Thách thức từ hạn hán
Thiếu nước sinh hoạt, sản xuất tại vùng núi huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) từ lâu đã là một bài toán không có lời giải. Khí hậu biến đổi, hạn hán gia tăng khiến hàng trăm ha hoa màu, cây công nghiệp của đồng bào đã và đang bị ảnh hưởng do hạn hán.
Ông Nguyễn Ngọc Khả - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa cho biết, nguyên nhân của tình trạng hạn hán ở huyện Hướng Hóa có 2 lý do, thứ nhất là do lượng mưa trong năm 2014 so với mọi năm thấp, chỉ 1.200 mm (mọi năm từ 1.800 đến 2.000 mm) điều này đã ảnh hưởng đến lượng nước sản xuất sinh hoạt trong năm 2015; nguyên nhân thứ 2 là do nước trong các khe suối, hồ đập như hồ Thủy Lợi, thủy điện Rào Quán, hồ Lìa, hồ thôn Của… giảm thấp nhất dưới 50%, có hồ giảm chỉ dưới 20%.
![]() |
Hạn hán khiến nhiều diện tích lúa ở huyện Hướng Hóa thiếu nước |
Thời tiết khô hạn đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân huyện Hướng Hóa. Bên cạnh thiếu nước sản xuất, nước sinh hoạt cũng rơi vào tình trạng thiếu thốn. Ngoài các biện pháp tạm thời như cắt nước luân phiên thì Phòng Nông nghiệp huyện cũng đã tham mưu, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành hỗ trợ xây dựng các hệ thống nước tự chảy, khoan đào giếng để đảm bảo nước sinh hoạt đủ cho người dân. Thời gian vừa qua, hồ tích nước ở Đập Đại Thủy (thị trấn Khe Sanh), nơi cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất cho cả thị trấn Khe Sanh không tích đủ nước nên Phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa cũng phối hợp với Công ty TNHH MTV cấp nước Quảng Trị có phương án cắt nước luân phiên để đảm bảo đủ nước sản xuất và sinh hoạt, ông Khả cho biết.
Cần một biện pháp lâu dài
Huyện Hướng Hóa hằng năm đều phải đối mặt với tình trạng hạn hán, đây là nơi chịu tác động mạnh bởi hình thái khí hậu khô nóng ảnh hưởng từ khí hậu Lào, đặc biệt là tại các xã vùng Lìa như Xy, A Túc, A Dơi, A Xing, Thanh, Thuận... Để giải quyết căn cơ vấn đề thiếu nước sinh hoạt, sản xuất rất cần những biện pháp dài hơi, bền vững.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Khả cho rằng, cần thực hiện những giải pháp đồng bộ và lâu dài. Trong đó, trước mắt là việc thay đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. "Đối với những diện tích lúa nước có nguy cơ bị hạn thì chuyển đổi sang trồng ngô, sắn hoặc đậu lạc. Bên cạnh đó, nghiên cứu kỹ thực tế để phân bổ lịch gieo cấy, xen canh, luân canh… trong tình hình khí hậu biến đổi" - ông Khả nói.
Vừa qua, Phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa đã tham mưu phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa tiến hành hỗ trợ cho bà con ở những vùng tác động mạnh bởi khí hậu 2 tấn giống ngô cao sản. Trong vụ hè thu tới đây, những diện tích bị đe dọa do hạn hán cũng được chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng những loại phù hợp như đậu, sắn... để chống hạn. Sắp đến sẽ hỗ trợ khoảng 10 tấn giống ngô cho bà con sản xuất.
Ông Hồ Khăm, thôn A Ho, bản 11 xã Thanh, huyện Hướng Hóa cho biết: "Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay gia đình đã chuyển đổi mấy sào lúa sang trồng ngô, sắn nên giảm được thiệt hại. Bán ngô, bán sắn rồi đổi lúa cũng đủ ăn. Trong bản nhiều người cũng thoát cái nạn nắng hạn nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp…".
Để ứng phó với việc thiếu nước sinh hoạt, các hệ thống nước tự chảy, giếng khoan cũng được đưa vào sử dụng khai thác. Từ năm 2013 đến nay, bình quân 1 xã tại huyện Hướng Hóa cũng có từ 10 - 20 giếng nước khoan hoặc đào phục vụ cho đời sống của người dân.
Theo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị, vụ sản xuất đông xuân 2014 - 2015 cần nhu cầu nước tưới hơn 7.400ha, nhưng khả năng tưới tiêu hiện chỉ đảm bảo phân nửa diện tích trên. Để đối phó với tình trạng khô hạn này, tỉnh Quảng Trị thống nhất chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích lúa thiếu nước và diện tích màu sang trồng ngô giống DK6919. Đợt này, có gần 930ha được chuyển đổi sang trồng ngô, trong đó huyện Hướng Hóa 113ha; huyện Vĩnh Linh 103ha...
Ông Nguyễn Duy Thông - Giám đốc Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị cho biết: Để chủ động trong việc phục vụ tưới tiêu năm 2015, thì việc tưới tiết kiệm và sử dụng nước có hiệu quả chính là giải pháp ưu tiên hiện nay, trong đó giữ nước cho các hồ đập được xác định là quan trọng nhất.
Bài và ảnh:Hải Tân