu vực 3 Nhan Biều (xã Triệu Thượng). Từ bao đời nay, người dân nơi đây luôn ý thức bảo vệ Bàu Vịt không dám xâm hại dưới bất cứ hình thức nào.

Thế nhưng, nhằm thực hiện dự án đầu tư hạ tầng KDC Bàu Vịt dọc theo QL 1A thuộc địa phận phường An Đôn giáp ranh với KV 2 Nhan Biều; trước đó vào đầu tháng 10/2017, UBND phường An Đôn đã cho chặt cây dọc theo QL 1A sát Bàu Vịt để mở đường cho xe đổ đất san lấp một phần Bàu nước tự nhiên này, bất chấp tác động chuyển hướng dòng chảy trong mùa mưa lũ.

Khu vực san lấp dọc theo QL 1A
Khu vực san lấp dọc theo QL 1A

PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã làm việc với ông Lê Hữu Phong- Chủ tịch UBND phường An Đôn và được ông Phong chia sẻ: “Đảng bộ và UBND phường đã thống nhất chủ trương với mục đích là quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn nhằm khai thác quỹ đất. Qua đó, UBND phường đã có tờ trình lên UBND thị xã Quảng Trị xin khai thác quỹ đất vùng Bàu Vịt và đã được Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị ban hành Quyết định phê duyệt dự án. Dự kiến, hạng mục kè, tường chắn đất và san mặt bằng sẽ tiêu tốn từ 4.000 đến 5.000m3 đất. Phần san lấp tính từ chân ta luy âm của QL 1A ra phía Bàu Vịt là 15m và có chiều dài dọc theo QL 1A 120m với tổng mức đầu tư trên 2,7 tỷ đồng, chia thành 15 nền đất dự kiến thu về chừng 7,5 tỷ đồng cho ngân sách địa phương.

Khi PV hỏi là ông đã làm việc với chính quyền xã Triệu Thượng và hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường hay chưa, ông Phong cho biết là chưa làm việc với xã Triệu Thượng và cũng vì chủ quan là phần san lấp thuộc địa bàn mình quản lý thì mình làm chứ chưa hoàn thành thủ tục đánh giá tác động môi trường. Và ông Phong cũng không lường trước được sự phản ứng quyết liệt của người dân phía đối diện Bàu Vịt thuộc KV 2 Nhan Biều; nếu chúng tôi biết mình làm việc này sẽ ảnh hưởng đến người khác thì chắc chắn không làm và chúng tôi sẽ làm việc lại với người dân ở KV 2 Nhan Biều, dân đồng thuận thì làm, còn không đồng thuận thì dừng”.   

Tờ trình của UBND phường An Đôn
Tờ trình của UBND phường An Đôn

Trao đổi qua điện thoại, Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị Văn Ngọc Lãm cho biết: “Tôi đã ra văn bản tạm dừng dự án để rà soát lại. Khi PV hỏi về việc ông đánh giá tác động môi trường như thế nào? Ông Lãm từ chối trả lời và đẩy vụ việc về phía lãnh đạo UBND phường An Đôn, ông Lãm cho rằng lãnh đạo phường An Đôn chủ động đề xuất dự án”. Theo cách nói của ông Văn Ngọc Lãm thì trách nhiệm khi dự án triển khai và tạm dừng đều thuộc về lãnh đạo UBND phường An Đôn, còn lãnh đạo UBND thị xã Quảng Trị thì vô can.

Để rộng đường dư luận, PV tiếp tục làm việc với ông Lê Ngọc Dũng- Chủ tịch UBND xã Triệu thượng, ông Dũng chia sẻ: “Khoảng đầu tháng 10/2017, phường An Đôn cho chặt cây ven Bàu Vịt dọc theo QL 1A, chúng tôi cứ nghĩ là họ bán cây thôi. Ai ngờ ngày 14/10, họ tiến hành đổ đất san lấp. Sau khi nghe người dân phản ánh, ngày 16/10 UBND xã Triệu Thượng tiến hành kiểm tra thì thấy họ đã đổ ước chừng đến hàng trăm mét khối đất ngay chân ta luy âm của Bàu Vịt phía QL 1A. Trong quá trình thực hiện dự án gì đó, về phía phường An Đôn chưa phối hợp với địa phương liên quan là xã Triệu Thượng để đánh giá tác động môi trường. Nói thực ra rằng nếu phường An Đôn có làm việc thì chính quyền và nhân dân xã Triệu Thượng cũng không đồng tình vì lẽ đây là bàu tiêu úng, thứ nữa là phía bên An Đôn đổ đất san lấp được thì người dân phía Triệu Thượng cũng làm được, từ đó sẽ làm vỡ quy hoạch về công tác quản lý nhà nước. UBND xã Triệu thượng đã báo cáo sự tình lên UBND huyện Triệu Phong đề nghị phía phường An Đôn dừng dự án và không nên triển khai. Chắc chắn nếu dự án này triển khai thì sẽ gây ra ô nhiễm môi trường, điều mà chính quyền và nhân dân xã Triệu Thượng lo ngại nhất là dự án sẽ “bóp méo” dòng chảy xô đẩy về phía KV 2 Nhan Biều, hệ lụy là trong tương lai vùng ven Bàu Vịt thuộc địa bàn KV 2 Nhan Biều chắc chắn sẽ bị bà thủy xâm hại”.

Quyết định của UBND thị xã Quảng Trị
Quyết định của UBND thị xã Quảng Trị

PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã trực tiếp trao đổi với ông Nguyễn Đức Chính- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị và được ông Chính cho biết: “Chủ tịch UBND thị xã Quảng Trị phải có trách nhiệm trên địa bàn mình quản lý. Tôi chưa biết cụ thể vụ việc như thế nào, nhưng khi tôi nghe người dân phản ánh qua điện thoại, tôi đã gọi cho anh Lãm- Chủ tịch thị xã Quảng Trị yêu cầu trực tiếp kiểm tra chỉ đạo việc này và có báo cáo trực tiếp cho tôi. Anh Lãm đã xuống hiện trường kiểm tra và đã đình chỉ công trình. Về mặt quản lý nhà nước đã được phân cấp, nếu UBND thị xã Quảng Trị làm không đúng thì phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh”.

Suy cho cùng phát triển là quy luật tất yếu, nhưng phát triển mà không hủy hoại môi trường tự nhiên mới là điều đáng nói. Vì lẽ đó, bất cứ điều gì nếu đi ngược lại với tự nhiên đều phải trả giá, có khi phải trả giá bằng tính mạng con người.

Thiết nghĩ, UBND phường An Đôn và UBND thị xã Quảng Trị nên lắng nghe tiếng nói của chính quyền cũng như người dân xã Triệu Thượng nhằm mục đích chung là bảo vệ Bàu Vịt để không bị biến dạng bởi bất kỳ tác động nào!

Lương Phong – Anh Dũng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Trị: Dự án chết yểu vì chưa đánh giá tác động môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO