Quảng Ninh ứng phó BĐKH: Nhân lên những cánh rừng

Bài và ảnh: Phạm Hoạch| 07/03/2023 12:38

(TN&MT) - Những năm gần đây, Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, đạt được kết quả đáng khích lệ, nhưng trong quá trình phát triển, tỉnh đã và đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ thách thức về phát triển bền vững trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH).

Tạo dựng “lá chắn xanh”
Quảng Ninh là một tỉnh ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp trước những hiện tượng BĐKH, nước biển dâng, hằng năm phải hứng chịu những hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của BĐKH, như mưa, lũ, ngập lụt kéo dài, xâm nhập mặn. Những tác động này làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, nhất là khu vực cư dân sinh sống ven biển.

Nhận thức tầm quan trọng của việc chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp về thời tiết do BĐKH gây ra, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với BĐKH gắn với bảo vệ môi trường. Điều này được thể hiện rõ nét trong Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đó là hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng bảo vệ tài nguyên, phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH.

Một trong những giải pháp quan trọng mà Quảng Ninh triển khai đạt hiệu quả trong thời gian qua đó là đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn và rừng ngập mặn ven biển tạo lên “lá chắn xanh” nhằm tăng khả năng, sức chống chịu với thiên tai, bão lũ cũng như tạo sinh kế cho người dân vùng núi và ven biển. Theo đó, kế hoạch trồng rừng tập trung trên địa bàn tỉnh là 11.640ha, gồm 11.161ha rừng sản xuất và 479ha rừng phòng hộ; trồng ít nhất 2.000ha lim, dổi, lát ở những nơi có đủ điều kiện theo Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Ngay trong dịp phát động Tết trồng cây đầu năm 2013, toàn tỉnh phấn đấu trồng 100ha rừng, toàn đợt đến hết quý I/2023 trồng 1 triệu cây lim, dổi, lát và các loài cây bản địa, cây gỗ lớn.

anh-qn-03-1-.jpg
Trồng rừng ngập mặn tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên ứng phó biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân.

Điển hình như TP. Móng Cái, từ năm 2020 đến nay, địa phương trồng mới trên 1.644ha rừng tập trung, trong đó có 325ha rừng phòng hộ, hơn 1.319ha rừng sản xuất và 78.685 cây phân tán. Trong đó, năm 2023, TP. Móng Cái phấn đấu trồng mới 400ha rừng tập trung, trong đó có 120ha rừng gỗ lớn. Đến nay, toàn thành phố có hơn 330ha rừng gỗ lớn với các loại cây bản địa, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,3%.

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Móng Cái Nguyễn Phúc Vinh cho biết, địa phương đang tích cực triển khai chương trình trồng rừng gỗ lớn của tỉnh kết hợp trồng rừng ngập mặn đã được các đơn vị, người dân trên địa bàn nhiệt tình hưởng ứng. Việc nhân rộng lên những cánh rừng đã góp phần giữ đất, bảo vệ nguồn nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân, nhất là bà con ở các xã vùng cao và ven biển.

Cùng với đó, Quảng Ninh đang tập trung phát triển thủy lợi theo hướng hiện đại, bảo đảm cấp, thoát nước cho dân sinh, phục vụ chữa cháy và các ngành kinh tế, chủ động phòng chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH, nước biển dâng. Đồng thời, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ cải tạo nâng cấp 22 tuyến đê địa phương với tổng chiều dài 88,6km, cũng như tiến hành tu bổ, sửa chữa hàng chục hồ đập chứa nước ngọt trên địa bàn.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Những năm gần đây, công tác ứng phó với BĐKH hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có nhiều chuyển biến tích cực, đóng góp chung vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Cùng với đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về chủ động ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh được tăng cường. Thông qua đó, nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng về tác động của BĐKH và trách nhiệm ứng phó với BĐKH được nâng lên rõ rệt.

Để nâng cao hiệu quả ứng phó với BĐKH, Quảng Ninh cần nhanh chóng phân vùng rủi ro đối với từng loại thiên tai trên địa bàn tỉnh và xác định các khu vực ưu tiên phòng, chống đối với từng loại thiên tai. Đồng thời, đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống đê sông, đê biển, hồ chứa nước, các công trình phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Trao đổi với phóng viên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh) Nguyễn Như Hạnh cho biết, cùng với các giải pháp ứng phó BĐKH, cần đẩy mạnh việc triển khai các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính và thúc đẩy phát triển thị trường các-bon, thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường.

Thời gian tới, Quảng Ninh cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với BĐKH và ý thức tự giác bảo vệ môi trường của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình hiệu quả, cách làm hay về chủ động thích ứng với BĐKH, các giải pháp, cách thức thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây con giống phủ hợp, để người dân ở những vùng dễ bị ảnh hưởng thích nghi với điều kiện BĐKH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ninh ứng phó BĐKH: Nhân lên những cánh rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO