Biến đổi khí hậu

Quảng Ninh ứng phó với biến đổi khí hậu: Chủ trương đúng đắn, giải pháp phù hợp

Phạm Hoạch 12/03/2024 - 13:02

(TN&MT) - Những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Để hạn chế thiệt hại do BĐKH gây ra, Quảng Ninh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó phù hợp.

Chủ trương đúng đắn

Một trong những định hướng phát triển giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 mà tỉnh Quảng Ninh đặt ra là chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng BĐKH.

7b.jpg
TP. Uông Bí đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 400ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây vải chín sớm đem lại hiệu quả kinh tế cao

Để nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH, những năm qua, Quảng Ninh đã quan tâm đến công tác quan trắc, cảnh báo về thời tiết. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 điểm đo mưa tự động tại thượng nguồn các hồ chứa và các điểm thường xuyên có nguy cơ chịu ảnh hưởng của thiên tai, góp phần tăng cường khả năng chủ động ứng phó thiên tai, đặc biệt là mưa lớn trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BĐKH, giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm và chủ động phòng, tránh thiên tai.

Được biết, năm 2012, Quảng Ninh đã xây dựng Kịch bản biến đổi khí hậu cấp tỉnh (lồng ghép trong Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh). Năm 2016, Quảng Ninh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh lần 1 và thực hiện rà soát, cập nhật lần 2 theo Kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng năm 2016 của Việt Nam.

Để chủ động phòng chống thiên tai, BĐKH, Sở TN&MT Quảng Ninh đã công bố kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu chung tăng cường ứng phó BĐKH, phòng tránh, giảm thiểu hiểm họa do thiên tai, bảo vệ cuộc sống của người dân.

Ông Đoàn Duy Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết: Hàng năm, đơn vị đều phối hợp với các địa phương triển khai công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, hiểu biết về thích ứng với BĐKH, thiên tai ở những vùng có nguy cơ cao, nhất là các xã ven biển. Cùng với đó, việc thí điểm các mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH ở các vùng nhiều rủi ro thiên tai được quan tâm, góp phần ổn định đời sống của nhân dân, giảm thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.

Nhiều mô hình sản xuất thích ứng BĐKH

Nhận thức sâu sắc ảnh hưởng của BĐKH đối với các hoạt động sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản, những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã tích cực phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến người dân về tác động tiêu cực của BĐKH. Đồng thời triển khai thực hiện việc tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với BĐKH, đặc điểm sinh thái của vùng và địa phương.

Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều mô hình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng BĐKH như: Cánh đồng mẫu lớn; chuyển đổi cây trồng trên vùng đất lúa kém hiệu quả nhằm nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất; ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Giai đoạn 2021 - 2022 đã chuyển đổi 1.945,8ha đất trồng lúa kém hiệu quả, thiếu nguồn tưới tiêu sang trồng cây có giá trị kinh tế cao (ngô, vải, ổi VietGap), có khả năng chống chịu thời tiết.

7a.jpg
Trang trại nuôi gà áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tiết kiệm nguồn nước, xử lý nguồn thải đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần ứng phó với BĐKH

Cánh đồng vải chín sớm (loại vải chín trước chính vụ) tại phường Phương Nam, TP. Uông Bí là một trong những kết quả minh chứng cho hiệu quả của việc chuyển đổi cây trồng trên cánh đồng lúa kém hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Duy - Phó Chủ tịch UBND phường Phương Nam cho biết: Từ chỗ chỉ có hơn 100ha trồng vải chín sớm, đến nay, Phường đã nâng lên 415ha. Cây vải chín sớm ở địa phương phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng, việc chăm sóc không vất vả như cấy lúa, tiết kiệm nguồn nước tưới tiêu lại cho thu hoạch sớm hơn so với cây vải thông thường khoảng 1 tháng nên giá bán cao, được khách hàng ưa chuộng. Riêng trong năm 2023, phường thu hoạch 2.000 tấn vải, trị giá hơn 50 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương.

Ông Vũ Ngọc Đắc (ở khu Hiệp Thanh, phường Phương Nam) cho biết: Cây vải chín sớm đã trở thành thương hiệu của địa phương, vào đầu vụ thu hoạch, giá bán từ 25 đến 30 nghìn/kg, giúp cho nhiều hộ gia đình có kinh tế khá giả. Năm nay hoa vải ra sai, quả đậu đều, hứa hẹn một vụ vải bội thu.

Cùng với đó, các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã triển khai trên 270 mô hình chăn nuôi gà, vịt, lợn, nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao, như: Dùng đệm lót sinh học trong chăn nuôi, chăn nuôi gà Tiên Yên an toàn sinh học, chăn nuôi vịt biển thương phẩm an toàn sinh học, nuôi lợn an toàn dịch bệnh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, chăn nuôi gà thương phẩm (Ri lai) an toàn sinh học; nuôi tôm bằng công nghệ nuôi Biofloc nuôi thâm canh, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm trong bể nổi tròn...

Thời gian tới, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH và ý thức tự giác bảo vệ tài nguyên, môi trường của cộng đồng, cũng như triển khai các dự án nâng cấp, xây mới các đoạn đê biển, đê sông xung yếu, phát triển rừng chắn sóng, chắn cát, rừng ngập mặn ven biển để phát huy vai trò lá chắn tự nhiên, bảo đảm chống chịu được với thiên tai, triều cường, xâm nhập mặn theo kịch bản BĐKH và nước biển dâng đã xây dựng - ông Đoàn Duy Vinh chia sẻ thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh ứng phó với biến đổi khí hậu: Chủ trương đúng đắn, giải pháp phù hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO